Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ thất bại của Tiến Minh: Hãy nhìn nhận bằng trái tim & sự thấu hiểu

Theo TT&VH| 17/03/2010 10:42

Trong những năm gần đây Tiến Minh là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất làng cầu lông Việt Nam, không chỉ người trong giới cầu lông mà còn lan rộng ra ngoài xã hội. Những nỗ lực vượt bậc, những thành công cũng như thất bại của Minh từ bao giờ đã trở thành đề tài bàn tán khắp nơi.

Tiến Minh (trái).


Là một người chơi cầu lông lâu năm, có am hiểu và hoạt động trong lĩnh vực này tôi muốn chia sẻ với những người yêu thích môn thể thao này nói chung, những người hâm mộ Tiến Minh nói riêng về những thành công và thất bại của Minh, để từ đó chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn và có sự đánh giá chính xác, cũng như cảm thông chân thành.

Biết về Minh khá lâu, quả thật tôi chưa thấy ai đam mê cầu lông như Minh, trên sân tập Minh như một con người khác, chỉ biết cây vợt, trái cầu, hăng say và cuồng nhiệt. Những ngày không đi đến trung tâm tập Minh vẫn tập ở nhà đều đặn, những bài tập như chạy cầu thang, vác tạ được thực hiện thường xuyên, hôm nào bận không tập được Minh lại cảm thấy thiếu thiếu.

Ở nước ngoài việc đầu tư đào tạo cho vận động viên là sự nghiên cứu có hệ thống chặt chẽ hợp lý. Ở Trung Quốc có Lin Dan, Jin Chen, Bao Chunlai, ở Malaysia có Lee Chong Wei, Wong Choong Hann, ở Indonesia có Taufik, Santoso, Kunkoro và nhiều tay vợt hàng đầu khác (họ không nằm trong bảng xếp hạng vì số lượng VĐV mỗi quốc gia tham gia giải quốc tế có giới hạn và chỉ chọn những tay vợt giỏi nhất) để luyện tập cùng nhau, kinh nghiệm của các đàn anh sẽ được truyền lại cho đàn em, họ có nhiều cơ hội cọ xát chính vì vậy kinh nghiệm và trình độ thi đấu tăng nhanh bắt kịp với đàn anh. Vì không thường được thi đấu giải nên thứ hạng trong bảng xếp hạng IBF không cao nhưng trình độ thì rất đáng nể. Việc dựa vào thứ hạng để đánh giá năng lực vận động viên là một yếu tố quan trọng chứ không thể hoàn toàn chính xác.

Mỗi lần đi tập huấn nước ngoài, không có nghĩa là Minh được va chạm, tập luyện chung với các tay vợt hàng đầu quốc gia mà chỉ là những tay vợt tầm tầm. Bởi các nước cũng không “dại” gì “giúp đỡ” đối thủ nâng cao trình độ, nên việc tập huấn ở nước ngoài cũng chỉ giúp Minh một phần nhỏ trong việc phát triển chuyên môn mà thôi.

Ông bà ta có nói biết người biết ta trăm trận trăm thắng song Tiến Minh chỉ có một mình, không có đồng đội cùng luyện tập, không có cơ hội được giao lưu cọ xát, đó là một bất lợi rất lớn.

Trong lần trò chuyện với người bạn Beryno (Tuyển Malaysia xếp hạng 66 thế giới) và Mags Koh (Phóng viên tạp chí Star - Malaysia) tôi được biết: Các vận động viên thuộc tuyển quốc gia thì nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ sau khi “giải nghệ” như đảm bảo có việc làm phù hợp, nhà ở, chế độ trợ cấp… VĐV chỉ lo thi đấu tốt. Với thể thao nước ta, có điều đó hay không?

Ở các nước chế độ ăn uống của vận động viên cũng được quan tâm chặt chẽ, đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, sức khỏe cũng được bác sĩ kiểm tra thường xuyên, nếu có chút “biến cố” sẽ được “xử lý” ngay tức khắc. Ở nước ta chế độ chăm sóc cho những VĐV chuyên nghiệp nằm ở mức nào?

Với nguồn kinh phí dồi dào, các nước thường xuyên cho vận động viên của mình đi thi đấu khu vực và quốc tế để nâng cao trình độ lẫn kinh nghiệm. Minh phải bỏ tiền túi và lâu dần thì đó là một gánh nặng mà gia đình Minh phải suy nghĩ đắn đo.

Trong khi các đội bạn luôn có người phụ trách lo tất cả thì Minh thường phải độc hành trên những chặn đường du đấu: lo thủ tục giấy tờ, lo ăn uống, chỗ nghỉ ngơi, không đồng đội bên cạnh ủng hộ sẻ chia, vậy thì làm sao có thể toàn tâm toàn ý cho thi đấu. Còn đó vẫn nhiều lắm nhiều lắm những điều chưa kể.

Nếu thường xuyên theo dõi tin tức trên các diễn đàn cầu lông quốc tế, bạn sẽ thấy sự ngưỡng mộ và ngạc nhiên dành cho những thành quả Tiến Minh đã đạt được từ người hâm mộ cầu lông ở các nước cũng như các tuyển thủ quốc gia khác. Họ biết Việt Nam không có những điều kiện tốt nhất để tập luyện, cọ xát nâng cao trình độ, chính vì thế cái tên Tiến Minh luôn gợi lên một sự thán phục xen lẫn tò mò và là dấu hỏi lớn đối với họ.

Quay lại với giải Anh Super Series 14/3/2010 vừa qua, Tago sau khi vượt qua Tiến Minh đã lần lượt đánh bại Chen Jin (hạng 4 thế giới), Bao Chun Lai (hạng 6 thế giới) và chỉ dừng bước ở trận chung kết trước tay vợt số 1 thế giới Lee Choong Wei với tỷ số sít sao 19-21,19-21. Thắng thua là điều bình thường trong thi đấu, nhưng hãy nhìn những gì Minh đạt được, đã đem về cho đất nước, bạn sẽ hiểu nó có giá trị và ý nghĩa lớn lao đến mức nào.

Trong khuôn khổ bài viết này còn nhiều vấn đề không thể nói hết được, song cũng hy vọng góp phần giúp người đọc biết thêm về Minh. Đúng là Minh còn phải nỗ lực rất nhiều cho chặng đường còn dài và lắm chông gai để thành công trong sự nghiệp, để thoả mãn đam mê, để đáp lại lòng yêu mến của người hâm mộ.

Chúng ta hãy cứ viết, cứ nói những suy nghĩ, những góp ý về những thất bại của Minh để Minh lắng nghe và suy nghĩ. Song chúng ta cũng hiểu rõ, trân trọng và sẻ chia những gì Minh đã và đang làm để Minh thêm niềm tin và nghị lực vượt qua những khó khăn phía trước. Chúng ta không ai là hoàn hảo vậy hãy cùng nhau lắng nghe, học hỏi và sẻ chia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ thất bại của Tiến Minh: Hãy nhìn nhận bằng trái tim & sự thấu hiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.