Tại sao không nên gọi rùa Hồ Gươm là
- Nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội, ông có thấy vấn đề rùa Hồ Gươm bây giờ mới được quan tâm?
Trước hết phải thấy rằng, hiện tượng rùa nổi không chỉ bây giờ mới có. Cách đây 60-70 năm, khi còn nhỏ tôi cũng đã chứng kiến việc rùa nổi, thậm chí có lúc rùa còn bò lên đường đi. Đây là tập tính bình thường của động vật hoang dã. 10-20 năm lại đây, câu chuyện rùa nổi, đặc biệt là khi trùng với sự kiện lớn của Thủ đô, đất nước đã được "thần linh hóa" lên khá rõ. Thành phố cũng đã một đôi lần cho nạo vét ven hồ, thử nghiệm hút bùn lòng hồ bằng công nghệ hiện đại... Nói chung, cảnh quan hồ đã đẹp hơn trước kia.
Một góc Hồ Gươm. Ảnh: Nguyệt Ánh
Dưới góc độ khoa học, những năm 1985-1986, ý kiến thay nước Hồ Gươm đã dấy lên cuộc tranh luận xem có ảnh hưởng đến sinh vật sống trong hồ hay không, đặc biệt là rùa. Thời gian đó, PGS Hà Đình Đức đã mời thầy Đào Văn Tiến là giáo sư đầu ngành sinh vật của ĐH Tổng hợp đến xem tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn. Sau đó, PGS Hà Đình Đức đã được duyệt đề tài nghiên cứu về rùa Hồ Gươm. Việc này cũng chỉ là nghiên cứu qua ảnh, số lần nổi và lời nói của người đương thời... Các nghiên cứu về rùa và môi trường Hồ Gươm vẫn được thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những tranh luận về rùa đó là loài nào, còn mấy cá thể... đến nay chưa có câu trả lời chính xác. Các nhà khoa học không tiếp cận trực tiếp với rùa, đặc biệt là dùng các phương pháp khoa học hiện đại để nghiên cứu nên tất cả đều dừng lại ở mức độ phỏng đoán trên quan điểm cá nhân.
- Phát biểu tại cuộc họp ngày 21-2 vừa qua, vì sao ông không tán thành việc gọi rùa Hồ Gươm là "cụ rùa"?
- "Cụ rùa" là cách dùng dân dã, nói vui với nhau dần thành quen. Trong khoa học, không có khái niệm "cụ" kiểu như "cụ cá voi", "cụ rùa"... Ngoài ra, cách gọi "cụ rùa" có liên quan đến huyền thoại Vua Lê Thái Tổ trả gươm thần. Đây thực chất là truyền thuyết thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Khi có chiến tranh thì đồng lòng đánh giặc và khi giặc tan thì gác lại chuyện cũ để tập trung xây dựng quê hương.
Điều đặc biệt cũng cần đề cập là khi nghiên cứu sách cũ, có khá nhiều dị bản khác nhau liên quan đến việc Vua Lê trả gươm thần. Các sách như "Cổ tích vịnh" (tác giả Trần Bá Lãm), "Tang thương ngũ lục" (Phạm Đình Hổ), "Hoàng Việt địa dư chí" (Phan Huy Chú), "Long Biên bách nhị vịnh" (Bùi Cơ Túc), "Hà Nội địa dư" (Nguyễn Dương Bá Cung) có nhiều kiến giải khác nhau về thời điểm và người thực hiện việc trả gươm. Tuy nhiên, được nhắc đến nhiều hơn cả là Thái Tổ Lê Lợi và giả thuyết này được chấp nhận.
Liên quan đến việc này, tôi muốn nói thêm rằng, rùa chỉ là sứ giả trong câu chuyện Thái Tổ Lê Lợi phát hiện, dùng gươm báu để bảo vệ đất nước sau đó trả lại kiếm khi công cuộc chống giặc Minh thắng lợi. Sứ giả thì có nhiều, còn nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện này chính là đức Thái Tổ Lê Lợi và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc. Do đó, gọi rùa Hồ Gươm là "cụ rùa" không phù hợp với vai trò của rùa trong truyền thuyết. Mặt khác, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng không nên gọi là "cụ rùa".
- Ông kỳ vọng gì từ việc tiến hành chữa bệnh cho rùa song song với việc cải tạo đồng bộ môi trường Hồ Gươm sắp tới?
- Rùa Hồ Gươm được thế giới xác định là loài hiếm, có tuổi thọ cao. Đã hiếm thì đương nhiên là loài quý nên việc bảo vệ, chữa trị là cần thiết. Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố trong việc bảo vệ, chữa bệnh cho rùa là không thể phủ nhận. Tôi mong rằng, dịp chữa bệnh cho rùa sắp tới cần làm đồng thời với việc xác định loài và nếu có thể, chúng ta cũng xác định rõ ở Hồ Gươm còn có bao nhiêu cá thể rùa đặc hữu nữa.
- GS-TS Lê Trần Bình (nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học) cho biết, loài động vật có tuổi thọ cao nhất trên thế giới là 176 tuổi. Nhiều nhà động vật học hàng đầu Việt Nam không loại trừ khả năng chúng ta cố gắng cứu chữa hết sức nhưng do tuổi cao, rùa Hồ Gươm sẽ không còn hiện hữu. Ông suy nghĩ gì nếu tình huống xấu đó xảy ra?
- Rùa là loài động vật hoang dã nên dứt khoát một ngày nào đó sẽ phải tuân theo quy luật "sinh - tử". Ngay như cây đa nghìn tuổi ở Cổ Loa, vốn gắn với bao câu chuyện của dân tộc cũng đã chết... Các chuyên gia sẽ cố gắng cao nhất trong việc trị bệnh cho rùa nhưng giả sử tình huống xấu nhất xảy ra thì tôi tin truyền thuyết về Hồ Gươm vẫn sẽ sống mãi. Rùa chỉ là vỏ vật chất thể hiện truyền thuyết. Chúng ta cần nhớ rằng, truyền thuyết Lạc Long Quân tiêu diệt con cáo chín đuôi vẫn được truyền tụng trong nhân dân quanh vùng Hồ Tây và hồ này cũng có tên gọi khác là đầm Xác Cáo. Qua hàng nghìn năm lịch sử, truyền thuyết trên đâu có mất đi. Truyền thuyết Hồ Gươm cũng sẽ không mất đi, khi đã là biểu tượng về tinh thần yêu hòa bình của người Việt Nam và người Thăng Long - Hà Nội.
- Xin cảm ơn nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.