(HNM) - Kỳ thi năm nay ghi nhận những quy định mới giúp các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chủ động hơn trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã phải "tuýt còi" nhiều trường vì lạm dụng quyền tự chủ để "xé rào". Không những thế, có những điều mà các trường đã thực hiện thành nếp nhiều năm nay cũng bị Bộ GD-ĐT yêu cầu phá bỏ.
Không được tự ý quyết định khối thi
Việc áp dụng thêm khối thi mới A1 cho thấy Bộ GD-ĐT đang khắc phục những hạn chế của phương thức thi "3 chung" với các khối thi truyền thống thiếu linh hoạt. Điều này hứa hẹn trong tương lai, các trường sẽ chủ động hơn trong việc quy định khối thi, môn thi phù hợp với yêu cầu đào tạo của ngành học, đáp ứng nhu cầu xã hội. Thế nhưng, khi chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể, trước mùa thi năm nay, nhiều trường đã tự ý đặt ra những khối thi được cho là không phù hợp với chương trình đào tạo.
Thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn các trường, các ngành học yêu thích khi các trường ĐH được chủ động trong việc xét tuyển. Ảnh: Nhật Nam |
Mới đây, Trường ĐH Duy Tân đã đăng tải trên trang web thông tin tuyển sinh khối B cho 4 ngành đào tạo ĐH là quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; bậc CĐ 3 ngành: kế toán, quản trị khách sạn, tài chính - ngân hàng. Trường ĐH Bình Dương cũng thông báo tuyển sinh khối B bậc ĐH, CĐ ngành quản trị kinh doanh. Trường CĐ Bách Việt cũng thông báo tuyển khối C cho ngành thiết kế nội thất, khối A, A1, D1 cho ngành thiết kế thời trang. Trường ĐH Nông lâm Huế tuyển khối C vào ngành phát triển nông thôn...
Trước tình trạng này, Vụ Giáo dục đại học (GDĐH) đã phải yêu cầu các trường rút lại một số nội dung tuyển sinh trên trang web của mình để tránh làm nhiễu thông tin, gây hoang mang cho thí sinh khi đăng ký. Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn khẳng định, không thể để mỗi trường làm một kiểu, thông tin trên trang web của trường cần bảo đảm thống nhất với các thông tin đã đăng tải trong cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012" và thông tin của Bộ GD-ĐT.
Năm nay còn có rất nhiều ngành lần đầu tiên thông báo tuyển sinh khối thi A, A1. Trong số những ngành thi khối A hay A1 có nhiều ngành xã hội như báo chí, ngôn ngữ học, tâm lý, triết học, chính trị học, nhân học… của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), quan hệ công chúng, quảng cáo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền... Trong khi điều này được Bộ GD-ĐT cho phép thì có những trường đào tạo ngành CNTT nhưng không được tuyển sinh khối B, dẫu họ đã giải trình rằng, CNTT giờ được áp dụng vào nhiều ngành cần kiến thức hóa, sinh như sinh học hay y học. Phải chăng là, sự "phù hợp" giữa khối thi và ngành đào tạo không phải là điều gì đó quá cứng nhắc, mà chỉ là cách làm của một số đơn vị không "phù hợp" với quy định cứng nhắc của Bộ?
Một vi phạm "hợp lý"?
Trong vài mùa tuyển sinh gần đây, nhiều trường có xu hướng xét tuyển thí sinh không trúng tuyển ngành đăng ký sang những ngành khác cùng khối thi. Điều này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh có hàng nghìn thí sinh đăng ký vào một trường, số em trúng tuyển chỉ vài trăm trong khi có ngành lại không tuyển đủ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc các trường tự đề ra quy định ưu tiên xét tuyển thí sinh thi vào trường mình là không đúng với Quy chế tuyển sinh. Theo quy định, Bộ GD-ĐT yêu cầu việc xét tuyển phải công bằng với tất cả thí sinh, không phân biệt thi trường nào (đối với các trường xây dựng điểm chuẩn theo ngành). Cách làm này tạo sự không công bằng giữa thí sinh dự thi và không dự thi vào trường đó. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, thí sinh không trúng tuyển vào ngành đăng ký đều phải có cơ hội xét tuyển như nhau. Vậy là, Bộ GD-ĐT đã ra một công văn để chấn chỉnh một vi phạm đã "đi vào thực tế" nhiều mùa tuyển sinh vừa qua. Điều đáng nói là, công văn này được ban hành khá muộn, gây bối rối cho thí sinh khi việc đăng ký dự thi đã kết thúc.
Về phía các trường, nhiều chuyên gia tuyển sinh ít nhiều thừa nhận, việc ưu tiên xét tuyển thí sinh thi trường mình được chuyển ngành là không đúng với quy chế. Song họ đều khẳng định cách làm này tốt cho cả nhà trường lẫn thí sinh, giúp các trường chủ động hơn trong xét tuyển, giúp tuyển đủ thí sinh cho những ngành khó tuyển và bảo đảm chỉ tiêu cho các trường, thí sinh thì có thêm cơ hội trúng tuyển vào trường đã đăng ký. Hơn nữa, phương thức này giúp tuyển được những thí sinh tha thiết muốn vào được một trường, một khối ngành mà họ muốn học. Điều này cũng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đào tạo.
Trước thực tế tuyển sinh nhiều năm qua và để đáp ứng nhu cầu của các trường, thí sinh và xã hội, lãnh đạo một số trường kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét cho các trường chủ động hơn nữa trong việc xét tuyển, có quy định cụ thể để các trường đều thực hiện được mà không phải "xé rào".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.