(HNNN) - Trước thực trạng thực phẩm “bẩn” tràn lan trên thị trường, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nói cách khác là nhận diện đường đi của thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, khẳng định sự minh bạch của doanh nghiệp và hỗ trợ cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc truy xuất nguồn gốc không hề dễ dàng bởi chính sách quản lý, việc lựa chọn hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng như vận hành, kiểm soát hệ thống này còn nhiều vướng mắc.
Thấy rõ tiện lợi
Gần đây, khi đi mua hàng, chị Nguyễn Mỹ Linh (tổ 5, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) có thói quen dùng ứng dụng quét mã vạch sản phẩm để truy xuất thông tin liên quan tới thực phẩm. Theo chị Mỹ Linh, đây là cách đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả để biết được nguồn gốc thực phẩm mà mình định mua. “Mỗi sản phẩm được gắn một mã ID hoặc QR code trong suốt quá trình từ khi nuôi trồng, chế biến đến khi ra thị trường tiêu thụ. Dựa vào đó, thông tin về thực phẩm như: Thông tin về trang trại, nơi chế biến, nhà sản xuất, tên thực phẩm, giá cả, các điểm phân phối... sẽ được nhiều người biết một cách đầy đủ, rõ ràng, nhanh chóng nhất. Việc này giúp doanh nghiệp tạo dựng, khẳng định uy tín đối với người tiêu dùng; ngược lại, người tiêu dùng có thể trực tiếp tìm hiểu thông tin về sản phẩm mà họ đã mua một cách đầy đủ, chi tiết”, chị Mỹ Linh khẳng định.
Tại Việt Nam, nhận thức được vai trò của truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với doanh nghiệp và người dân, cuối năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành quy định về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Theo văn bản này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh.
Đây là việc hết sức cần thiết, tạo ra dòng chảy thông tin từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Với những doanh nghiệp làm ăn bài bản, để xây dựng thương hiệu thì nhất thiết phải quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc và chứng minh bằng được với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình là an toàn.
Nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có nhiều công ty cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc như: VNPT Check, Vinacheck, Agricheck, Traceverified, Icheck... Tuy nhiên, chính sách quản lý truy xuất nguồn gốc chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hiện chưa hiểu hết ý nghĩa, chưa hiểu đúng bản chất của vấn đề truy xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), vẫn còn chưa có sự thống nhất về nội dung cũng như hình thức giữa các loại tem truy xuất hoặc trong tem truy xuất nguồn gốc chỉ có những thông tin rất giản đơn..., gây nên sự hoài nghi về tính hiệu quả của hệ thống truy xuất nguồn gốc trên thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động này đến nay vẫn chưa thực sự được người tiêu dùng và nhà sản xuất quan tâm, đa phần vẫn là ai thích thì làm. Anh Nguyễn Hồng Kông, nhân viên bán hàng tại siêu thị Vinmart (phường Bồ Đề) nhận định: “Một số mặt hàng rau củ đã có mã QR code nhưng từ khi triển khai đến nay, không có nhiều khách hàng quét mã. Chủ yếu mọi người vẫn lựa chọn theo thói quen và thương hiệu”.
Còn chị Nguyễn Thu Hiền (Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, từ lâu chị đã nghe đến hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm thực phẩm, trên điện thoại của chị cũng đã cài phần mềm này nhưng không mấy khi dùng vì không rõ tính chính xác đến đâu.
“Đúng là quét mã QR thì biết được một số thông tin cơ bản như doanh nghiệp sản xuất, tên sản phẩm, ngày, tháng đóng gói, hạn sử dụng... Tuy nhiên, những thông tin này đều là thông tin một chiều từ phía doanh nghiệp. Tôi không rõ cơ quan hay đơn vị nào giám sát tính chính xác của thông tin. Thêm vào đó, tem truy xuất nguồn gốc có thể bóc ra dán vào nên không loại trừ khả năng doanh nghiệp quay vòng tem dán lên sản phẩm, chưa kể nhiều trường hợp mã nhòe hoặc mờ cũng không quét được”, chị Thu Hiền cho hay.
Nhiều người tiêu dùng thờ ơ, hoặc thiếu tin tưởng, đó là một phần nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp không mặn mà với việc truy xuất nguồn gốc, bởi nếu áp dụng hệ thống truy xuất thì họ sẽ mất chi phí vận hành, kiểm soát hệ thống trong khi hiệu quả mang lại không như mong muốn.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Giám đốc HTX dịch vụ Lĩnh Nam chia sẻ: “HTX dịch vụ Lĩnh Nam thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được 2 năm và nhận thấy phần việc này còn nhiều bất cập. Cái khó đầu tiên là trình độ bà con nông dân còn thấp, đa số là người cao tuổi, việc ghi chép rất bất tiện. Quy trình sản xuất rau sạch từ gieo hạt giống, bón phân, nhổ cỏ, chăm sóc ra sao sẽ được người nông dân ghi chép vào cuối buổi mà thường do tuổi tác, trình độ, họ không thể nhớ hết được. Chưa kể, vất vả là thế nhưng khi đến khâu tiêu thụ, chính người nông dân phải tìm đầu ra, rau vẫn phải đem bán ngoài chợ mà không có cơ chế bao tiêu sản phẩm. Và khi mang ra chợ bán cho người dân thì có mấy ai quan tâm đến truy xuất nguồn gốc đâu. Không có cơ chế để thể hiện tác dụng của truy xuất nguồn gốc nên nhà sản xuất không mấy mặn mà”.
Cũng vì những băn khoăn này, thời gian tới, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của việc dán tem truy xuất nguồn gốc đến nhà sản xuất và người tiêu dùng, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm... Có như vậy thì hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm mới có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.