(HNM) - Gần đây các
Cụ thể, để "vét" thuê bao tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và Hà Nội, từ cuối năm 2013 "nhà đài" đang chiếm giữ thị phần truyền hình trả tiền lớn là SCTV (liên doanh giữa Saigon Tourist và VTV) đã thực hiện một loạt ưu đãi, như tặng đầu thu HD trị giá gần 2 triệu đồng, giảm phí thuê bao tháng, tặng thêm thời gian sử dụng nếu khách hàng đóng tiền trước… Nhờ ưu đãi giảm giá này nên giá thuê bao của SCTV chỉ còn 60.000 đồng/tháng (gói HD), 50.000 đồng/tháng (gói SD), trước đó giá cước lần lượt là 80.000 đồng/tháng, 65.000 đồng/tháng. Với chính sách khuyến mãi này, cộng với việc mời chào đến tận hộ gia đình tại địa bàn các quận nội thành Hà Nội, SCTV đã thu hút lượng thuê bao không nhỏ của các "nhà đài" khác chuyển sang dùng, thậm chí có thời điểm, hệ thống Truyền hình cáp Việt Nam phải lên tiếng về sự cạnh tranh không lành mạnh của "đối thủ" này.
Nhân viên Truyền hình Cáp Việt Nam lắp đặt dịch vụ cho khách hàng. |
Không thể thua trên "sân nhà", cả Truyền hình cáp Hà Nội (HcaTV) và Truyền hình Cáp Việt Nam (VTV cab) cũng buộc phải vào cuộc đua khuyến mãi bằng cách vừa giữ nguyên giá cước vừa đưa ra chính sách ưu đãi như miễn phí lắp đặt dịch vụ, tặng cước thuê bao cho khách hàng đóng tiền trước. VTV cab dù công bố mức cước thuê bao tháng từ năm 2014 sẽ tăng lên 110.000 đồng/tháng, nhưng nếu khách hàng đóng trước cả năm, sẽ thu với giá cũ là 88.000 đồng/tháng. Nhà đài của VTV cũng đưa ra các chiến dịch tặng quà cho khách hàng đóng cước trước trên địa bàn Hà Nội.
Cũng từ cuối năm 2013, Truyền hình An Viên AVG thì thông báo đưa ra một loạt gói dịch vụ với nhiều mức giá khác nhau từ thấp đến cao cho khách hàng lựa chọn. Vào cuộc đua cạnh tranh giảm giá có vẻ muộn hơn các đối thủ kể trên, nhưng Truyền hình số vệ tinh VSTV (K+) cũng đưa ra ưu đãi không hề nhỏ. Cụ thể, từ ngày 8-3-2014, K+ đưa ra 2 gói cước mới: Gói cho kênh SD tăng thêm 10.000 đồng lên 85.000 đồng/tháng nhưng bù lại tăng tới 9 kênh quốc tế, còn gói xem HD chỉ cơ cấu còn một mức giá và giảm tới 80.000 đồng so với trước, còn 220.000 đồng/tháng. Đồng thời giảm giá thiết bị còn 990.000 đồng/bộ thu SD và 1,8 triệu đồng đồng/bộ thu HD (giá cũ tương ứng là 1,5 triệu đồng và 2 triệu đồng). Đáng chú ý là với khách hàng đã đóng tiền trước, K+ không thu thêm tiền khi điều chỉnh giá tăng và sẽ bù lại bằng kéo dài thêm thời gian sử dụng cho khách hàng nộp tiền trước với gói dịch vụ giảm giá. Điều này đem lại lợi ích khách hàng.
Song, có một thực tế là tuy cùng là cạnh tranh, nhưng cạnh tranh giữa viễn thông và truyền hình trả tiền có khác nhau cơ bản. Đó là với viễn thông, càng thu hút nhiều thuê bao, thời gian khấu hao thiết bị càng nhanh và giá thành giảm - đó cũng là thực tế mà trong nhiều năm qua viễn thông liên tiếp giảm cước, áp dụng khuyến mãi lớn; nhưng ở lĩnh vực truyền hình trả tiền thì cạnh tranh chính là vấn đề nội dung liên quan đến chất lượng, đến con người và phí bản quyền, có thể gọi đó là chất xám, mà đầu tư cho chất xám thì chỉ có tăng giá, chứ không giảm giá.
Cụ thể, bên cạnh việc đầu tư vào thiết bị, công nghệ, các nhà đài còn phải đầu tư vào sản xuất các chương trình, mua bản quyền nội dung để phục vụ người xem. Một số nhà đài còn đưa ra các nội dung riêng để cạnh tranh, như AVG sản xuất kênh truyền hình Phật giáo, K+ mua bản quyền các giải thể thao lớn như Giải Ngoại hạng Anh…
Do vậy, nếu để ý kỹ sẽ thấy, các "nhà đài" cạnh tranh kể trên không giảm giá cước (thực tế trong mấy năm qua chỉ tăng cước thuê bao) mà chỉ ưu đãi tăng thời gian sử dụng các gói dịch vụ với điều kiện khách hàng nộp tiền trước, ít nhất là 3 tháng, nhiều là 12 tháng.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Hiệp hội Truyền hình trả tiền cho rằng, bên cạnh việc đem ưu đãi cho khách hàng về giá thì cạnh tranh mấu chốt của các "nhà đài" chính là nâng cao chất lượng nội dung bằng việc tự sản xuất các chương trình có chất lượng hoặc có được bản quyền các chương trình hay và chỉ khi tạo được sự khác biệt này, nhà đài mới thành công trước các đối thủ khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.