(HNM) - Năm 1802, Nguyễn Ánh chuyển kinh đô vào Phú Xuân và Thăng Long bị giáng xuống thành một trấn thì phủ Phụng Thiên được đổi tên thành phủ Hoài Đức, chức quan Phủ Doãn bị xóa bỏ nhưng sở lỵ của phủ vẫn đóng ở đây.Đến năm 1833, vua Minh Mạng ra lệnh phủ về Dịch Vọng (nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) thì phủ trở thành huyện đường của huyện Thọ Xương.
Hơn 3 thế kỷ trước,năm 1446,vua Lê Thánh Tông lập phủ Trung Đô gồm hai huyện là Quảng Đức (sau đổi thành Vĩnh Thuận) và Vĩnh Xương (sau đổi thành Thọ Xương ), mỗi huyện gồm 18 phường. Đây là xuất xứ của tên gọi 36 phố phường sau này. Tháng 12.1500, phủ Phụng Thiên bị cháy rụi, vì là khu hành chính đặc biệt của Thăng Long nên phủ được dựng lại sau đó. Tháng 3.1469, phủ Trung Đô được đổi thành phủ Phụng Thiên. Quan đứng đầu gọi là Phủ Doãn.
Năm 1887-1888, Hà Nội bị dịch tả hoành hành nên một bà phước tên là Fe'licie Vacheron cho dựng một ngôi nhà gỗ nhỏ trong vườn Phủ Doãn để làm chỗ phát thuốc và khám bệnh cho người nghèo. Hàng ngày, có rất nhiều người đến khám và xin thuốc. Sau đó nó được mở rộng thành một ngôi nhà xây 3 gian để trở thành bệnh xá. Giúp việc cho bà phước và chăm sóc bệnh nhân là hai phụ nữ người Việt. Dù được khám và phát thuốc nhưng nhiều trẻ em không qua được nạn dịch, chết ngay tại bệnh xá nên hai phụ nữ giúp việc đề nghị bà phước cho lập miếu thờ theo tín ngưỡng người Việt. Dù là theo Công giáo nhưng bà phước đã đồng ý, sau đó người nhà một bệnh nhân đã trồng cây si ở đây. Từ đó cho đến sau này, ai có thân nhân bị bệnh nặng vào viện vẫn ra đây thắp hương cũng lễ. Bây giờ cây si (cổng phố Tràng Thi) vẫn còn nhưng miếu đã bị dỡ bỏ từ lâu.
Dần dần bệnh xá này có thêm hai dãy nhà cho người bệnh, vì nằm trên đất Phủ Doãn nên dân gọi là Nhà thương Phủ Doãn. Nhà thương này hoạt động từ 1888 đến 1904 thì bị nhà nước xung công do chính sách "thế tục hóa" trường học, bệnh viện của nhà thờ Công giáo lập nên của Chính phủ Đệ tam cộng hòa Pháp. Nhà thương Phủ Doãn được đổi thành Bệnh viện Bảo hộ. Năm 1921, bệnh viện mới có 5 ngôi nhà một tầng. Phủ Doãn có 2 chế độ đối với bệnh nhân: trả tiền và làm phúc .Đến thời kỳ có nhiều bệnh viện tư thì đa phần bệnh nhân khu làm phúc là người bị bệnh nặng từ các tỉnh về.
Bên cạnh Bệnh viện Bảo hộ là Nhà tù Hỏa Lò, được xây dựng năm 1896 là nhà giam lớn nhất Đông Dương với sức chứa khoảng 500 tù nhân. Hỏa Lò chuyên giam giữ những người chống đối chính quyền Pháp. Năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở đây do ông Hoàng Quốc Việt làm bí thư mở ra cuộc đấu tranh với thực dân trong nhà tù này. Đầu năm 1932, ông Nguyễn Lương Bằng bị bắt ờ Sài Gòn và sau khi giam ông ở bót Catina, thực dân Pháp chuyển ông ra Bắc. Tháng 6.1932,ông bị kết án chung thân và tống vào Hỏa Lò. Cũng như nhiều chiến sỹ cách mạng đang nằm trong nhà tù này, Nguyễn Lương Bằng tìm nhiều cách vượt ngục ra ngoài để tiếp tục hoạt động cách mạng. Song, do tường rào cao, nhiều lớp cửa lại có lính gác cẩn mật ngày đêm nên Nguyễn Lương Bằng cùng Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển, Võ Duy Cương bàn bạc và đi đến thống nhất, sẽ gỉa ốm đau bệnh tật để được đưa sang Bệnh viện Bảo hộ. Từ đây sẽ tính kế thoát ra ngoài. Để che mắt, mỗi người giả một bệnh khác nhau. Người giả ho và khai bị ho lao, người làm cho lở loét chỗ hiểm. Ông Nguyễn Tạo tính hiếu động đã giả điên, suốt ngày đập phá, la hét còn ông Nguyễn Lương Bằng và Võ Duy Cương vờ tự tử bằng cách cắt cổ, sau đó để nhiễm trùng. Giám đốc nhà tù thấy vậy quyết định chuyển 7 người sang Viện Bảo hộ điều trị. Tất cả được đưa đến dãy nhà sát phố Quán Sứ. Bên ngoài san bệnh, lính gác 24/24 giờ. Em gái ông Nguyễn Tạo vào thăm anh đã giấu lưỡi cưa trong người để nhóm thực hiện kế hoạch. Chập tối ngày 24.12.1932, bác sỹ trực người Pháp xin nghỉ lên phố Nhà Chung đón Giáng sinh. Lính gác cũng về Hỏa Lò nên chỉ lại còn vài tên. 6 người thay nhau cưa khung gỗ chôn chấn song phía dưới còn ông Tạo la hét và đập phá để át tiếng cưa . Đúng 12 giờ thì xong, hai chấn song bị bẻ cong và 7 người lần lượt chui ra. Sau khi trèo tường ra phố Quán Sứ thì lính canh phát hiện mất tù, chúng hô hoán, lính bên Hỏa Lò tiếp viện lùng sục quanh khu vực. Do sức yếu nên chỉ có 4 người trốn thoát. Sau này ông Nguyễn Lương bằng trở thành Phó Chủ tịch nước (1969-1979), còn ông Nguyễn Tạo lại nổi tiếng tiếp với vụ phá âm mưu của Quốc dân Đảng ở phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều). Hòa bình, ông chuyển từ công an sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp.
Trước khi mang tên Phủ Doãn (1954-1958), bệnh viện được đổi tên nhiều lần. Nhờ sự giúp đỗ của Cộng hòa dân chủ Đức, từ năm 1958 bệnh viện đổi thành Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và ngày nay là Việt Đức. Bệnh viện có nhiều bác sỹ sau này trở thành chuyên gia đầu ngành trong đó phải kể đến giáo sư Hồ Đắc Di (1900-1984). Ngày 19.12.1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Đắc Di đã bỏ bệnh viện đi theo kháng chiến và được giao trọng trách trong Bộ Y tế. Ngày 7.10.1947, Pháp nhảy dù Bắc Cạn, đốt nhà giáo sư Di và gọi loa: "Bác sĩ Di, Bác sĩ Tùng về làm việc với Chính phủ Pháp, sẽ được trọng đãi". Học trò của ông là giáo sư Tôn Thất Tùng (1912-1982), sau này trở thành Giám đốc bệnh viện và được thế giới biết đến với phương pháp "phẫu thuật gan khô". Viện sỹ, PGS Tôn Thất Bách là con trai và cũng là học trò cũng được Nhà nước giao đảm đương chức vụ Giám đốc Bệnh viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.