Bài văn lạ của cậu học trò lớp 11 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đang gây nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc, từ các bậc phụ huynh đến các thầy, cô giáo và HS. Những suy nghĩ, trăn trở dưới đây của một thầy giáo dạy văn, nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) sẽ đem đến cho bạn đọc những sắc thái cảm nghĩ, không chỉ ở khía cạnh cuộc sống của một con người, mà là câu chuyện dạy - học văn thế nào để góp phần rèn nhân cách HS.
Lời tòa soạn: Bài văn lạ của cậu học trò lớp 11 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đang gây nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc, từ các bậc phụ huynh đến các thầy, cô giáo và HS. Những suy nghĩ, trăn trở dưới đây của một thầy giáo dạy văn, nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) sẽ đem đến cho bạn đọc những sắc thái cảm nghĩ, không chỉ ở khía cạnh cuộc sống của một con người, mà là câu chuyện dạy - học văn thế nào để góp phần rèn nhân cách HS.
1. Tôi không muốn gọi em là Nguyễn Trung Hiếu như cái tên mọi người vẫn gọi em, dù cái tên ấy rất đẹp và em đúng là một người con trung hiếu đáng nể phục. Bài văn của em - hay lá thư em gửi mẹ - thực sự đã lay động tôi một cách sâu sắc, với rất nhiều cảm xúc, rất nhiều liên tưởng, từ số phận của những con người trong gia đình em đến biết bao cuộc đời, biết bao con người trong xã hội, trong đó có tôi, có những người xung quanh tôi.
Bài văn của học sinh Nguyễn Trung Hiếu, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. |
Quả thực, từ bao đời nay, đồng tiền vẫn có sức mạnh ám ảnh dữ dội, nhưng cũng từ bao đời nay vẫn có những con người vượt qua được sức mạnh ấy để sống và thể hiện bản lĩnh và nhân cách con người. Tôi kính phục người mẹ, người ông, người bà của em và đặc biệt trân trọng những suy nghĩ và hành động của em. Trong một hoàn cảnh khó khăn trường kỳ như vậy, khi đồng tiền thực sự là mồ hôi, nước mắt và máu, khi em vừa căm ghét đồng tiền, vừa rất trân trọng nó, em vẫn có thể sẵn sàng chịu đựng tất cả những thiếu thốn của cuộc sống hằng ngày, sáng đến trường với cái bụng rỗng không, qua bữa trưa với chút cơm muối vừng… để học thật tốt, học thật giỏi cho vừa lòng mẹ. Tôi hiểu rằng ước ao lớn nhất của em không phải là được có cuộc sống đầy đủ như các bạn, mà là làm sao cứu người mẹ thân yêu của mình khỏi căn bệnh quái ác. Bằng chính câu chuyện của mình, một học sinh lớp 11, còn quá trẻ để chiêm nghiệm lẽ đời, em đã gửi đến chúng tôi một điều: Đồng tiền không phải là mục đích cuộc sống - một bài học không mới nhưng chắc không bao giờ cũ.
2. Những năm gần đây, thỉnh thoảng chúng ta lại có dịp được tiếp xúc với những "bài văn lạ" gây xôn xao dư luận (ít nhất là trong cộng đồng mạng). Những bài văn ấy được gọi là "lạ" vì ở đó, các em đã trải lòng mình một cách chân thật, với những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, dù có thể đúng hay chưa đúng, thậm chí có trường hợp còn là những ý nghĩ lệch lạc đáng tiếc. Xét ở góc độ giáo dục, ít nhất ở góc độ dạy văn - học văn, đó là một hiện tượng đáng mừng, bởi lẽ nội dung dạy học, trong trường hợp này là một đề bài nghị luận, đã thực sự chạm vào những vấn đề của cuộc sống, những điều mà các em cần nghĩ, cần biết. Trong thực tế, có nhiều điều các em có nghe, có biết, nhưng chẳng mấy khi bận lòng để nghĩ sâu xa về nó, cho đến khi phải làm một bài tập làm văn, phải tìm tòi xây dựng một ý tưởng, một quan điểm, phải hình thành một hệ thống lý lẽ và dẫn chứng, các em mới thực sự phải đào sâu suy nghĩ, huy động vốn hiểu biết và năng lực tư duy của mình để tìm hiểu một cách thấu đáo, xác lập thái độ trước vấn đề được đặt ra, từ đó mà hoàn thành bài tập.
Điều quan trọng là nếu đề tài được giao thực sự gần gũi và có tác dụng giáo dục, đồng thời các thầy, cô giáo thực sự tôn trọng những suy nghĩ mang bản sắc cá nhân của các em, thì kết quả giáo dục sẽ lớn hơn con điểm mà các em nhận được từ bài làm văn đó rất nhiều. Đó là sự trưởng thành trong nhận thức, là kết quả tự giáo dục của chính các em. Nhiều khi, những gì các em đúc kết được từ khi làm một bài văn nhỏ lại đi theo các em suốt cả cuộc đời. Rõ ràng trong bài văn của em Hiếu, sức thuyết phục của bài viết không nằm ở cấu trúc nghị luận dưới hình thức một bức thư, cũng không nằm ở hệ thống lý lẽ không mấy phức tạp, mà ở tấm lòng thiết tha hiếu thảo của người con với mẹ bằng những suy nghĩ, việc làm giản dị, nhưng chưa phải cô, cậu học trò nào cũng có thể nghĩ, có thể làm; ở tình mẫu tử đầy hy sinh của người mẹ với con. Chỉ như thế thôi, bài văn đã vượt lên trên rất nhiều so với tầm vóc của một bài nghị luận. Những năm gần đây, dạy và học văn trong nhà trường đã có nhiều đổi mới, trường hợp bài văn của em Hiếu một lần nữa như lời nhắc nhở các thầy, cô giáo hãy luôn chú ý khơi gợi, tạo điều kiện để các em được suy nghĩ và nói lên tiếng nói chân thành, chân thực của mình trước cuộc sống, về những vấn đề của cuộc sống và của chính mình.
Xưa Khổng Tử có nói: "Trong ba người cùng đi tất có người là thầy ta". Tôi chưa bao giờ được gặp em Hiếu, nhưng được đồng hành với em trong cuộc đời, tôi đã nhận được từ em một bài học lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.