(HNMO) - Trả lời câu hỏi của báo chí về các vi phạm của mạng xã hội Tiktok tại Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra sáng 5-5, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: Bắt đầu từ ngày 15-5, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Dự kiến, việc kiểm tra kéo dài đến hết tháng 5-2023. Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, đoàn kiểm tra có sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến TikTok không có biện pháp ngăn chặn nội dung chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, để xuất hiện quảng cáo sai sự thật, tràn lan hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, TikTok còn có chương trình “thần tượng-idol” là người nổi tiếng, các thần tượng mạng trên TikTok, cho phép người dùng mạng xã hội donate (tặng tiền) cho những thần tượng mạng, nhưng lại không khuyến khích những nội dung tốt đẹp, không quản lý chặt chẽ, để cho nhiều đối tượng cung cấp nội dung lệch lạc, độc hại, nhảm nhí, thiếu văn hóa, lệch chuẩn.
Mạng xã hội này còn lan truyền những clip phim vi phạm bản quyền và sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo của TikTok dẫn đến tin sai sự thật rất nhiều, như tin giả liên quan đến Covid-19, mê tín dị đoan, hạ thấp danh dự, nhân phẩm người Việt, có nội dung gây nguy hại cho trẻ em.
Nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Đáng chú ý, trên TikTok cũng xuất hiện nhiều video có nội dung xuyên tạc về lịch sử, văn hóa Việt Nam, các nội dung sử dụng hình ảnh khiêu gợi, hở hang...
Tại họp báo, chia sẻ thêm thông tin về việc tăng cường quản lý với các nền tảng xuyên biên giới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, để từng bước làm lành mạnh không gian mạng, tạo sự công bằng, bình đẳng trong hoạt động giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước trên môi trường mạng, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường công tác quản lý nhà nước với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nhà cung cấp này chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, có những thời điểm, khi xử lý các vi phạm pháp luật của các nền tảng này, có dư luận “đẩy” sự việc đến vấn đề khác và đó là cách tiếp cận không đúng. Bộ Thông tin và Truyền thông luôn yêu cầu các doanh nghiệp này hoạt động tuân thủ pháp luật Việt Nam và sẽ xử lý nếu để xảy ra vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.