(HNM) - Mỗi độ Tết đến Xuân về, bà con kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới lại háo hức trở về đất mẹ để tham dự chương trình Xuân Quê hương do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức.
Với chủ đề "Lạc hồng vinh hiển", Xuân Quê hương năm 2014 đã đón khoảng 2.000 kiều bào với sự kiện quan trọng nhất là cuộc gặp mặt ấm áp tình quê hương diễn ra tối 23-1 (tức 23 tháng Chạp) tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Phóng viên Báo Hànộimới đã kịp thời ghi lại những tâm tư, tình cảm của bà con trước thềm Xuân mới.
Không gì vui bằng đón Tết tại quê nhà
Hiếm có năm nào tiết trời Hà Nội lại chiều lòng người như năm nay khi nắng vàng rực giữa tiết trời se lạnh, khiến lòng người thêm ấm áp trong không khí Tết rộn ràng. Ngoài những hoạt động mang tính lễ nghi như mọi năm, điểm khác biệt của năm nay là BTC đã tổ chức chuyến thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) cho hơn 50 bà con kiều bào tiêu biểu. Bà Trần Thị Kim Chung, Việt kiều tại Angola nói: "Tôi trở lại Bát Tràng sau 10 năm và thấy làng nghề đã đổi thay nhiều. Các sản phẩm đều rất đẹp, mang đậm hơi thở của truyền thống lẫn phong cách hiện đại. Tôi nghĩ đó là lý do Bát Tràng đã trở thành một điểm tham quan được yêu mến".
Khu đô thị Times City với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ do Tập đoàn Vingroup - doanh nghiệp do một số kiều bào tại Ukraine về nước kinh doanh - đầu tư trở thành điểm sáng mới trong công tác phát triển, quy hoạch đô thị tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tuấn Thành |
Mặc dù sống ở Liên bang Nga gần 30 năm nhưng ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga, giảng viên Trường Đại học Giao thông đường sắt Mátxcơva luôn nhớ không khí Tết ở Việt Nam. Ông Thuận cho biết: "Những năm gần đây, hầu như năm nào tôi cũng về Việt Nam đón Tết. Với những kiều bào, được về quê đón Tết, tham dự chương trình Xuân Quê hương là niềm vui, là niềm hạnh phúc vô bờ".
Là thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên trên đất nước Thái Lan, từ bé ông Phan Văn Vượng cũng như nhiều bà con kiều bào tại xứ Chùa Vàng đều được ông bà, cha mẹ, người thân tổ chức Tết Cổ truyền Việt Nam với bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ... Ông Vượng chia sẻ: "Những hình ảnh thân quen đó đã tạo dựng cho chúng tôi ý thức tự hào, lòng tự tôn dân tộc, biết yêu quê cha đất tổ, biết trân quý thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người Việt Nam và quyết tâm gìn giữ truyền thống để giáo dục các thế hệ con cháu".
Mong được đóng góp cho Tổ quốc
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện có khoảng 4,5 triệu kiều bào ta đang sinh sống, làm việc tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi người dù có những công việc khác nhau, sống trong môi trường khác nhau, có cách hướng về quê hương khác nhau… nhưng đều có một điểm chung là mong muốn được đóng góp công sức cho sự phát triển của đất nước và làm cầu nối giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ nơi bà con sinh sống.
Là tiến sĩ khoa học ngành bản đồ, ông Nguyễn Văn Thái - Việt kiều tại Ba Lan đã nghỉ hưu nhưng vẫn hướng về quê hương bằng cách riêng của mình. Trong buổi gặp Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sáng 23-1 tại Hà Nội, ông Thái cho biết: "Từ khi nghỉ hưu tôi bắt đầu dịch sách, tiểu thuyết văn học Ba Lan sang tiếng Việt. Tôi cho rằng việc làm này không chỉ góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Ba Lan mà còn là cách đóng góp cho quê hương bằng vốn tri thức của mình". Ông Thái mong muốn Đảng, Nhà nước ta có những chính sách phù hợp, hợp thời để phát triển một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại và nông thôn văn minh kiểu mới.
Một trong những vấn đề được đông đảo bà con kiều bào về quê đón Tết lần này quan tâm là làm thế nào để duy trì tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Vui mừng trước thông tin hiện nay đề án về chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Việt Nam ở nước ngoài đang được xây dựng, bà Phan Bích Thiện, kiều bào đang sinh sống tại Hungary kiến nghị: "Khi thực hiện đề án, tôi nghĩ nên tham khảo ý kiến của bà con ngoài nước về dạy tiếng Việt. Trên thực tế, tổ chức lớp học tiếng Việt không phải đơn giản, do địa bàn dân cư dàn trải nên phải nghiên cứu đưa ra mô hình dạy và học hiệu quả, thiết thực đối với từng gia đình để bố mẹ các cháu có thể tự dạy con em mình".
Chia sẻ quan điểm với bà Phan Bích Thiện, ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc mong muốn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ hơn nữa cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc trong việc dạy tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai. Ông Linh cũng hy vọng Đảng, Nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn nữa để thu hút lượng trí thức kiều bào về đóng góp cho đất nước hoặc có thể mở ra hướng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNN về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn: Nghị quyết 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước. Thời gian qua, Nghị quyết 36-NQ/TƯ đã đáp ứng được phần lớn nguyện vọng của kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Dự kiến, chương trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TƯ sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Trong đó sẽ tập trung đánh giá hiệu quả của văn bản trong 10 năm qua. Trên cơ sở đó sẽ có định hướng, chính sách mới phù hợp nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy khối đoàn kết của người Việt để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phát triển và xứng đáng là con Lạc, cháu Hồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.