Theo dõi Báo Hànộimới trên

TS.KTS Hoàng Hữu Phê: Tôn tạo để  giữ ''hồn cốt'' hồ Tây

Bảo Hân| 10/08/2022 15:50

(HNMO) - Đưa ra những góc nhìn mới về quy hoạch trục không gian bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ), Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Hữu Phê, người nhận bằng Tiến sĩ quy hoạch đô thị ở London, Anh vào năm 1998, từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều công trình nổi tiếng ở nước ta nhấn mạnh đến cách ứng xử đối với khu vực có vai trò, vị trí đặc biệt này.

TS.KTS Hoàng Hữu Phê.

Tiếp cận tôn tạo di sản thay vì bảo tồn lịch sử

Theo TS.KTS Hoàng Hữu Phê, một khu vực hay công trình có các yếu tố di sản cần bảo vệ và phát huy, tùy theo mức độ quan trọng và tình huống đô thị mà có 3 cấp độ xử lý: Bảo tồn lịch sử, tôn tạo di sản và tái phát triển.

Các nghiên cứu gần đây trên thế giới, đặc biệt của các thành viên tích cực thuộc ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế) đã chỉ ra rằng, cấp độ hai hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững, phù hợp và cần thiết cho Hà Nội.

“Với cách tiếp cận tôn tạo di sản thay vì bảo tồn lịch sử tại hồ Tây, không nhất thiết phải giữ nguyên trạng hoặc phục hồi nguyên trạng các yếu tố vật thể, mà phải giữ cho được các đặc tính phi vật thể, tức là “hồn cốt” của nơi chốn, các giá trị căn bản của cái thường được gọi là trí nhớ văn hóa. Để thực hiện được, cần lập một thiết chế thích hợp là khu vực tôn tạo, bảo tồn, nơi lưu giữ các đặc điểm kiến trúc, tự nhiên được coi là có giá trị và cần được bảo vệ”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê nêu.

Về mặt thiết kế công trình, tại khu vực hồ Tây chưa có công trình tầm cỡ nào về hoạt động văn hóa nghệ thuật được xây dựng. Tiếp nối quy hoạch từ năm 1994 về việc xây dựng hồ Tây thành trung tâm văn hóa mới của Thủ đô, quy hoạch trục không gian bán đảo Quảng An hướng tới hình thành hệ thống nhiều công trình như trục cảnh quan đi bộ, quảng trường, bảo tàng nghệ thuật, triển lãm, và nhà hát nổi trên Đầm Trị là một cơ hội lớn để đầu tư cho những công trình biểu tượng bề thế, phản ánh trình độ, mức độ phát triển hiện tại. Đây cũng là các thành tố vật thể cần thiết cho trung tâm văn hóa mới.

Để quy hoạch Trung tâm văn hóa mới của Thủ đô tại khu vực hồ Tây sớm được triển khai, cần tuân thủ quy trình phê duyệt, trong đó có việc lấy ý kiến cộng đồng. Trong nhiều trường hợp tương tự không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, các ý kiến trong cộng đồng có thể rất khác nhau. Để tạo được sự đồng thuận, sẽ không bao giờ thừa khi cố gắng cung cấp thông tin, giải thích hoặc tổ chức hội thảo nghiêm túc.

Toàn cảnh khu vực hồ Tây.

Đầu tư tương xứng các giá trị vật thể

Nhận định về sức mạnh của nền công nghiệp văn hóa, TS.KTS Hoàng Hữu Phê cho rằng, các cường quốc kinh tế trên thế giới đều là các cường quốc văn hóa, và sức mạnh mềm dựa trên vốn văn hóa của họ đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì tính cạnh tranh cao của các nền kinh tế này. Tuy nhiên, đối với một số nước phát triển muộn hơn, nền công nghiệp văn hóa đã trở thành lực lượng chủ đạo trong chiến lược phát triển đất nước.

“Nếu chúng ta có niềm tin rất lớn vào các giá trị phi vật thể của Việt Nam như một tiền đề bảo đảm cho nền công nghiệp văn hóa có thể phát triển mạnh mẽ, thì các giá trị vật thể cũng phải được tạo ra ở một mức tương xứng. Một nền công nghiệp văn hóa muốn hoạt động và phát triển đến đỉnh cao cần phải tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho cả 7 ngành nghệ thuật truyền thống, bao gồm kiến trúc, điêu khắc, hội họa, văn học, âm nhạc, biểu diễn và điện ảnh. Đặc biệt, đối với 3 ngành cuối, âm nhạc, biểu diễn và điện ảnh, các không gian chuyên dụng chất lượng cao là yêu cầu tối thượng”, TS.KTS Hoàng Hữu Phê nêu.

Trên cơ sở đó, một nhà hát tầm cỡ khu vực chắc chắn là ưu tiên hàng đầu cho Trung tâm Văn hóa - giao dịch quốc tế hồ Tây, nếu muốn đẩy nhanh quá trình hội nhập và đưa Việt Nam vào tâm điểm của khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực văn hóa. TS.KTS Hoàng Hữu Phê nêu nguyên do: Đối với các ngành âm nhạc biểu diễn và điện ảnh, thành công của chúng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ nghe nhìn hiện đại đã có những bước phát triển vượt bậc, và yêu cầu các không gian và thiết bị chuyên dụng được thiết kế kỹ lưỡng. Các cơ sở biểu diễn hiện nay ở Hà Nội, tuy đã phục vụ tuyệt vời cho cộng đồng dân cư đô thị từ ngày xây dựng, nhưng chỉ có công suất hạn chế, không còn thích hợp với quy mô rất lớn của các hoạt động văn hóa tầm cỡ khu vực hoặc toàn cầu - chính là đích nhắm tới của nền công nghiệp văn hóa mới của Việt Nam.

Do đó, một nhà hát tầm cỡ với các không gian và hệ thống phụ trợ sẽ là tâm điểm, hoặc là cực vị thế quan trọng nhất, tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng dân cư Thủ đô và bè bạn năm châu. Cơ sở vật chất - kỹ thuật tầm cỡ quốc tế của nhà hát này sẽ là nơi đào tạo các tài năng với những hứa hẹn phát triển rực rỡ của giới trẻ làm nghệ thuật, những người góp phần xây dựng sức mạnh mềm của đất nước, mà ai cũng biết là sẽ đóng một vai trò đáng kể trong các chiến lược phát triển kinh tế của một đất nước Việt Nam hùng mạnh và văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS.KTS Hoàng Hữu Phê: Tôn tạo để  giữ ''hồn cốt'' hồ Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.