Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tu nghiệp sinh VN ở Nhật: Còn nhiều bất cập...

Minh Bắc| 17/02/2011 15:54

(HNMO) - Để tăng số lượng tu nghiệp sinh (TNS) sang Nhật làm việc hàng năm theo nhu cầu của phía Nhật hay là khai thác hết tiềm năng thị trường lao động Nhật trong tình hình hiện nay là một hướng đi đúng của Nhà nước ta. Tuy vậy, xung quanh vấn đề này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập...

Hiện nay, tại Nhật tuy rất cần TNS nhưng để người lao động Việt Nam vào được thị trường Nhật quả không dễ. Cái khó không phải do trình độ, kỹ năng nghề nghiệp TNS mà nằm ở ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động. Đó là tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn làm “chui” thường cao hơn so với các nước có TNS sang Nhật làm việc. Vì vậy, để tăng số lượng TNS sang Nhật làm việc trong năm 2011 này và những năm tới, trước hết phải có cách giải quyết tốt tệ nạn này...

Thị trường lao động Nhật Bản rất hấp dẫn bởi chương trình tu nghiệp sinh (TNS) của họ. Đây là chương trình vừa mang tính đào tạo nhân lực cho các nước tham gia lại vừa giải quyết tình trạng thiếu nhân công của Nhật. Qua thực tế tìm hiểu, các tổ chức tiếp nhận Nhật Bản đánh giá cao một số đặc tính của người lao động VN như tiếp thu các kỹ năng làm việc nhanh, khéo léo, cần cù và chịu khó học hỏi. Đây là một lợi thế mà 51 tổ chức tiếp nhận Nhật Bản tham gia Hội thảo “Xúc tiến việc đưa thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam sang Nhật Bản” tại Hà Nội do Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tổ chức hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) vừa tổ chức vào cuối tháng 1/2011 khẳng định.

Luật mới có làm giảm tỷ lệ TNS tại Nhật bỏ trốn?

Nhật Bản tuy không phải là nơi tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất kể từ năm 1990 (năm Nhật bắt đầu có chương trình TNS) cho đến nay. Nhưng đây lại là thị trường được đánh giá cao bởi người lao động Việt Nam sang làm việc theo chương trình TNS thường có thu nhập cao, ổn định. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nên tình hình xuất khẩu lao động của Việt Nam vài năm qua vào một số thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, nhiều chuyên gia lao động đánh giá đây là thời điểm khá thuận lợi cho các doanh nghiệp XKLĐ đưa TNS Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Hiện đang có khoảng 35.000 tu nghiệp sinh Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật, so trong 14 nước đưa TNS sang Nhật Bản thì số lượng TNS Việt Nam xếp thứ hai sau Trung Quốc. Tuy nhiên, để tăng được số lượng TNS hàng năm sang Nhật theo nhu cầu của phía Nhật thì phía Việt Nam cần phải vượt qua rào cản do chính người lao động tạo ra đó là tình trạng trốn bỏ khi gần hết hợp đồng lao động để làm “chui” bất hợp pháp. Thống kê thực tế từ những năm trước đây cho thấy tỷ lệ lao động VN bỏ trốn thường đứng đầu các nước có lao động sang Nhật làm việc, có lúc tỷ lệ này lên tới hơn 30%. Theo ý kiến của ông tham tán lao động Việt Nam tại Nhật Bản, thời điểm để lao động bỏ trốn thường là lúc gần hết hợp đồng 3 năm tại Nhật Bản. Để hạn chế tình trạng này, trước đây các doanh nghiệp phái cử TNS thường thu một khoản tiền đặt cọc “chống trốn” của người lao động. Số tiền dao động trong khoảng từ 3.000-12.000 USD/người, thậm chí còn phải kèm thêm cả sổ đỏ nhà đất. Nếu lao động bỏ trốn sẽ mất khoản tiền này và phải nộp phạt thêm khoảng 5.000 USD/người nữa mới được trả lại sổ đỏ. Với cách “chống trốn” như thế nhưng thực ra cũng chưa giải quyết được rốt ráo tình trạng bỏ trốn của người lao động. Người lao động bỏ trốn bị bắt trục xuất khỏi Nhật thường nêu nguyên nhân do họ chưa kiếm đủ tiền để trả nợ nộp trước nên bắt buộc phải trốn đi làm bất hợp pháp. Sau nhiều năm nghiên cứu và đã sửa đổi, bổ sung chính sách nhiều lần nhưng mới đây phía Nhật Bản đã đưa ra Luật xuất nhập cảnh mới với mục tiêu bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng và ổn định địa vị pháp lý của tu nghiệp sinh nước ngoài. Luật mới này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2010 với nhiều nội dung nhằm giảm gánh nặng kinh tế cho người lao động. Đặc biệt có hai điểm cần lưu ý, một là tu nghiệp sinh được công nhận tư cách lao động, ký hợp đồng lao động và làm thêm giờ ngay trong năm đầu tiên và chỉ mất hai tháng hưởng lương tu nghiệp thay vì một năm như trước đây; thứ hai, phía Nhật nghiêm cấm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thu tiền đặt cọc chống bỏ trốn của người lao động dưới bất kỳ hình thức nào. Có điều chưa ai dám chắc luật mới sẽ làm giảm tỷ lệ trốn của TNS một cách hữu hiệu.

Chống trốn - khó nhưng vẫn có thể

Như vậy, vấn đề chống tệ nạn TNS bỏ trốn là mối quan tâm lo lắng hàng đầu của các DN phái cử khi mà phía Nhật nói không với với các DN thu tiền cọc của TNS. Điều đó cũng dễ hiểu bởi DN nào có tỷ lệ TNS bỏ trốn cao sẽ đồng nghĩa với cánh cửa đưa TNS sang thị trường lao động Nhật đóng cửa đối với họ. Vậy các doanh nghiệp cần phải làm những gì để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn và tiến tới loại trừ nó hay không? Để tìm hiểu vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân sự bỏ trốn của TNS. Qua thực tế tìm hiểu cho thấy có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng bỏ trốn. Đó là do quan hệ lao động giữa TNS với chủ doanh nghiệp không tốt, họ so sánh chế độ đãi ngộ, thu nhập giữa nơi này với nơi kia, giữa người Nhật với người Việt rồi nảy sinh bất mãn với chính công ty mình làm việc, bị kẻ khác dụ dỗ, lừa đảo đi làm nơi khác với mức thu nhập cao hơn… Có thể lấy ví dụ, cùng làm một công việc nhưng mức lương của người Nhật vào khoảng 1500-2500 USD nhưng người Việt chỉ được nhận chưa tới 1000 USD. Mặt khác lúc gần hết thời hạn hợp đồng lao động ba năm tức là cơ hội làm việc tại Nhật với mức lương cao của sẽ không còn nữa mà tương lai chờ đợi họ ở Việt Nam lại không rõ ràng, vì thế việc bỏ trốn rất dễ xảy ra. Còn một vấn đề nữa cũng cần phải nhắc đến, tuy chế độ TNS của chính phủ Nhật rất rõ ràng về mục đích nhưng thực tế thì không phải lúc nào TNS cũng được đào tạo một cách bài bản để có một trình độ nghề nghiệp, kỹ năng cao để họ có đủ bản lĩnh nghề nghiệp khi về nước làm việc. Đó cũng là một nguyên nhân khó khăn cho TNS khi quay về tìm công việc thích hợp tại Việt Nam.

Tóm lại, xét cho cùng nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc bỏ trốn của các TNS chính là vấn đề thu nhập về kinh tế của chính họ hay chính là vấn đề công việc làm sau chương trình TNS. Vì quá tính toán tới vấn đề tiền bạc trước mắt mà nhiều TNS đã bất chấp những hậu quả khôn lường đối với họ, kể cả tính mạng của mình mà không nghĩ đến niềm tự hào dân tộc, những hệ luỵ không đáng có… để trốn ở lại làm việc bất hợp pháp.

Để giải quyết bài toán bỏ trốn của TNS, tại cuộc hội thảo có nhiều giải pháp được các DN đưa ra. Với điều kiện phải bỏ khoản tiền cọc cho nên các doanh nghiệp đã ưu tiên cho giải pháp tuyển chọn kỹ lưỡng đầu vào và kéo dài thời gian đào tạo trong nước. Việc tuyển chọn kỹ lưỡng tất chú ý đến những biểu hiện TNS là người có kỷ luật lao động, ít điều kiện bỏ trốn vì cái lợi trước mắt. Còn thời gian đào tạo trước đây chỉ có 6 tháng nay kéo dài từ 8-9 tháng với việc đưa thêm vào chương trình đào tạo các bài học về Luật pháp của Nhật, đạo đức... nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động. Đó là những điều cần thiết mà các DN cần phải làm nhưng cái quan trọng nhất vẫn phải quan tâm đến vấn đề kinh tế của người lao động “hậu TNS”. Sau khi kết thúc 3 năm làm việc tại Nhật, dù sao các TNS sinh này cũng đã có một trình độ, kỹ năng làm việc cao cho nên cần khuyến khích các DN của Nhật đang hoạt động ở Việt Nam nhận các TNS này hoặc các DN trong nước cũng nên tận dụng cơ hội để sử dụng lực lượng lao động này. Mặt khác, kinh nghiệm đưa TNS sang Nhật của Hiệp hội Phát triển Nhân lực Quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật (IMM Japan), cho thấy đến nay chưa có trường hợp TNS nào bỏ trốn. Bởi TNS sau khi hoàn thành đúng hợp đồng về nước sẽ được nhận một khoản tiền tương đương 6000 USD hỗ trợ giúp đỡ lập nghiệp. Hoặc tương tự có thể thỏa thuận giữa các bên như trích lại 10%-15% lương tháng của TNS để tiết kiệm sau 36 tháng, TNS cũng sẽ có một khoản tiền mang theo về nước. Một hướng khác là có cơ chế tạo điều kiện cho TNS ở lại du học tiếng Nhật hoặc đại học nếu đủ khả năng trình độ… để khi về nước trở thành giáo viên tiếng Nhật hoặc thành chuyên gia trong lĩnh vực nghề…

Để tăng số lượng TNS sang Nhật làm việc hàng năm theo nhu cầu của phía Nhật hay là khai thác hết tiềm năng thị trường lao động Nhật trong tình hình hiện nay là một hướng đi đúng. Muốn vậy các cơ quan chức năng, doanh nghiệp XKLĐ cần phối hợp với nhau thật chặt chẽ, đồng thời trao đổi với phía Nhật triển khai các giải pháp khả thi theo hướng cân bằng lợi ích giữa TNS, DN, nhà nước Việt Nam, Nhật để tất cả TNS thực hiện đúng Pháp luật cũng như bổn phận của họ./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tu nghiệp sinh VN ở Nhật: Còn nhiều bất cập...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.