(HNMCT) - Nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, nhưng khi vừa xuất hiện ở “chiếu” văn, cô giáo Nguyễn Hải Yến đã trở thành cái tên được nhiều người nhắc tới. Tập truyện ngắn đầu tiên của chị - “Quán Thủy Thần” ngay khi vừa ra mắt năm 2019 đã được trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau hai năm liên tiếp “mất mùa” ở hạng mục Văn xuôi, năm 2019, Hội Nhà văn Việt Nam đã “tìm” được chủ nhân cho giải thưởng, và cô giáo Nguyễn Hải Yến ngay lập tức được đứng vào hàng ngũ nhà văn Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Thanh Miện, Hải Dương, đi học rồi đi dạy, những tưởng cuộc sống của một cô giáo dạy ngữ văn tại một trường phổ thông cơ sở vẫn đều đều một điệp khúc, nhưng khi thực sự cầm bút viết, dù mới đầu chỉ viết những tản văn về ký ức làng quê, Nguyễn Hải Yến đã bị cuốn vào văn học. Chị say mê viết về nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ, nơi chị đã và đang sinh sống, gắn bó, viết về chính những mảnh đời miền quê lam lũ mà chị từng biết, từng gặp trong đời.
Truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến mang hai phong cách, hiện thực và hiện thực huyền ảo. Nếu “Nhân gian một cõi”, “Giếng mắt rồng”, “Hoa đại đỏ”... với giọng viết tưng tửng, có phần dí dỏm mà lại có những tình huống đau thắt lòng thì “Gió lên thả ngọn đèn trời”, “Đi giữa trời xanh mây trắng” với tên truyện đậm chất thơ mà đọc xong nỗi buồn đau còn vương vất mãi. Lại có những truyện đầy huyền hoặc như “Phía trước nhà có giàn mơ dại”,“Quán Thủy Thần”, “Dành dành khép cánh” với lời văn lấp lánh cảm xúc hay lời đề từ bằng mấy câu thơ: “Tháng ba ngủ trên triền sóng/ Khát hoa gạo lưng trời/ Xô bến cạn vỡ thành muôn mảnh/ Soi mảnh nào cũng thấy trùng khơi”...
Nhưng dù viết hiện thực hay huyền ảo, trong mỗi trang viết của Nguyễn Hải Yến luôn đậm đặc một không khí làng quê. Chị dùng rất nhiều từ trong ngôn ngữ nói đời thường khiến từng câu chuyện rất “đời”, chị đưa vào đó biết bao cách ví von, "mắng như hát" đầy cuốn hút khiến độc giả như được trở về nông thôn của những ngày xưa, để rồi những chi tiết của đời sống hiện đại hôm nay như mạng xã hội, video clip, chiếc ô Kitty hồng... lại kéo độc giả trở về. Để thấy, thì ra không phải trong một quãng thời gian xa xôi đâu, mà ở thời nào cũng vậy, những câu chuyện đời người với khổ sở, đớn đau, với tuyệt vọng hay hy vọng vẫn luôn còn đó.
Theo nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, “có thể coi Nguyễn Hải Yến là một cây bút viết truyện ngắn trẻ trung, hiện đại, trên một căn cơ vững bền của lòng nhân ái, luôn rưng rưng thương cảm nhân vật, truyền nhiễm sang người đọc rưng rưng theo. Tuy nhiên, nhà văn trẻ này đủ tỉnh táo, không muốn ru người đọc lịm người trong thú đau thương hoặc sự vô minh trong nhận thức... Và khi Yến đã rắp tâm tả cảnh, tả người, tả tình, trong những tình huống mà Yến thích thú chộp được, thì tất cả đều được Yến cẩn trọng thiết kế trên tâm trạng của chính mình - chủ thể viết, với đầy đặn nội lực văn chương trên một điểm nhìn thật tinh tế, để từ đó sẽ tuôn trào như mưa những chi tiết văn xuôi truyện ngắn thật độc lạ”.
Sau tập truyện “Quán Thủy Thần”, cái tên Nguyễn Hải Yến lại được xướng lên trong danh sách giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn 2018 - 2020 của tạp chí Nhà văn & Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam), với các truyện ngắn “Hoa gạo đáy hồ”, “Cửa sông thiên đường”. Cách đây chưa lâu, tập truyện ngắn “Hoa gạo đáy hồ” đã ra mắt độc giả. Trên trang facebook cá nhân, chị từng đùa: “Nửa năm không viết cái gì, lương thì chậm, ta làm chi để sống? May có sách để bán”. Giữa những ngày tháng dịch Covid-19 căng thẳng vừa qua, những truyện ngắn - đứa con tinh thần của chị vẫn tiếp tục lên đường đến với chủ nhân mới, trong khi chị lo xoay vần với việc dạy học trực tuyến. Trong làng văn Việt Nam từng có không ít người thầy đã bước thành công từ bục giảng lên văn đàn, và cô giáo - nhà văn Nguyễn Hải Yến cũng đang đi trên con đường của nghề thầy - nghề văn cao quý ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.