(HNM) - Đến Phú Quốc những ngày tháng 4 lịch sử, dễ dàng nhận thấy những thay đổi lớn lao. Đó là những con đường nhựa thẳng tít tắp, điện lưới quốc gia sáng rực, sân bay đông đúc du khách trong và ngoài nước, những công trình xây dựng hối hả...
Lột xác
"Cuộc sống gia đình tui bây giờ tốt lên nhiều lắm", ông Tám Chin, ở ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, phấn chấn khi nói về cuộc sống hiện tại. Cuộc sống gia đình ông tốt hơn vì nhờ những con đường nhựa rộng rãi thay cho đường đất đỏ đầy bùn khi xưa; nguồn điện lưới quốc gia thay thế những bóng đèn chập chờn trước đây và hàng triệu du khách đang đổ về "đảo ngọc" giúp việc sinh nhai của ông Tám Chin ngày một dễ dàng hơn.
Phú Quốc đang trên đường trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng”. |
Ông Tám Chin nhớ rõ hôm điện lưới được kéo về Hàm Ninh là ngày 1-1-2014. "Trước kia, khi chưa có điện lưới, dân phải dùng điện máy phát và chỉ đủ để thắp một bóng đèn và một ti vi từ 6h tối đến 10h đêm. Giờ, có điện lưới, không những chi phí sinh hoạt giảm đi mà rất nhiều nhà đã "dám" sắm ti vi, quạt máy, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện..." - ông nói.
Nằm cách thị trấn Dương Đông khoảng 30km về phía bắc, Bãi Thơm có thể xem là xã nghèo nhất của huyện đảo Phú Quốc. "Khi tôi mới về, nơi này còn hoang vu, đường sá chưa có nên người dân đến rồi lại đi, chỉ còn vài gia đình bám trụ. Khi chưa làm đường, đi lại rất cực khổ, mùa mưa bùn lầy đến đầu gối, mùa nắng bụi bay mù trời" - Bà Diệp Thị Lài (sinh năm 1946) hiện đang ở ấp 5, xã Bãi Thơm, cho biết. Bây giờ, đường về Bãi Thơm rộng đến 4 làn xe, thênh thênh tầm mắt.
Còn với chị Tròn, một người dân ở xã Gành Dầu, cũng nằm ở phía bắc cách thị trấn Dương Đông chừng 30km thì từ khi có đường nhựa, và nhiều công trình nghỉ dưỡng được xây dựng, thanh niên ở đây không còn "đi Bình Dương" nữa. Theo giải thích của chị Tròn, "đi Bình Dương" nghĩa là đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương để kiếm sống. Đường sá được mở mang, điện lưới quốc gia về mọi ngóc ngách của đảo, Bãi Thơm, Gành Dầu đã hoàn toàn lột xác.
Cách đây khoảng 10 năm, Phú Quốc vẫn còn là một hòn đảo hoang sơ. Cột mốc đánh dấu sự phát triển của Phú Quốc là từ khi có Quyết định 178/2004/ QĐ-TTg ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc. Và năm 2014, Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại II; cùng với đó, quyết định xây dựng Phú Quốc thành đặc khu kinh tế trực thuộc Trung ương càng chắp thêm đôi cánh cho huyện đảo này phát triển. Từ sân bay quốc tế Phú Quốc (xã Dương Tơ), bến tàu cao tốc Bãi Vòng (xã Hàm Ninh) về trung tâm huyện là thị trấn Dương Đông, ngược lên các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu ở phía bắc hoặc xuôi xuống các xã Dương Tơ, thị trấn An Thới ở phía nam đều là những con đường nhựa thênh thang rộng 4 đến 6 làn xe. Dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc - chiều dài gần 56km - với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2014 đã biến niềm ước mơ có điện lưới quốc gia của người dân Phú Quốc từ nhiều năm nay thành hiện thực. Với lợi thế vô cùng phong phú mà thiên nhiên ban tặng, Phú Quốc hiện đang trong giai đoạn chuyển mình để trở thành một đặc khu kinh tế. Từ một huyện đảo có nguồn thu ngân sách chỉ vài chục tỷ đồng năm 2004, đến năm 2014 tổng thu ngân sách của Phú Quốc đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng; tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 22,84% (giai đoạn 2010-2014). Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 86,937 triệu đồng trong năm 2014, cao hơn 10 lần so với mức 8,3 triệu đồng thời điểm năm 2004. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Bùi Quang Hưng chia sẻ, tiềm năng của hòn đảo xinh đẹp này đã "hút" các nhà đầu tư về đây ngày một nhiều. Hiện đã có 202 dự án được huyện chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 7.976ha; trong đó có 143 dự án đã được cấp phép với diện tích hơn 5.000ha, tổng mức đầu tư 144.190 tỷ đồng. 21 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 1.286ha, tổng vốn đầu tư 24.814 tỷ đồng.
Đặc khu kinh tế năng động
Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Phú Quốc từng được gọi là "địa ngục trần gian", cũng là nơi chứng kiến khí phách hiên ngang, anh hùng, tinh thần bất khuất, kiên trung của những người cộng sản. Với mỗi người dân Việt Nam, đến Phú Quốc không chỉ là đến với nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời mà còn là trở về với những trang sử hào hùng của dân tộc. Trại giam tù binh Phú Quốc (thường gọi là nhà lao Cây Dừa), thuộc xã Dương Tơ (nay là An Thới), của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, từng khét tiếng với những đòn tra tấn, đầy đọa những chiến sĩ cộng sản kiên trung.
Trong 7 năm 1967-1973, hơn 40.000 chiến sĩ cộng sản bị địch giam giữ nơi đây đã ngày đêm tranh đấu, vượt qua mọi đòn thù. Để buộc các chiến sĩ cộng sản từ bỏ lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phản bội đồng đội, bọn cai ngục đã nghĩ ra một trong những hình thức tra tấn man rợ là "chuồng cọp". Đó là chiếc lồng làm bằng kẽm gai, chiều cao không đủ để ngồi, chiều dài không đủ để nằm, chỉ mỗi cử động nhỏ là đã có thể bị kẽm gai đâm thấu xương. Bọn cai ngục còn nghĩ ra "trò chơi lộn vỉ sắt", bắt tù binh trần truồng lăn tròn trên tấm vỉ quân dụng có những móc sắt nhọn chĩa lên khiến thân thể bị rứt từng lóng thịt thấu tới xương. Ngoài ra, còn những trò tra tấn khác như đóng đinh vào đầu, đóng đinh xuyên gan bàn chân, đóng đinh vào đầu gối; đục lấy xương bánh chè, nướng dùi sắt đâm xuyên qua bắp chuối, đổ nước xà bông sôi vào miệng… Thế nhưng hết lớp này đến lớp khác, các chiến sĩ cộng sản không hề khuất phục và chính những kẻ ra tay hành hạ lại phải run sợ. Trong số 40.000 chiến sĩ bị giam cầm nơi địa ngục trần gian này, hơn 4.000 người đã hy sinh. Hôm nay, 40 năm khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, vẫn còn hơn 1.000 hài cốt chiến sĩ nằm đâu đó trên hòn đảo này mà chưa được tìm thấy.
"Địa ngục trần gian" năm xưa giờ đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, nơi ghi công những chiến sĩ bị địch bắt và giam giữ nhưng họ luôn giữ lòng tin với cách mạng, tin vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược sẽ tất yếu giành thắng lợi. Theo Ban Quản lý di tích Nhà tù Phú Quốc, mỗi năm nơi này đón trên 10.000 lượt khách đến thăm, tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc. 40 năm đã trôi qua kể từ Ngày chiến thắng 30-4, các thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của những người đi trước.
Không có họ, đã không có hòa bình hôm nay, không có Phú Quốc đang hiện rõ diện mạo của một đặc khu kinh tế được dự báo sẽ phát triển năng động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.