Tôi được biết, cùng với việc thực hiện Luật Cư trú, người dân muốn đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội còn phải chấp hành những quy định trong Luật Thủ đô. Cụ thể như thế nào? Phùng Nguyên Khuê (huyện Ba Vì)
Tôi được biết, cùng với việc thực hiện Luật Cư trú, người dân muốn đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội còn phải chấp hành những quy định trong Luật Thủ đô. Cụ thể như thế nào?
Phùng Nguyên Khuê (huyện Ba Vì)
Trả lời:
Điều 19 Luật Thủ đô đề cập việc quản lý dân cư tại Hà Nội như sau:
1. Dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
2. Hội đồng nhân dân TP Hà Nội ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.
3. Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.
4. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được đăng ký thường trú ở nội thành:
a. Các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật Cư trú (2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở
với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội - ngoại; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột;
e) Ông, bà nội - ngoại về ở với cháu ruột;
3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;
4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình);
b. Các trường hợp không thuộc Điểm a khoản này đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.