Năm 1076 (Bính Thìn) dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072-1128), Quốc Tử Giám được thành lập ngay tại kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) kề ngay phía sau Văn Miếu. Đây là trường đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam dưới thời phong kiến.
Quốc Tử Giám là tên gọi vào thời Lý (1010-1225), đến thời Trần (1225-1400) gọi là Quốc Tử Viện sau đổi thành Quốc Học Viện. Sang thời Lê (1428-1788) trường mang tên Thái Học Viện, nhà trường lúc này được mở rộng, có quy mô học đường, có ký túc xá, lại là nơi trực tiếp in sách. Vào thời Nguyễn (1802-1945), khi kinh đô chuyển vào Huế, nhà Nguyễn lập Quốc Tử Giám ở Huế nên nơi này lại mang tên Văn Miếu và tồn tại cho tới ngày nay.
Quốc Tử Giám là trung tâm văn hóa giáo dục lớn của cả nước. Ban đầu, đây là nơi học của hoàng tử và con em tầng lớp quý tộc, nhưng về sau mở cửa đón tiếp nhân tài trong cả nước đến học tập và rèn luyện. Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam từng làm Quốc Tử Giám Tư Nghiệp (hiệu trưởng) của trường.
Thành phố Hà Nội đã thành lập tại đây “Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám” để phát huy tác dụng của di tích văn hóa đứng đầu cả nước này trong các hoạt động văn hóa khoa học của thủ đô.
Vietnam Records Books
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.