Công nghiệp văn hóa

Truyền cảm hứng để đánh thức “viên ngọc” bên trong mỗi con người

Trà Giang thực hiện 03/07/2023 - 06:29

Những năm gần đây, ngành Coaching (huấn luyện/khai vấn) thực sự có những bước phát triển ấn tượng tại Việt Nam nhưng dường như với công chúng, đây vẫn là ngành mới mẻ. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Ruby Nguyễn - diễn giả truyền cảm hứng xuất sắc nhất năm 2019 của Speakup Challenge, đơn vị đào tạo huấn luyện viên (coach) số 1 châu Âu - xung quanh lĩnh vực thú vị này.

ruby-1.jpg

Kỹ năng cần phải có trong thế kỷ XXI

- Coaching trên thế giới đã rất phát triển, có những nước quy mô thị trường đạt tới hàng tỷ USD, thế nhưng ở Việt Nam vẫn còn là điều khá mới mẻ. Chị có thể chia sẻ đôi chút về ngành này?

- Với tôi, một trong những đóng góp quan trọng nhất của khai vấn là trao cho chúng ta chìa khóa để sống bình an và vững chãi hơn. Thế giới bên ngoài ngày càng đem đến cho ta nhiều áp lực. Vì vậy, việc xây dựng nội lực và sự bình yên nội tại trở thành một điều tối quan trọng cho hạnh phúc và sự yên ổn của mỗi người. Khai vấn là công cụ có thể giúp bạn đạt được điều này.

Khai vấn giúp con người xây dựng sự kiên cường trong chính họ, ngay cả khi họ không thể thay đổi những gì bên ngoài. Đây là thứ giúp con người vững chãi và có tâm thế làm chủ ngay cả trong một thế giới đầy bất ổn.

Một giá trị tuyệt vời khác nữa của khai vấn đó là nó có thể giúp chúng ta biết cách chạm vào trí tuệ bên trong chính mình để trở thành người thầy cho chính mình. Tôi tin rằng đây là con đường để thực sự làm chủ chính mình. Như Lão Tử đã từng nói: “Làm chủ được người khác là sức mạnh. Làm chủ được chính mình là quyền năng đích thực”.

- Chị đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của ngành khai vấn tại Việt Nam?

- Khai vấn là một trong những kỹ năng cần phải có trong thế kỷ XXI nếu bạn muốn sống một cuộc đời tự chủ, bình an và ý nghĩa.
Thế giới của chúng ta đang chứng kiến sự phát triển thần tốc của công nghệ nhưng dù có phát triển tới đâu, con người vẫn có những nhu cầu thẳm sâu - nhu cầu được hiểu, được cảm thông và được lắng nghe. Hiểu được điều này, ta sẽ thấy rằng bên cạnh những kỹ năng hợp thời khác, có một kỹ năng thực sự là chìa khóa cho thành công và hạnh phúc. Đó là kỹ năng lắng nghe - thấu cảm - khai mở - chuyển hóa. Đó là kỹ năng khai vấn. Dưới góc nhìn của tôi, khai vấn là kỹ năng của tương lai.

Giá trị thực sự của khai vấn, nói tóm gọn trong một câu thôi, nó chính là phương thuốc cho “căn bệnh” trầm kha của xã hội hiện đại. Mỗi huấn luyện viên, hiểu theo một cách gián tiếp, cũng là những thầy thuốc của tâm trí. Với hướng đi của thế giới hiện đại, sẽ ngày càng cần nhiều hơn những vị “bác sĩ tâm trí” như vậy.

Đánh thức ước mơ

- Lý do và cơ duyên nào khiến chị chọn trở thành một người truyền cảm hứng?

- Đó là một câu chuyện dài. Điểm bắt đầu có lẽ từ lúc tôi còn là một cô bé nhút nhát, khép mình trong một gia đình ở Hà Nội. Người ta thường nói với tôi rằng con gái thì không cần ước mơ, tham vọng nhiều. Đôi khi chính tôi cũng hoài nghi như vậy.

Tôi ra nước ngoài học từ sớm, rồi trưởng thành. Một ngày, tôi trở về Việt Nam, đến thăm một vùng quê nghèo, tôi bắt gặp những bé gái mà ước mơ của chúng đã bị bỏ quên trong những bản làng xa xôi. Chuyến đi ấy đã đánh thức tôi, đã kéo tôi ra khỏi một cuộc sống được cho là “ổn định”, “thành công”. Tôi muốn làm một điều gì đó cho ước mơ của những con người này, tạo ra những thay đổi tích cực cho cuộc sống quanh tôi. Khi đó, tôi biết mình cần truyền cảm hứng để đánh thức "viên ngọc" bên trong mỗi con người.

- Chị đã chinh phục danh hiệu diễn giả truyền cảm hứng xuất sắc nhất năm 2019 của Speakup Challenge như thế nào?

- Bằng một khao khát cống hiến thuần túy và lòng trắc ẩn. Tôi không làm công việc truyền cảm hứng, giáo dục, đào tạo hay khai vấn với mong muốn để “trở thành ai đó”.

Năng lượng trắc ẩn chính là sức mạnh giúp tôi vượt ra khỏi cái chu vi nhỏ bé của bản thân để cảm được nỗi đau của một người xa lạ. Để thấu được tâm tư của họ. Để hiểu được những gì họ không nói và cất giữ sau những khoảng lặng đầy trăn trở. Để khao khát giúp họ tự biết cách giúp mình. Chính lòng trắc ẩn đã giúp tôi chạm tới được những cuộc đời quá khác biệt, quá xa xôi với tôi.

Sự thôi thúc của trái tim

- Đang làm việc ở Anh với mức lương đáng mơ ước, chị trở về Việt Nam và sáng lập Học viện RNI. Chị đã hiện thực hóa “sự thôi thúc của trái tim” như thế nào?

- Tới một lúc nào đó, những việc ta làm lớn hơn một lựa chọn. Nó là sự thấy biết từ bên trong. Một sự thôi thúc của trái tim. Nó không còn là một lựa chọn. Nó là điều tôi biết mình phải làm. Trong sâu thẳm tâm thức, tôi biết rằng nếu có một nơi để về lúc này thì đó sẽ là Việt Nam. Bằng một cách thật khó lý giải, tôi thấy mình có trách nhiệm, có một lời hứa với cuộc đời mình cần thực hiện.

Trên hành trình trở về và làm "giáo dục chậm" tại Việt Nam, tôi có nhân duyên chạm tới hàng chục ngàn cuộc đời. Tôi nhận được rất nhiều thứ từ học viên, những người theo dõi tôi. Như câu chuyện của chàng trai tật nguyền ngồi xe lăn Nguyễn Chánh Tín, người giờ đây đang truyền cảm hứng cho hàng ngàn người Việt với cuốn sách "Tôi chọn sống”. Bạn có viết cho tôi: "Biết ơn cô đã kích hoạt con người phi thường trong em, để giờ đây có một Nguyễn Chánh Tín mang nguồn năng lượng tích cực đến với cộng đồng…”.

Tôi thấy biết ơn vô hạn vì cơ hội được cống hiến qua công việc mình làm theo một cách thật ý nghĩa với tôi.

- Tại Việt Nam, các nhóm yếu thế rất cần các chương trình như thế này nhưng họ lại là những người khó tiếp cận các khóa học nhất. Làm cách nào để giúp họ có thể tiếp cận các khóa học dễ dàng hơn?

- Trong ba năm qua kể từ khi bắt đầu trở về phục vụ cộng đồng người Việt, tôi và học viện RNI đã bền bỉ thực hiện những chương trình miễn phí cho cộng đồng. Trong số hàng chục ngàn học viên đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, có những học trò là người yếu thế hay có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người trong số họ giờ đây đang đóng góp cho cuộc đời bằng chính câu chuyện và hành trình của họ. Có người trở thành tác giả, xuất bản sách và trở thành người truyền cảm hứng. Tôi tin rằng mỗi con người đều có một viên ngọc quý và có “chất liệu” để truyền đi cảm hứng chân thật cho cuộc sống này. Tôi chỉ góp một phần nhỏ bé để “đánh thức” những gì đẹp đẽ vốn sẵn có bên trong để họ có thể sống một cuộc đời rực rỡ mà họ xứng đáng.

- Nghe nói chị sắp cho ra mắt cuốn sách truyền cảm hứng "Sống như bông pháo hoa”. Chị muốn gửi gắm thông điệp gì thông qua cuốn sách?

- Tôi từng có rất nhiều câu hỏi: "Ta đang làm gì với cuộc đời của mình?”, "Cuộc sống này có mục đích không?”... Và tôi đã ước có một ai đó giúp trả lời những câu hỏi này. Tôi viết cuốn sách này chính là để dành cho những ai đang loay hoay với những câu hỏi về cuộc đời, về hành trình sống của mình. Tôi viết với hy vọng mang đến cho họ một ánh sáng để thấy ra con đường đi của riêng mình.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Ruby Nguyễn tên thật là Lê Thị Hồng Ngọc, sinh tại Hà Nội nhưng sớm ra nước ngoài học tập và lập nghiệp. Chị từng đoạt giải nhất cuộc thi hùng biện bằng tiếng Hàn tại Busan. Từ năm 2010 đến năm 2011, chị là Đại sứ sinh viên của trường đại học Birmingham (Vương quốc Anh). Năm 2019, Ruby Nguyễn được bình chọn là 1 trong 10 nữ Doanh nhân làm mẹ (Mom-preneurs) có tác động tích cực đến xã hội tại Anh quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền cảm hứng để đánh thức “viên ngọc” bên trong mỗi con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.