Xây & Chống

Tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Minh Nguyệt 04/11/2024 - 06:59

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của mọi người dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với 5 thành tố bắt đầu bằng chữ “tự”, đặc biệt là thành tố "tự tin" thể hiện tư duy đổi mới của Trung ương và một tư thế sẵn sàng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

1. Nội dung nêu trên là vấn đề thứ năm trong tám vấn đề về phương hướng, giải pháp chiến lược được Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý khi chỉ đạo hoàn thiện Dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Cụ thể, nội dung này là: “Phát triển văn hóa, con người; kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “Dân là gốc”, “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của mọi người dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Ở đây xin tập trung bàn về 5 thành tố bắt đầu bằng chữ “tự”, nhất là “tự tin” để thấy rõ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, sẵn sàng chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện.

“Tự tin” là sự tin tưởng lớn vào khả năng của bản thân mà không bị ảnh hưởng bởi sự nghi ngờ, đánh giá của bên ngoài. “Tự chủ” là làm chủ được chính mình, luôn ý thức rõ những gì mình đang làm và biết tự điều chỉnh cho phù hợp. “Tự lực” thường nằm trong cụm thành ngữ “tự lực cánh sinh” có thể hiểu là làm việc gì cũng dựa vào sức mình là chính. “Tự cường” là tự làm cho mình ngày một mạnh lên, không chịu thua kém người khác. “Tự hào dân tộc” là cảm giác hài lòng, hãnh diện về dân tộc mình.

Gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Nếu xét về quy mô, nền kinh tế của nước ta đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.

Từ một nước nghèo đói, lạc hậu, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta không ngừng được mở rộng, GDP năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD. Nếu như ở những năm 1990, GDP bình quân đầu người ở nước ta dưới 100 USD thì nay (năm 2023), GDP bình quân đầu người là 4.300 USD...

Thành tựu đó có được chính là nhờ tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Nhưng hầu như chúng ta chưa nói đến “tự tin”, mặc dù trong nội hàm 4 thành tố trên đã có “tự tin”. Việc chưa đề cao nhân tố “tự tin” có lẽ vì từ bao lâu nay, chúng ta định hình một thái độ luôn luôn khiêm tốn để học hỏi và hoàn thiện mình. Đó cũng chính là đức tính, là quan điểm đáng quý khiến bạn bè quốc tế càng thêm cảm phục đất nước, con người Việt Nam.

2. Bên cạnh tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào thì “tự tin” là điều rất cần thiết và cần có để bước vào kỷ nguyên mới. Việc đưa thêm thành tố “tự tin” cho thấy một bước tiến về tư duy lý luận của Đảng, đồng thời thể hiện một tư thế sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo để bắt đầu hành trình vươn mình của dân tộc.

Như đã nói ở trên, việc xác định “tự tin” là có căn cứ lý luận và thực tiễn. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cho thấy, con người và dân tộc Việt Nam xứng đáng có sự tự tin; bởi xét về phẩm chất, năng lực, người Việt Nam đã hội tụ các đức tính: Cần cù, siêng năng, thông minh, sáng tạo trong lao động; anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng sự tự tin trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, nhất là khả năng tiếp thu, sáng tạo trong thế giới toàn cầu hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ phát triển như vũ bão thì phải qua gần 40 năm đổi mới, đến nay chúng ta mới thấy rõ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tự tin nhận định với tất cả sự khiêm tốn rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Ngay trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII (họp từ ngày 18 đến ngày 20-9-2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, với thế và lực đã tích lũy được sau gần 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

3. Với tâm thế đó, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, văn kiện Đại hội XIV của Đảng phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá.

Hiện nay, các cấp ủy Đảng đang tập trung chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là chuẩn bị dự thảo văn kiện. Tuy nhiên, không phải cấp ủy nào cũng dành sự quan tâm đầu tư công sức, trí tuệ xứng đáng để có các văn kiện đại hội thật sự chất lượng, trở thành “ngọn đuốc soi đường”. Đây chính là vấn đề hạn chế cần được các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy hết sức quan tâm khắc phục; xác định văn kiện phải có chất lượng như một công trình khoa học, là kết tinh trí tuệ của toàn đảng bộ và nhân dân.

Đặc biệt, sự tự tin không phải là lời hay ý đẹp, hô khẩu hiệu suông, mà cần phải được thể hiện bằng việc xác định cụ thể phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong nhiệm kỳ tới. Các mục tiêu, chỉ tiêu phải phù hợp với năng lực, có tính khả thi, phải thể hiện rõ ý chí tiến công và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo; vừa không chủ quan, duy ý chí, hình thức chủ nghĩa, vừa không cầu toàn chọn mức thấp để dễ hoàn thành.

Tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc cùng với sự vận dụng sáng tạo ở các cấp, các ngành, ở mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ là nguồn nội lực mạnh mẽ để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự tin bước vào kỷ nguyên mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.