Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Thể thao thiếu niên 10-10: Làm một việc, biết nhiều việc

Mai Hoa| 10/10/2015 08:20

(HNM) - Mô hình trường thể thao thiếu niên hình thành vào những năm 1970, lúc đầu có 4-5 trường hoạt động nhưng dần dà, chỉ còn Trường Thể thao thiếu niên 10-10 trụ lại và duy trì hoạt động hiệu quả. Bí quyết nào dẫn đến thành công ấy?

Một lớp học võ tại Trường Thể thao thiếu niên 10-10.


- Theo ông, vì sao mô hình trường thể thao thiếu niên nghiệp dư đã từng xuất hiện tại 4 quận nội thành Hà Nội nhưng đến nay, chỉ còn Trường Thể thao thiếu niên 10-10 duy trì hoạt động?

- Không chỉ xuất hiện ở quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, mô hình này từng xuất hiện ở cả thị xã Sơn Tây. Nhưng do khó khăn về kinh phí hoạt động nên đến nay chỉ còn Trường Thể thao thiếu niên 10-10 của quận Ba Đình vẫn duy trì hoạt động đều đặn và hiệu quả. Chúng tôi đã phải nhờ rất nhiều vào sự hỗ trợ và khéo léo trong việc giải bài toán về kinh phí thì mới có thể tạo được sự ổn định đó.

- Đó là những giải pháp nào, thưa ông?

- Chúng tôi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận Ba Đình cho đến sự phối hợp chặt chẽ với các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn trong công tác tuyển sinh. Nhưng, cơ bản nhất là không được có tư tưởng phụ thuộc. Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, HLV nhà trường luôn nỗ lực không ngừng để có thể tạo nên những sản phẩm hiệu quả, có chất lượng - những tấm huy chương quốc gia và quốc tế mà học sinh do nhà trường phát hiện, đào tạo ban đầu mang về.

- Suy cho cùng, chất lượng đào tạo vẫn là yếu tố quan trọng nhất, thưa ông?

- Đúng vậy! Thêm nữa, do trường chúng tôi hoạt động chủ yếu theo phương thức lấy thu bù chi nên phải tính toán rất kỹ để bảo đảm sự ổn định lâu dài. Ví như chuyện đưa ra mức học phí, nếu thu cao quá thì sẽ chỉ có được một lượng học sinh rất nhỏ, nhưng nếu thấp quá thì không đủ bù chi. Trường 10-10 hướng tới mức kinh phí tầm trung, phù hợp với đa số người dân đô thị. Mặt khác, chúng tôi phải tinh gọn bộ máy làm việc tối đa, tăng cường thiết lập quan hệ, sử dụng cộng tác viên là các HLV, VĐV giỏi với mức phí phù hợp.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

- Hằng năm, Trường 10-10 thường khai giảng ở thời điểm gần ngày Giải phóng Thủ đô, thu hút khoảng 2.000 học sinh đăng ký tập luyện ở 18 môn thể thao (môn thứ 19 - bơi lội - chỉ dạy trong 3 tháng hè). Học sinh đông là thế nhưng chúng tôi tất tật đến nay chỉ có 9 cán bộ biên chế và 10 nhân viên hợp đồng, còn lại hầu hết là các cộng tác viên. Chính vì vậy, chủ trương của trường là các cán bộ, nhân viên làm chuyên một việc nhưng phải biết nhiều việc để luôn có khả năng ứng biến, giải quyết vấn đề phát sinh. Điều đáng quý là trong số cộng tác viên có rất nhiều người là học sinh cũ của trường, qua quá trình đào tạo, trưởng thành giờ lại quay về trường cộng tác với mục tiêu tìm kiếm hạt nhân năng khiếu TDTT và rèn luyện thể chất cho các em học sinh. Có rất nhiều người tâm huyết với nhiệm vụ ấy, và đó là điều vô cùng đáng quý.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Thể thao thiếu niên 10-10: Làm một việc, biết nhiều việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.