Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ kết quả nghiên cứu của khoa học giáo dục: Giá trị sống là gốc

Thống Nhất| 10/03/2011 07:42

(HNM) - Giáo dục giá trị sống là giáo dục "từ gốc". Nhận định quan trọng này được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục thống nhất tại hội thảo quốc gia về khoa học giáo dục Việt Nam vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức lần đầu tiên.

Giáo dục về giá trị sống để trẻ biết trân trọng bản thân và cuộc sống xung quanh, qua đó có đủ bản lĩnh để đối phó với những phức tạp và cám dỗ bên ngoài. Ảnh: Linh Tâm


Kỹ năng sống là công cụ

Tuy không xa lạ, nhưng những công trình nghiên cứu hướng đến người học, mà nổi bật là về sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của các nhà khoa học giáo dục đã đưa ra được những định hướng cần thiết để giáo dục thanh niên, HS, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi cả giá trị sống và kỹ năng sống trong giới trẻ đều đang có "vấn đề". Theo PGS-TS Võ Thị Minh Chi (ĐH Sư phạm Hà Nội), khoảng 10 năm trở lại đây, dư luận xã hội biết đến rất nhiều hành vi "không mong đợi" trong giới trẻ, đặc biệt là thiếu niên. 75% số trẻ có hành vi phạm pháp là HS từ lớp 6 đến lớp 9; 94% số trẻ phạm pháp trong trại giáo dưỡng số 2 -V26 (Bộ Công an) ở tuổi thiếu niên. Một trong những nguyên nhân là sự phát triển của tâm sinh lý lứa tuổi trong điều kiện phức tạp của đời sống xã hội và sự thiếu định hướng của người lớn.

Theo PGS-TS Lê Vân Anh (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), trong quá trình chuyển đổi từ một xã hội truyền thống sang một xã hội hiện đại dễ xảy ra sự đảo lộn các giá trị về vật chất, tinh thần, đạo đức dân tộc, nhân phẩm, nhân cách của thế hệ trẻ. PGS-TS khẳng định 5 định hướng giá trị sống cần thiết cho thanh niên, HS hiện nay. Đó là định hướng giá trị trong việc lựa chọn hành động; giá trị xã hội, đạo đức; giá trị đối với mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; giá trị đối với cuộc sống và giá trị đối với thời gian nhàn rỗi.

Để hạn chế những hành vi "không mong đợi" ấy, một giải pháp quan trọng được đưa ra là trang bị cho các em kỹ năng sống cần thiết, giúp HS tiếp cận và có kỹ năng xử lý phù hợp với các tình huống thật ngoài đời. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai và kiểm nghiệm, các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, các kỹ năng ứng phó với tình huống thực tế chỉ là công cụ thực hành. Thực tế, nếu chỉ trang bị cho HS các công cụ đó trong khi các em còn thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm sống thì việc sử dụng nó không thể tránh khỏi sai sót, thậm chí dẫn đến hậu quả khó lường. Vì thế, cùng với việc "bàn giao" kỹ năng sống cho HS, các nhà giáo dục không thể bỏ qua việc giáo dục giá trị sống. Từ hiểu biết và có thái độ đúng, trân trọng các giá trị của cuộc sống và của bản thân, lại được trang bị thêm kỹ năng sống một cách có hệ thống, trẻ mới có đủ bản lĩnh ứng xử trong cuộc sống phức tạp và không ít cám dỗ… Đó mới là cách làm giáo dục "từ gốc". Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi những giá trị về vật chất, tinh thần, đạo đức, nhân cách của thế hệ trẻ đôi khi bị đảo lộn bởi những tác động phức tạp.

Những "đơn đặt hàng" mới

Những nghiên cứu về tâm sinh lý lứa tuổi trong xã hội hiện đại đặt ra cho những người làm công tác giáo dục nhiều việc phải làm, trước tiên là giáo viên chủ nhiệm - người có điều kiện gần gũi nhất với HS. Theo Thạc sĩ Đoàn Thị Ngọc Mai (ĐH Sài Gòn), quy chế của nhà trường phải tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên chủ nhiệm được đầu tư thỏa đáng vào việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp. Kế hoạch ấy phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của HS, vừa là dịp để giáo viên trau dồi kỹ năng sống cho HS, lại vừa tạo cơ hội để mọi HS gần gũi, thân thiện và dễ chia sẻ hơn, từ đó xác định động cơ đúng đắn trong học tập, rèn luyện và cách sống.

Kết quả nghiên cứu về tâm sinh lý lứa tuổi HS thời gian qua còn góp phần tập trung giải quyết một số vấn đề cấp thiết liên quan đến việc chuẩn bị cho HS ra trường. Quá trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, ngoài yếu tố chủ quan của mỗi HS, việc giáo dục, định hướng cho các em trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng, khả năng là điều cần thiết. Quan trọng là những định hướng ấy phải thật cụ thể (về kiến thức, kỹ năng) để có thể thuyết phục được HS.

Giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho HS để các em biết xác định trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đó của cha ông, bắt đầu từ những điều tưởng chừng rất nhỏ trong đời sống hằng ngày như lời ăn, tiếng nói, cách đi đứng, ăn mặc… Những nội dung ấy đã và đang được lồng ghép ngày càng nhiều vào các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Dục Quang (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), mỗi thầy, cô giáo, mỗi nhà trường phải vận dụng hiệu quả tư tưởng "học thường xuyên, học suốt đời" để tạo cho các em động cơ thường xuyên, đúng đắn trong việc tiếp thu, chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống.

Sự phát triển về tâm sinh lý của HS với những biến đổi phức tạp do những tác động từ CNTT, từ internet… còn đặt ra những yêu cầu mới trong nội dung chương trình giáo dục phổ thông. Những nghiên cứu về từng lĩnh vực phát triển tâm lý như tri giác, nhu cầu, động cơ, hứng thú… của HS ở các lứa tuổi khác nhau đã và đang phần nào giải đáp cho câu hỏi những hiện tượng đang gây bức xúc trong dư luận có phải là phổ biến không, xuất phát từ nguyên nhân tâm lý nào và biện pháp giáo dục như thế nào là thích hợp? Đó là "đơn đặt hàng" mới của thực tiễn dành cho các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ kết quả nghiên cứu của khoa học giáo dục: Giá trị sống là gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.