Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ Ai Cập cổ đại đến nghệ thuật phối cảnh thời nay

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 25/05/2014 06:40

Thành tựu của Ai Cập cổ đại được người Hy Lạp tiếp thu. Họ dịch các tác phẩm này sang tiếng Hy Lạp và tiếp tục nghiên cứu.



Trải qua thời gian giao thoa văn hóa với một số nền văn minh khác, như của Ấn Độ, một kho tàng đồ sộ về toán học, khoa học và nghệ thuật đã được hình thành ở Hy Lạp thời cổ đại. Tuy vậy, những tri thức này bị lãng quên trong thời gian dài. Thế kỷ XIV - XVI, những thành tựu đó được tái hiện. Các cuốn sách còn lại lưu giữ những tri thức của Hy Lạp cổ đại đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ và được truyền bá nhiều nơi ở Châu Âu, bắt đầu từ Italia. Qua đó, khoa học, nghệ thuật được tiếp tục nghiên cứu, phát triển, tạo ra những đột phá, làm tiền đề bùng nổ cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật ở những thế kỷ sau.

Một số công trình kiến trúc, xây dựng, tranh vẽ, tượng thời kỳ Phục hưng đã trở thành tiêu biểu cho nghệ thuật phối cảnh hiện đại. Từ thành tựu của hình học, quang học và nhiều lĩnh vực khác, nghệ thuật vẽ tranh không gian ba chiều, với tỷ lệ chuẩn mực tạo nên bố cục, hình khối hợp lý của những tác phẩm kinh điển. Cùng với sự kết hợp của màu sắc, ánh sáng, kỹ thuật đánh bóng và việc tạo ra những tiêu điểm trong tranh đã tạo ra những góc nhìn lý tính. Qua đó, tranh thể hiện sự chuyển động về không gian, thời gian, đồng thời tạo ra chiều sâu nhiều chiều, đa nghĩa của tác phẩm.

Những bản vẽ kỹ thuật trong hình họa ngày nay đều được xây dựng trên cơ sở nguồn gốc của nghệ thuật phối cảnh từ thời Phục hưng. Trong quang học, ngày nay chúng ta được học lý thuyết về sự truyền thẳng của ánh sáng trong môi trường thuần nhất, chẳng hạn trong không khí hay thủy tinh. Chúng ta cũng được học về sự phản xạ của ánh sáng qua gương phẳng, gương cầu hay sự khúc xạ của ánh sáng khi thay đổi môi trường truyền sáng. Với gương phẳng, tia phản xạ xuất phát từ một điểm đối xứng với nguồn sáng qua mặt phẳng của gương. Vì vậy, ta thấy một hình ảnh chân thực có kích thước bằng với vật. Gương cầu thì được dùng cho xe máy, ô tô hay đặt tại các khúc cua trên những cung đường phức tạp, giúp ta có thể quan sát thuận tiện những hình ảnh ở nhiều góc độ. Các thấu kính giúp sản xuất các loại kính phục vụ con người như: kính cận, kính viễn, kính lúp, kính hiển vi, kính thiên văn, máy ảnh, máy quay phim, máy chiếu... Tất cả đều xuất phát từ sự phát triển của hình học với nghệ thuật phối cảnh thời kỳ Phục hưng.

Ngày nay khoa học phát triển, nghệ thuật phối cảnh được tái hiện với việc chọn tiêu điểm, chỉnh sáng tối, xa gần... một cách thích hợp cho từng cảnh chụp ảnh hay quay phim, tạo ra hiệu ứng nghệ thuật mới. Từ việc tái hiện cảnh thực, tĩnh trong tranh hay điêu khắc, đến việc tạo ra sự chuyển động về không gian, thời gian trong tranh vẽ, nghệ thuật phối cảnh ngày nay đã tiến lên mức cao hơn. Đó là mô tả sự chuyển động thực, sống động và có thêm âm thanh. Nghệ thuật xa gần, nhỏ to, màu sắc, ánh sáng... lại được ứng dụng một lần nữa trong phim, ảnh phục vụ đời sống con người.

Kết quả kỳ trước. Ví dụ về công thức tính hằng số pi dựa theo khai triển Taylor:

pi = 4 x (1 - 1/3 + 1/5 - 1/7+...).

Kỳ này. Em biết tranh dân gian Đông Hồ có đặc điểm gì đặc biệt về nghệ thuật phối cảnh? Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ Ai Cập cổ đại đến nghệ thuật phối cảnh thời nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.