LTS: Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Hơn 80 năm qua, kể từ hội nghị thành lập Đảng, đến nay Đảng ta đã trải qua 10 kỳ đại hội. Điểm lại những mốc son chói lọi, vinh quang của Đảng, từ số báo đầu năm mới này, Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chuyên mục "Từ Đại hội đến Đại hội"...
Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản - thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930)
Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tham gia hội nghị hợp nhất có hai đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng, hai đại biểu An Nam Cộng sản Đảng và hai đại biểu ngoài nước. Do chưa nhận được tin Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập nên đồng chí Nguyễn Ái Quốc không triệu tập tổ chức này dự hội nghị. Hội nghị đã nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng số đảng viên của Đảng cho tới hội nghị hợp nhất là 565 đồng chí, phân ra làm 40 chi bộ. Ngày 24-2-1930, theo yêu cầu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành TƯ lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam họp và ra quyết định chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất là mốc dấu đầu tiên xây dựng truyền thống đoàn kết, nhất trí của Đảng, có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng. Hội nghị đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng, đề ra mục tiêu và phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là đồng chí Trần Phú (10/1930 - 6/9/1931).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương:
Củng cố, phát triển lực lượng cách mạng
Từ ngày 28 đến 31-3-1935, Đại hội (ĐH) đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã họp tại một địa điểm ở phố Quan Công, Ma Cao (Trung Quốc) nhằm xác định đường lối cho thời kỳ đấu tranh mới khi Đảng đã phục hồi. Tham dự Đại hội có 13 đại biểu, ĐH do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Lúc này đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản nên không tham dự được.
ĐH đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng: Nghị quyết Chính trị; các nghị quyết về công tác quần chúng với từng đối tượng cụ thể: công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, dân tộc thiểu số, thanh niên, đội tự vệ; Nghị quyết về công tác phản đế liên minh, xây dựng đội tự vệ, công tác cứu tế đỏ; Nghị quyết về các chương trình hành động; Nghị quyết về công tác đã qua của Ban Chỉ huy kiêm Ban Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương; Nghị quyết về hệ thống tổ chức, quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương...
ĐH đã bầu Ban Chấp hành TƯ Đảng, gồm 13 ủy viên (9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết); đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Ban Chấp hành TƯ nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.