(HNM) - Ngay khi mở rộng địa giới hành chính, ngành tư pháp Thủ đô được tin cậy giao thêm nhiều trọng trách.
Nổi bật là nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trách nhiệm nhà nước; công tác lý lịch tư pháp, giao dịch bảo đảm; theo dõi chung về thi hành pháp luật. Trong bối cảnh đòi hỏi phải chuẩn hóa cán bộ theo hướng một người nhiều việc thì việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục tư pháp được Sở Tư pháp TP Hà Nội xem là một giải pháp căn cơ.
Áp dụng CNTT vào giải quyết thủ tục tư pháp mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Bảo Kha |
Trong số đầu việc được giao thêm, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) nhằm chứng minh nhân thân không có tiền án, tiền sự cho công dân có nhu cầu được coi là việc khó nhất của ngành tư pháp. Để khắc phục tình trạng người dân đến Sở Tư pháp yêu cầu cấp phiếu LLTP đông nhưng cán bộ tư pháp mỏng, Sở Tư pháp có giải pháp "chữa cháy" bằng việc nghiên cứu ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin dưới sự giúp đỡ của Bộ Tư pháp để cập nhật kho thông tin khổng lồ của Bộ Công an. Sở đã xây dựng xong hệ thống tin học cập nhật, xác minh lượng dữ liệu thông tin LLTP còn tồn đọng vào phần mềm quản lý LLTP, nhằm hỗ trợ, thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả lý lịch cá nhân của đương sự. Làm theo cách này, việc tiếp nhận hồ sơ, xác minh, trả kết quả… luôn được thực hiện đúng thời gian. Bởi thế, việc cấp phiếu LLTP luôn bảo đảm tính chính xác, chưa xảy ra sai sót khiến người dân phải khiếu nại, tố cáo. Đáng lưu ý, thời gian cấp phiếu LLTP chỉ từ 3 đến 12 ngày, nhanh hơn nhiều tỉnh, thành phố khác. Trên cơ sở những kết quả đạt được của Sở Tư pháp Hà Nội, Cục Công nghệ - Thông tin (Bộ Tư pháp) nghiên cứu, xây dựng một phần mềm ứng dụng trên toàn quốc.
Từ thành công này, Sở Tư pháp TP Hà Nội tiếp tục số hóa cơ sở dữ liệu về hộ tịch, mạnh dạn "hiến kế" cho Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Theo dẫn chứng của Sở Tư pháp Hà Nội, qua rà soát, hệ thống sổ hộ khẩu, hồ sơ dữ liệu cá nhân về hộ tịch đang lưu trữ từ năm 1987 đến 2010, UBND cấp xã hiện lưu trữ 34.831 quyển sổ hộ tịch với 3.386.586 dữ liệu hộ tịch cá nhân về khai sinh, kết hôn và khai tử; UBND cấp huyện lưu trữ 20.697 quyển sổ hộ tịch với tổng số 773.152 dữ liệu đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử. Sở Tư pháp Hà Nội cũng đang lưu trữ 1.274 quyển sổ hộ tịch với 488.200 dữ liệu hộ tịch đã đăng ký từ thời Pháp thuộc và 94 quyển sổ hộ khẩu với tổng số 9.830 dữ liệu hộ tịch có yếu tố nước ngoài được đăng ký từ năm 1990. Phương thức lưu trữ bằng giấy dù có ưu điểm là mang tính bảo mật cao nhưng lại mất nhiều công sức, cần kho bảo quản. Mặt khác, mỗi lần trích lục thông tin rất tốn thời gian nên dễ xảy ra tình trạng tùy tiện trong đăng ký hộ tịch. Trên thực tế, nhiều trường hợp đăng ký nhưng không kịp vào sổ sách đã dẫn đến thất lạc hồ sơ, điền các thông tin trong sổ hộ tịch không thống nhất với biểu mẫu. Cũng từ việc đăng ký và quản lý hộ tịch thủ công này, việc kết nối, chia sẻ thông tin một cách hữu ích nhất giữa các cấp quản lý hộ tịch, giữa các ngành có liên quan chưa thật sự hiệu quả. Trường hợp công dân cần chứng minh nhân thân để phục vụ giao dịch cá nhân phải đi lại nhiều nơi mới có thể được cung cấp đầy đủ các thông tin hộ tịch cần thiết.
Trung bình hằng năm, toàn TP khai sinh cho hơn 150.000 trẻ em, đăng ký kết hôn cho hơn 59.000 đôi nam nữ, khai tử cho gần 35.000 trường hợp. Với cơ sở dữ liệu hộ tịch, người dân có thể đến bất kỳ UBND xã, UBND huyện nào cũng có thể được cung cấp thông tin hộ tịch - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Xuân Phương cho biết. Đây chính là tác dụng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.
Ngoài ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, thời gian qua, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng cho hơn 500 cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, phường. Những khóa học này trang bị cho học viên những kiến thức cần thiết nhất phục vụ cho hoạt động chuyên môn cũng như những kỹ năng, cách giải quyết nhanh tình huống tại cơ sở. Đến nay, chất lượng cán bộ tư pháp đã được nâng lên, một người có thể làm nhiều việc. Tại không ít quận, 100% nhân viên có trình độ cử nhân luật và đang dần được chuẩn hóa theo tiêu chí của Sở Tư pháp đề ra. Để hoàn thành tốt 12 đầu việc, trong 5 năm qua ngành tư pháp Thủ đô đã nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp hóa, sắp xếp và sử dụng hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Thủ đô sau mở rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.