Theo dõi Báo Hànộimới trên

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Vẫn quá xa lạ

Thu Trang| 09/05/2016 12:20

(HNM) - Thông tin cách đây chưa lâu về 80 con lợn gắn mác VietGAP trên đường tuồn ra thị trường thì bị lực lượng chức năng phát hiện dương tính với chất tạo nạc Salbutamol một lần nữa khiến người tiêu dùng hoang mang.

Thực phẩm không bảo đảm an toàn luôn là “nỗi ám ảnh” với người tiêu dùng.Ảnh: Khánh Huy


Hoang mang bởi lẽ, thực phẩm không an toàn có mặt ngay trong chính các cơ sở phân phối được xem là "an toàn" nhất. Trong khi thực phẩm sử dụng chất cấm tràn lan thì việc truy xuất nguồn gốc lại là câu chuyện quá xa lạ và nan giải.

Nhiều thực phẩm chưa có nhận diện nguồn gốc

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các doanh nghiệp lớn hầu như không gặp khó khăn, bởi họ có hệ thống quản lý và sổ ghi chép, lưu giữ nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm và quá trình sản xuất, phân phối lưu thông. Tuy nhiên, ở các cơ sở nhỏ, lẻ, nhiều mặt hàng, nhất là nông, lâm, thủy sản được mua từ nhiều nguồn khác nhau, không có hệ thống quản lý, sổ ghi chép. Bên cạnh đó, việc kinh doanh thực phẩm nhập khẩu chủ yếu dựa vào hồ sơ doanh nghiệp, hầu như chỉ truy xuất được tới đơn vị xuất khẩu, khó có điều kiện kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất.

Trên thực tế, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm không chỉ gặp khó ở các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ mà cả ở những đơn vị gắn nhãn thực phẩm sạch, an toàn. Hầu hết các sản phẩm thực phẩm được bán trong hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều được gắn mác "sạch" và "an toàn". Thế nhưng, không chỉ câu chuyện 80 con lợn gắn mác VietGAP bị phát hiện dương tính với chất tạo nạc Salbutamol mà bài học về công ty rau an toàn nhưng cung cấp rau không rõ nguồn gốc cho các siêu thị diễn ra cách đây không lâu là minh chứng. Dù về mặt pháp lý, trên giấy tờ, công ty này cam kết chuyên cung cấp rau sạch, thực phẩm sạch song thực tế lại không đúng như vậy khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Trước bối cảnh thị trường thực phẩm còn nhiều lộn xộn, bà Đặng Thị Thìn (ở Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, phía cơ quan quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chỉ có những khuyến cáo như: Mua hàng cần xem rõ nguồn gốc xuất xứ, mua hàng còn hạn sử dụng, sản phẩm không bị mốc, bốc mùi… Những chỉ dẫn nêu trên của cơ quan chức năng vẫn chung chung, chủ yếu đối với thực phẩm được sản xuất đóng gói tại nhà máy. Với thực phẩm tươi sống như rau, thịt, cá... thì chưa có cơ sở hay nhận biết nào để người dân tin tưởng sản phẩm an toàn, nhất là khi ngay tại những địa chỉ tưởng chừng bán thực phẩm an toàn cũng có thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Không chỉ với người tiêu dùng, ngay đối với cơ quan quản lý, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng gặp khó khăn. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, để làm rõ thế nào là sạch, ít nhất thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, có hợp đồng rõ ràng, hoặc phải có "dấu hiệu" để người dân có thể nhìn bằng mắt thường.

Trong báo cáo hiệu quả quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong 4 tháng đầu năm 2016, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, rau, quả, thịt, thủy sản là thực phẩm tươi sống nên phần lớn chưa có nhãn mác, "dấu hiệu" nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm việc truy xuất nguồn gốc luôn gặp khó khăn, khó xác định nguyên nhân để xử lý vi phạm.

Trong khi đó, theo số liệu báo cáo từ các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT và 42/63 tỉnh, thành phố về kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trên rau, kháng sinh trong thịt, thủy sản được thực hiện từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016 cho thấy, trong gần 7.600 mẫu rau kiểm nghiệm phát hiện gần 400 mẫu nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; trong hơn 5.400 mẫu thịt phát hiện 104 mẫu vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn cho phép; trong hơn 5.400 mẫu thịt phát hiện 834 mẫu vi phạm chỉ tiêu Salmonella (vi sinh vật gây bệnh); trong gần 5.000 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản phát hiện 361 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép.

Áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử

Trước thực tế trên, theo ông Hoàng Đức Hạnh, điều quan trọng là phải quản lý được thực phẩm theo chuỗi, nguồn gốc, biết được người chăn nuôi, nuôi trồng cho hay không cho hóa chất nào vào, chứ không phải kiểm tra từ "ngọn" là lúc thực phẩm đã bày bán như cách làm hiện nay.

Cùng với cách quản lý thực phẩm theo chuỗi, hiện nay, một số nước đang phát triển đã áp dụng thành công việc truy xuất nguồn gốc điện tử. Doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Người mua có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi lô hàng chưa rời khỏi nhà sản xuất. Thông tin truy xuất nguồn gốc được tích hợp trong mã phản hồi nhanh (QR code) in trên bao bì sản phẩm và người tiêu dùng có thể dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh trong vòng 2 giây là biết mọi thông tin nguồn gốc của sản phẩm họ mua.

Ngay tại nước láng giềng Thái Lan, từ năm 2010 đến nay, Bộ Nông nghiệp nước này đã đưa ra chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí. Nhờ đó, nải chuối, quả sầu riêng bán ở cửa hàng rau quả nhỏ cũng được dán mã QR code. Việc truy xuất nguồn gốc cũng mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho nông dân Thái Lan. Đơn cử, tại nông trại Sumtarom ở tỉnh Srisaket, trước khi áp dụng truy xuất nguồn gốc, giá sầu riêng chỉ được bán với giá 50 baht/kg nhưng khi áp dụng QR code, người nông dân có thể bán sầu riêng với giá 70 baht/kg.

Kinh nghiệm này cho thấy nếu như các giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm được áp dụng hiệu quả, không chỉ người tiêu dùng yên tâm mà trước hết, chính người chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến, phân phối được lợi. Quan trọng hơn, đây còn là biện pháp hữu hiệu góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường với những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Vẫn quá xa lạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.