(HNM) - Là “tay ngang” nhưng từ đam mê các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, doanh nhân Lưu Thị Hải Hà đã dành nhiều tâm huyết, nhờ đó có những thành công trong việc chế tác, đưa sản phẩm truyền thống tới các thị trường “khó tính” trên thế giới.
Lập nghiệp với nghề tài chính ngân hàng, song từ rất lâu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn cuốn hút chị Lưu Thị Hải Hà. Trong đó, chị ấn tượng đặc biệt với những sản phẩm mỹ nghệ làm từ sừng trâu, vỏ trai và một số chất liệu khác của các làng nghề. Tìm hiểu thị trường, chị được biết những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đó được bạn bè thế giới rất ưa chuộng.
Quyết tâm sống với đam mê, năm 2014 chị Hải Hà dừng công việc ở một ngân hàng. Với sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, chị bắt tay tìm kiếm cộng sự và thành lập Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ và thương mại Hà Dũng (thương hiệu Hadungcraft). Chị dành nhiều thời gian, công sức kết hợp với các nghệ nhân làng nghề Thụy Ứng và Bối Khê (Hà Nội), Đồng Xâm (Thái Bình) nghiên cứu nguồn nguyên liệu vỏ trai, sừng trâu, các kỹ thuật chạm bạc, sơn mài và lên ý tưởng thiết kế, chế tác sản phẩm.
Những sản phẩm mỹ nghệ đầu tiên là hàng trang trí, quà tặng, trang sức thiết kế từ vỏ trai, sừng trâu kết hợp với sơn mài, bạc chạm… ra đời. Nhờ sự sáng tạo và nét độc đáo không trộn lẫn mà sản phẩm của Hadungcraft sau đó được các khách sạn, resort nổi tiếng lựa chọn để trưng bày và bán tại các khu lưu trú. Lên kế hoạch “tấn công” thị trường quốc tế, chị Hải Hà tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại nhiều diễn đàn, hội chợ.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị là khi tham gia Hội chợ Quà tặng Tokyo 2019, sản phẩm gác đũa độc đáo làm từ vỏ trai do Hadungcraft sản xuất được nhiều người Nhật Bản quan tâm. Sau hội chợ, đối tác Nhật Bản đã trực tiếp sang Việt Nam và rất bất ngờ, thú vị khi chứng kiến các công đoạn chế tác cầu kỳ, tỉ mỉ để làm nên sản phẩm. Sản phẩm gác đũa khảm trai Hadungcraft sau đó được xuất mạnh sang thị trường Nhật Bản.
Cũng từ nguồn nguyên liệu vỏ trai, sừng trâu, bạc, sơn mài…, doanh nhân Hải Hà cùng các nghệ nhân làng nghề cho ra đời hàng nghìn mẫu đồ trang trí, quà tặng, trang sức độc đáo. Sản phẩm của Hadungcraft dần mở rộng tới các thị trường Mỹ, Singapore, châu Âu… Các hộ sản xuất, người dân ở các làng nghề Thụy Ứng, Bối Khê, Đồng Xâm nhờ đó có thêm công việc và thu nhập.
Để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19, chị Hải Hà chuyển chiến lược kinh doanh của Hadungcraft sang mô hình trực tuyến và hướng mạnh tới thị trường nội địa. “Tôi rất vui vì sản phẩm của Hadungcraft ngày càng được nhiều khách hàng trong nước lựa chọn. Như sản phẩm mới nhất là bút khảm trai, biểu trưng cho tri thức mà cũng chứa đựng giá trị truyền thống Việt Nam, được người tiêu dùng, nhất là các doanh nhân rất ưa chuộng”, chị Hải Hà chia sẻ.
Với quyết tâm cùng sự sẵn sàng đón nhận những thử thách và trên hết là tình yêu với sản phẩm truyền thống của dân tộc, doanh nhân Lưu Thị Hải Hà tin rằng mình sẽ cùng Hadungcraft gặt hái những thành công mới, đưa sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam vươn xa trên toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.