Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ trong gia phả...

ANHTHU| 30/07/2007 07:32

(HNM) - Làng Chính Kinh bên sông Tô Lịch, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, có dòng họ Nguyễn, một cộng đồng lớn, còn duy trì nhiều sinh hoạt truyền thống. Tại nhà thờ họ cũng như nơi thờ tự của từng chi, vẫn lưu giữ “Chính Kinh Nguyễn tộc thế phả thống biên” bằng chữ Nho.

(HNM) - Làng Chính Kinh bên sông Tô Lịch, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, có dòng họ Nguyễn, một cộng đồng lớn, còn duy trì nhiều sinh hoạt truyền thống. Tại nhà thờ họ cũng như nơi thờ tự của từng chi, vẫn lưu giữ “Chính Kinh Nguyễn tộc thế phả thống biên” bằng chữ Nho.

Đối chiếu gia phả này với bản “Nguyễn Thị Gia phả” hiện lưu giữ ở Viện Hán Nôm, có nhiều nét tương đồng, phát lộ ra một nhân vật giữ vai trò cực kì quan trọng trong sự lưu thông giữa đôi bờ Tô Lịch, con sông có vị trí lớn trong đời sống thực tế cũng như ca dao, ngạn ngữ vùng Tây, Tây Bắc Thăng Long xưa.

Đó là cụ Nguyễn Hữu Thiêm, tự Hữu Kỷ, sinh năm Nhâm Ngọ 1702. Sống vào đời Lê Trung Hưng lắm nhiễu nhương, cụ giữ nếp cương trực, nhân hậu. Đỗ khoa thi Thư - Toán (thi viết chữ và tính toán) do triều đình tổ chức năm 27 tuổi, với nét chữ như thần, cụ được nhà chúa vời vào dạy thư pháp cho Thanh Vương Trịnh Giang, Ân Vương Trịnh Doanh, Tĩnh Vương Trịnh Sâm, làm quan đến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, Tả Xuân Phường, Tả Trung Doãn.

Nguyễn Hữu Thiêm mất ngày 7-2-1771, thọ 70 tuổi, tang lễ được chúa Trịnh Sâm ban mấy chữ “Bắc tự siêu nhân” (siêu nhân viết chữ Hán). Bức biểu Tĩnh Vương tự tay viết này hiện còn ở nhà thờ họ Nguyễn Chính Kinh. Kèm theo, là một túi gấm, do quan Trung sứ đem đến tận huyệt mộ ân tặng. Gia phả trên ghi mộ cụ táng tại xứ Kim Long, thôn Thượng, xã Trung ái, huyện Từ Liêm, nay thuộc đâu không rõ. Nhưng nếu chỉ bằng vào những tước lộc trên thì chưa thể thấy hết được dấu ấn cụ để lại cho kinh thành Thăng Long.

Mắc bệnh nặng, Nguyễn Hữu Thiêm xin nhà chúa cho từ quan về quê, bắt đầu một sự nghiệp lớn. Nhận thấy việc thông thương đôi bờ sông Tô Lịch, nếu cứ trông chờ vào thuyền bè cả thì rất bất tiện, tốn kém, cụ quyết định bắc một loạt cầu bằng gạch cho cư dân Thăng Long đi lại. Với ảnh hưởng, vai trò của mình, và có lẽ với cả kiến thức về toán pháp, Nguyễn Hữu Thiêm lập nên một khu sản xuất gạch phục vụ mục đích trọng đại trên. Và rồi, bảy cây cầu bằng gạch, cuốn vòm cửa cống, mặt lát phẳng, cao hơn mặt nước trên một mét được bắc qua con sông Tô, hồi đó hẳn sạch sẽ, tấp nập chứ không như hiện nay. Việc đi lại, buôn bán cũng như thu thuế trở nên rất thuận tiện, đây là điều thật dễ hình dung ra.

Xem vị trí 7 cây cầu do Nguyễn Hữu Thiêm bắc, gia phả họ Nguyễn Chính Kinh ghi lại, có thể thấy diện mạo vùng Tây, Tây Bắc Thăng Long ngày ấy đã “tươi tốt” hơn dường nào. Đó là:

1. Dà Kiều (cầu Dừa): xây trên cái hào cũ do Mạc Mậu Hợp cho đào để chống cự lại quân Trịnh Tùng theo đường Thượng đạo đánh từ Thanh Hóa ra. Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” chép năm Mậu Tý tháng hai, “Họ Mạc thấy quan quân mỗi ngày một mạnh liền bàn định kế đánh giữ”. Hạ lệnh cho dân quân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân) vượt qua hồ Tây, qua cầu Dừa, đến cầu Giền (Dền) suốt đến Thanh Trì giáp phía Tây Bắc sông Hồng, cao hơn thành đến vài trượng, rộng 25 trượng, đắp ba lớp hào đều trồng tre, dài tới mấy mươi dặm để bọc lấy phía ngoài thành” (tập III, trang 164).

2. Thái Kiều: là cầu Thái Hà, gần đền Đồng Cổ. Sông Tô ăn thông với sông Hồng ở hai nhánh. Nhánh lớn bên phía Bắc, gần Chợ Gạo, đã bị lấp. Nhánh nhỏ thông với hồ Tây ở địa phận làng Thụy Khuê, có cầu Thái Hà.

3. Quyết Kiều: là cầu Yên Quyết hay cầu Cót, từ Láng Thượng sang Cót.

4. Mục Kiều: là cầu Mọc, từ Láng Hạ sang Nhân Mục Môn (Nhân Chính).

5. Giát Kiều: là cầu Giát, từ Nhân Mục Cựu sang Khương Đình, quãng khu tập thể nhà máy cơ khí Hà Nội ngày nay. Khi người Pháp làm đoạn đường 6 từ Ngã Tư Sở đi Quán Bún (vị trí khu trường ĐH Tổng hợp nay) thì đường Thượng Đạo và cầu Mọc không còn vị thế quan trọng như trước. Cầu Giát bị phá bỏ, thế bằng cầu Mới.

6. Triền Kiều: là cầu Giền, bắc qua đoạn sông Kim Ngưu - cũng là đoạn hào bảo vệ Thăng Long của Mạc Mậu Hợp chống quân Trịnh Tùng tiến lên từ phía Nam. Cầu nằm ở ô Cầu Giền, đoạn nối phố Huế xuống phố Bạch Mai. Danh y Lê Hữu Trác, trong cuốn “Thượng Kinh kí sự” có ghi chép việc này. Xét theo lối chiết tự, “Giền” chính là chữ “Triền” thêm bộ thảo trên đầu.

7. Quang Kiều: là cầu Quang, từ Bằng Liệt sang Quang Liệt, Thanh Trì.

Ngoài 7 cây cầu trên, cụ Nguyễn Hữu Thiêm còn xây ngôi chùa lớn bảy gian rất đẹp gần cầu Mọc. Đáng tiếc, cơn binh hỏa năm Bính Ngọ 1786 đã thiêu cháy chùa, chỉ còn lại bức tượng Phật Bà Quan Âm còn nguyên vẹn, dân làng liền rước về chùa Bồ Đề để thờ phụng.

Bồ Đề tự cổ đồng tôn Phật

Tô Lịch kiều sơ nhập mộng Thần

Đôi câu đối trên ở chùa Bồ Đề có nghĩa là: Chùa Bồ Đề có tự ngàn xưa (nay) cùng thờ Phật / Cầu Tô Lịch đang làm dở mộng thấy Thần.

Ngày nay chúng ta đã quen với con sông Tô Lịch chứa nước thải đen ngòm, cùng những cây cầu bê tông vững chãi bắc qua. Cuốn gia phả của họ Nguyễn Chính Kinh điểm thêm một hình dung về quá khứ, cụ Nguyễn Hữu Thiêm đóng gạch, bắc 7 cây cầu qua dòng sông còn khá trong trẻo, có thuyền bè qua lại. Để rồi từ đó, những váy sồi, yếm đào trĩu trịt gánh cam Canh bưởi Diễn, cốm Vòng vào kinh thành cho những cái mồm Kẻ Chợ ăn.

Quốc Hưng

- - - - - - - -

Cùng bạn viết

Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ có những chuyện trong quá khứ. Trong thời gian tới, đề tài ưu tiên của chúng tôi là thời chúng ta đang sống; những con người, sự kiện, công trình mới..., để nói lên sức sống của thành phố hôm nay.

Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@ hanoimoi.com.vn

Phông chữ VnArial

BTC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Từ trong gia phả...

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.