(HNM) - Hai chiếc áo của vua, quan thời Lê, cùng các bức tranh cổ đã hé lộ nhiều điều về trang phục cũng như văn hóa Việt Nam đang được trưng bày tại Manzi Art Space (14 Phan Huy Ích, Hà Nội)...
"Ngàn năm áo mũ" là cuốn sách của Trần Quang Đức, viết về trang phục, quy cách mặc và phục trang của người Việt trong cung đình và dân gian từ thời Lý tới thời Nguyễn. Sách viết tỉ mỉ cùng những dẫn chứng, tư liệu cụ thể song do bị khống chế về số lượng trang nên không thể đưa hết những tư liệu, đặc biệt là những bức tranh cổ. Cuộc triển lãm "Ngàn năm áo mũ" trưng bày tại không gian nghệ thuật Manzi là những tư liệu xác thực, sống động nhất về trang phục người Việt.
Trên: Bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ; Dưới: Hai chi tiết quan trọng trong tranh: Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi võng xuống núi (trái) và người con - vua Trần Anh Tông - cùng các quan nghênh đón |
Nổi bật nhất tại triển lãm có lẽ là tấm áo Ngự hàn của chúa Trịnh và áo Mãng bào của quan nhất phẩm triều Nguyễn. Chiếc áo Ngự hàn được xác định có thể là của Trịnh Tông hoặc Trịnh Bồng, bởi nó được mặc trong lần chúa Trịnh ra làm lễ tại miếu họ Trịnh ở Thanh Hóa. Chiếc áo khoác mùa đông này màu đen với họa tiết rồng chầu, vải được đặt dệt riêng và rất công phu (200 sợi tơ dệt trên 1cm vải). Còn chiếc Mãng bào của quan nhất phẩm triều Nguyễn thì lộng lẫy với sắc hồng tía, thêu theo bố cục rồng mây sóng nước. Do hai hiện vật quá quý và cần điều kiện bảo quản nghiêm ngặt nên chỉ được trưng bày trong vòng 4 tiếng lúc khai mạc triển lãm (ngày 23-8). Sau đó, chúng được thay thế bằng hai chiếc áo phục chế y hệt về hình dáng, kích cỡ, chất liệu, hoa văn, quy cách. Được biết, nghệ nhân Trịnh Bách đã phải bỏ ra 200 triệu đồng để phục chế một chiếc áo
như vậy.
Bên cạnh hai hiện vật quý trên, triển lãm còn trưng bày bản sao của những bức tranh cổ, trong đó thể hiện rõ văn hóa phục trang của người Việt. Đáng kể nhất phải nói tới bức "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ", bản scan tỉ lệ 1:1 do Bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc - nơi sở hữu bức tranh gốc, cung cấp. Bức tranh do họa sĩ Trần Giám Như vẽ năm 1336, miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo rời khỏi động Vũ Lâm trở về và vua Trần Anh Tông cùng đoàn tụng quan nhà Trần ra nghênh đón. Ở đó, có đủ tăng sĩ, đạo sĩ và nho sĩ thể hiện tư tưởng Tam giáo đồng nguyên thời Trần. Trang phục, đặc biệt là trang phục cung đình thời Trần, được khắc họa rõ, như Hoàng đế Trần Anh Tông mặc áo bào 5 thân, tay thụng, quần dài, đi giày cao cổ, tóc búi buộc khăn. Các quan thì mặc áo gấm tía, tay thụng, đầu đội mũ chữ đinh kiểu lục lăng có tai mũ cuốn cong ra sau… Trong bức tranh, ta còn thấy các vật dụng hết sức quen thuộc với người Việt như chiếc võng, hộp đựng trầu, ống nhổ và một số tập tục ở thời Trần như cắt tóc ngắn, đi chân đất...
Triển lãm còn có những bức tranh thể hiện đặc trưng trang phục của quan dân nước Việt mỗi thời kỳ. Trong bức tranh của người Nhật vẽ chân dung Nguyễn Phúc Thuần, có thể thấy tục cạo tóc của người Việt Đàng Trong những năm 1660. Hoặc tranh một phú hộ cạo vòng tóc tròn trên thóp biểu hiện tục gia đình có tang (khi cha mẹ mất, con cái cạo một vòng tròn tóc trong vòng 3 năm, đó là lý do vì sao ta có từ "tang tóc"). Hay ở bức tranh chân dung Nguyễn Trãi, do 20 năm chịu ách thống trị nhà Minh, nên áo mũ lễ nhạc thời Lê du nhập trang phục triều Minh, vì thế có thể thấy Nguyễn Trãi đội mũ Ô sa, mặc Bổ phục theo quy chế nhà Minh. Một bức tranh khác về lính Đàng Trong thế kỉ XVIII cho thấy cuộc cách mạng trang phục của toàn vùng Đàng Trong, trong đó áo dài, khăn đóng được đặt định cho thời này.
Nhiều bức tranh cổ khác được sao lưu cẩn thận không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cho người xem mà còn chứa giá trị thông tin, tư liệu rất lớn. Đó chính là những minh chứng sống động nhất để xác định trang phục Việt qua các thời kỳ và sự phát triển văn hóa của nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.