Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ nước giếng đến nước máy

Nguyễn Ngọc Tiến| 17/12/2011 08:17

(HNM) - Kinh đô Thăng Long thời Lý được chia làm 3 khu vực, bao bọc bởi đê La Thành, đồng thời cũng là lũy để bảo vệ Thăng Long khi giặc giã tấn công. Khu vực bên trong đê gọi là Kinh thành, nơi dân cư sinh sống, buôn bán, sản xuất hàng thủ công và trồng cấy. Khu vực vua quan làm việc gọi là Hoàng thành, nơi vua ở gọi là Cấm thành.


Di tích tháp nước Hàng Đậu được xây dựng từ năm 1894 vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Thời Lý, Thăng Long có 61 phường nhưng đến thời Lê, Thăng Long được phân chia lại, chỉ còn 36 phường. Trong Kinh thành có nhiều hồ ao, phía đông có hồ lớn là Lục Thủy (nay là Hồ Gươm) kéo dài đến tận đầu phố Lò Đúc hiện nay. Trong đợt khai quật khu 18 Hoàng Diệu năm 2005, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một giếng thơi tại khu vực Cấm thành. Giếng có đường kính chừng hơn 1 mét, xung quanh xếp gạch nghiêng từ đáy lên đến tận miệng giếng. Theo nhà khảo cổ Tống Trung Tín, giếng này chỉ là một trong nhiều giếng phục vụ cho sinh hoạt của khu vực Cấm thành.

Tại khu vực Kinh thành, nước dùng cho tắm rửa, giặt giũ, vo gạo... hằng ngày của cư dân các phường từ thời Lý đến thời Nguyễn là nước ao, hồ. Tùy theo số dân mà mỗi phường có từ 1 đến 2 giếng đào để lấy nước nấu ăn uống và người ta gọi là giếng Cái. Khác với giếng thơi, giếng Cái được đào ở vị trí cao nhất trong phường, giếng có hình phễu, đường kính tới vài chục mét, được thả bèo Ong, loại bèo có khả năng hút các chất bẩn trong nước đồng thời giữ ngăn rác khi gió bão. Xung quanh được đắp cao hơn so với bề mặt để nước mưa không chảy xuống. Phường có điều kiện thì xếp gạch đá ong, phường không có điều kiện thì trồng cỏ Mật, loại cỏ có bộ rễ bám rất sâu trong đất và lá có mùi thơm. Một nguyên tắc bất di bất dịch là giếng phải đào xa nơi ở của người dân. Điều này chứng tỏ, cư dân Kinh thành rất ý thức về vệ sinh nguồn nước. Các qui định bảo vệ giếng cũng rất khắt khe và phường phạt nặng nếu ai chăn thả gia súc quanh giếng, gây mất vệ sinh. Đến đời Lê Sơ, dân cư Thăng Long - Đông Đô ngày càng đông đúc, chợ búa sầm uất, các phường nghề bung ra nên hồ ao bị lấp, một số nơi không còn ao đã bắt đầu đào giếng thơi.

Đến thế kỷ XIX, dân trong khu vực 36 phố phường càng đông đúc, ao hồ bị lấp nhiều. Theo mô tả của Horcquad, viên bác sĩ trong đạo quân đánh chiếm Hà Nội năm 1882 thì "Ở các khu vực buôn bán hầu hết các nhà dân lấy nước ao rồi đánh phèn". Còn năm 1883, báo "Tương lai Bắc kỳ" viết : "Các gia đình của 15 thôn sống quanh hồ Hoàn Kiếm, hằng ngày không chỉ rửa rau, vo gạo, tắm giặt mà còn lấy nước hồ để nấu ăn". Sau khi chiếm Hà Nội vào năm 1883, số binh lính Pháp kéo đến thành phố đông hơn. Để có nước dùng, quân đội Pháp cũng cho đào giếng giống như người bản xứ. Tuy nhiên cái chết của viên Tổng trú sứ Paul Bert năm 1886 vì kiết lỵ đã làm cho người Pháp phải tính đến việc sử dụng hệ thống lọc nước. Năm 1894, chính quyền cho xây tháp nước ở đầu phố Hàng Đậu và hoàn thành trong năm này. Thân tháp được xây bằng đá lấy từ đá phá Bắc thành, bên trong là bồn nước bằng thép có dung tích là 1.250m3. Cũng năm 1894, tháp nước Đồn Thủy (ở phố Đinh Công Tráng hiện nay) hoàn thành. Cả hai tháp nước chủ yếu phục vụ cho binh lính đóng trong thành và cơ quan của chính quyền ở khu vực phía đông Hồ Gươm. Cùng với việc xây hai tháp, chính quyền cho lập Sở Máy nước Hà Nội vào năm 1894. Nhà máy đầu tiên của Sở Máy nước được xây dựng trên khu đất thuộc 2 làng Thạch Khối và Yên Định (gọi là Yên Phụ) với thiết kế ban đầu có 4 giếng. Năm 1896, nhà máy chính thức đưa vào vận hành, tuy nhiên tất cả hoạt động đồng bộ bắt đầu từ ngày 24-2-1900 với công suất 4.000m3/ngày/đêm và mạng lưới đường ống với đường kính tối đa là 200mm, cấp nước chủ yếu cho các cơ quan và một phần khu buôn bán trong 36 phố phường. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Hà Nội có 85 nhánh cho thuê bao có gắn đồng hồ đo nước và 85 cột máy nước công cộng cung cấp cho các hộ gia đình không có điều kiện lắp máy tại nhà. Tuy nhiên, vào những năm 1920, vẫn có khá nhiều gia đình thuê người gánh nước ao về đánh phèn để dùng. Số cột máy công cộng tiếp tục tăng lên những năm sau đó và hằng ngày con sen, anh xe hay ra đấy lấy nước tán tỉnh nhau đã trở thành đề tài cho các nhà văn.

Sau Nhà máy Nước Yên Phụ, trong suốt những năm dưới thời tạm chiếm, Hà Nội có thêm 4 nhà máy nước nữa được xây dựng là Đồn Thủy xây năm 1925 với công suất 2.000 - 4.000m3/ngày/đêm, Bạch Mai xây năm 1931 với công suất 400 - 500m3/ngày/đêm, Ngọc Hà xây năm 1938 với công suất 800 - 1.000m3/ngày/đêm và Nhà máy Ngô Sỹ Liên xây năm 1941 với công suất 4.500 - 5.000m3/ngày/đêm. Tính đến ngày giải phóng Thủ đô 1954, Sở Máy nước Hà Nội đã có 5 nhà máy sản xuất nước với tổng công suất cấp nước đạt 26.000m3/ngày/đêm và một mạng lưới đường ống có tổng độ dài gần 100km ống các loại. Cho đến năm 1954, có 58% dân số Hà Nội (số dân nội thành 24.000 người) được sử dụng nước máy. Từ ngày đầu mới thành lập, Sở Máy nước Hà Nội chỉ có khoảng 50 công nhân, đến năm 1954, đã có hơn 300 công nhân làm việc tại các bộ phận sửa chữa máy, bể lọc và lắp đặt đường ống.

Dân số Hà Nội tăng đột biến sau khi tiếp quản Thủ đô, mỗi số nhà trước đó chỉ có một chủ nay có khi lên hai, ba chủ. Thời điểm này, nước máy tuy thiếu nhưng vẫn chưa đến mức nghiêm trọng. Song để có nước cho người dân sinh hoạt, lúc này tuy cả miền Bắc xây dựng xã hội mới với nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn cố gắng xây dựng thêm các nhà máy nước mới như: Lương Yên (1957), Tương Mai (1963). Năm 1972, năm không quân Mỹ đánh phá Hà Nội dữ dội nhất nhưng Nhà máy Hạ Đình vẫn được xây dựng và đưa vào sử dụng. Ngày 27-1-1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, người Hà Nội từ các nơi sơ tán trở về thành phố thì nguy cơ thiếu nước sạch bắt đầu diễn ra và tăng dần. Nguyên nhân là dân số nội thành tăng thêm 1 vạn người. Bên cạnh đó, các nhà máy nước không tăng công suất và hệ thống đường ống truyền dẫn lâu không được sửa chữa đã cũ nát gây thất thoát ngày càng nhiều. Nước thiếu nghiêm trọng, thiếu đến mức chậu nước dùng để rửa rau, tiếp đó là vo gạo và cuối cùng là dội nhà vệ sinh. Ban ngày, nước từ đường ống chính rất ít nên vòi nước của các hộ tầng một khô khốc. Gần sáng, may ra mới "ri rỉ như bò đái". Trong suốt thời gian này, ở hầu hết các tuyến phố có đường ống chạy qua, người dân buộc phải đào nước ngầm mới có nước sinh hoạt. Nước từ đường ống chính chảy thẳng vào bể. Nhân viên Công ty Cấp nước sạch thấy bà con hàng phố đục đường ống cũng lập biên bản xong để đấy không dám phạt. Bể nước có nắp tôn và khóa cẩn thận. Bể nước ngầm trở thành nơi rửa rau, vo gạo, nơi tắm cho con trẻ về mùa hè. Có thời điểm các nhà máy còn thiếu cả muối để lọc, đường ống lại không được xúc xả nên cặn vàng khè. Lại có khi đùn ra bể búi giun to tướng (loại giun cho cá cảnh ăn, sống ở các rãnh nước thải). Ấy thế mà mùa hè, người đi đường khát vẫn phải chổng mông (người ta nói vui là xi rô chổng mông) mà uống. Tại các khu tập thể cao tầng như Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ... hay các nhà trên gác, không nhà nào không sắm máy bơm với hệ thống vòi nhựa chằng chịt. Chỉ có máy bơm Liên Xô mới đủ khỏe (mà thời ấy cũng chỉ có máy bơm Liên Xô) để hút được nước. Mỗi lần bơm nước như đánh trận. Người dưới hét "Đừng cắm điện vội", người trên lại hỏi "Cắm được chưa?". Rồi phải có người ngồi canh vì bể hết nước mà không nhanh chóng rút điện máy bơm sẽ cháy.

Tháng 6-1985, Việt Nam và Cộng hòa Phần Lan đã ký hiệp định về việc Chính phủ Phần Lan viện trợ không hoàn lại 80 triệu USD để cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch cho Hà Nội. Sau 12 năm thực hiện dự án, nước sạch ở Hà Nội được cải thiện đáng kể, chất lượng nước được nâng cao nhờ công nghệ châm clo. Hiện tại vào mùa hè vẫn còn có một số khu vực thiếu nước, tuy nhiên về cơ bản nước sạch không còn là thảm họa như thời bao cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ nước giếng đến nước máy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.