Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường chất lượng cao - Cao cỡ nào?

Thống Nhất| 02/08/2012 06:07

(HNM) - Trong tháng 8-2012, ngành GD-ĐT Hà Nội phải hoàn thiện dự thảo quy định tạm thời về tiêu chuẩn, quy trình đánh giá trường chất lượng cao (CLC) giai đoạn 2012-2015 để áp dụng từ năm học 2012-2013. Có không ít vấn đề được đặt ra quanh việc


Tiêu chuẩn ra sao?

Càng ngày nhu cầu được thụ hưởng giáo dục CLC của phụ huynh càng lớn, nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực CLC cũng ngày càng cấp bách, trong khi hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được, vì vậy nhiều gia đình có điều kiện đã cho con ra nước ngoài học. Vài năm gần đây, ở Hà Nội đã xuất hiện nhiều trường học tự xưng là trường CLC, nhưng thực tế mới có mức huy động đóng góp cao, còn chất lượng đào tạo chưa tương xứng. Việc thiếu những quy định cụ thể để giúp người dân hiểu rõ thế nào là trường CLC, từ đó có những lựa chọn phù hợp không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi người học mà còn khó cho công tác quản lý.


Trường Phổ thông dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những trường đã và đang triển khai thí điểm mô hình trường chất lượng cao.Ảnh: Linh Tâm

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngành GD-ĐT Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy định tạm thời về tiêu chuẩn trường CLC. Dự kiến, có 5 tiêu chuẩn chung để đánh giá trường CLC, bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất; mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội; kết quả giáo dục.

Quá trình tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị có liên quan cho thấy, đây là việc cần làm ngay, song tiêu chuẩn thế nào thì cần phải được cân nhắc. Điều mà nhiều người quan tâm là các tiêu chuẩn của trường CLC có khác với các tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia hay không; hoặc phải có bảng so sánh cụ thể giữa hai loại trường bình thường và trường CLC về mọi điều kiện… Những quy định này phải rất cụ thể, công khai để phụ huynh cũng có thể đánh giá, so sánh và lựa chọn trường học cho con sao cho đáng "đồng tiền bát gạo". Bởi có những cơ sở giáo dục học phí lên tới 200 USD/tháng/HS mà không đủ cơ sở vật chất như trường công lập. Tiêu chuẩn càng rõ ràng thì càng hạn chế được tình trạng nhập nhèm "thương hiệu" để tuyển sinh, thu lời.

Trong các tiêu chuẩn, nội dung chương trình giáo dục là điều mà một số đơn vị đang triển khai thí điểm mô hình trường CLC theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT (như Trường phổ thông dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm là một ví dụ), đang trăn trở. Sự thiếu đồng bộ về nội dung chương trình giáo dục, chủ yếu ở môn ngoại ngữ, gây khó khăn cho cơ sở. Ví dụ, hết tiểu học, HS của trường đã thi đạt chứng chỉ của ĐH Cambridge là Flyer, tương đương với trình độ B - trình độ của HS lớp 8. Nhưng theo chương trình của Bộ GD-ĐT, các em này khi vào lớp 6 phải học lại từ a, b, c như HS bắt đầu học tiếng Anh, vừa lãng phí vừa dễ khiến HS chán nản. Để đáp ứng nhu cầu phụ huynh, nhà trường hiện vẫn dạy song song hai chương trình tiếng Anh, vừa theo chương trình của Bộ, vừa theo trình độ tiếng Anh mà giáo viên, HS đã dày công dạy - học từ tiểu học.

Kiểm định thế nào?


Nhiều trường tự gắn mác CLC đều phô trương biển hiệu HS được học tiếng Anh chất lượng cao liên kết với các tổ chức giáo dục quốc tế, có giáo viên bản ngữ dạy, được học tin học, kỹ năng sống… Thậm chí, hễ trường nào có xe đưa đón HS, phòng học có điều hòa, sĩ số HS/lớp thấp hơn so với điều lệ trường học của Bộ GD-ĐT, có dịch vụ đón sớm, trả muộn… là trưng biển CLC. Tóm lại, cứ cung cấp được các dịch vụ đáp ứng nhu cầu phụ huynh là các trường tự gắn mác CLC, hiếm trường công khai cam kết chất lượng đào tạo đầu ra. Còn hầu hết phụ huynh đều dựa vào mức đóng góp để tự đánh giá trường đó có phải CLC hay không. Chất lượng dịch vụ liệu có tương xứng với mức học phí vẫn còn là điều bỏ ngỏ. Hiện không có cơ quan nào đứng ra kiểm chứng, giám sát, không có tiêu chuẩn nào để đánh giá, so sánh.

Để đo lường chính xác độ cao thấp về chất lượng giáo dục là điều không đơn giản, nhất là với người học. Bởi thế, quan trọng là sự "đóng dấu" chất lượng của cơ quan quản lý để phụ huynh biết những trường nào là CLC và các dịch vụ kèm theo có đáng tin cậy hay không. Theo bà Nguyễn Thị Bài, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, một trong những nội dung quan trọng là phải quy định rõ "đầu ra", tức là kết quả giáo dục HS của trường CLC như thế nào, có điểm gì nổi trội so với các trường khác. Bên cạnh đó, phải có cơ quan kiểm định độc lập đối với loại hình trường này, nhằm tạo sự tin tưởng cho phụ huynh. TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) góp ý, tiêu chuẩn đánh giá trường CLC cần thoát ly cách đánh giá thi đua thông thường hiện nay. Phải tìm phương thức đánh giá hiện đại, phù hợp, khách quan với sự tham gia của các tổ chức kiểm định độc lập để đánh giá cả quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục, trong đó có sự duy trì các kết quả đã được kiểm định.

Đồng quan điểm này, đại diện Sở Tài chính cũng cho rằng, phải có một cơ quan khách quan đánh giá thẩm định tiêu chuẩn trường CLC. Hiện nay, việc đánh giá chủ yếu dựa vào yếu tố chủ quan, trường tự xét duyệt rồi gửi lên các cơ quan quản lý cấp trên. Vì thế, khó tránh được hiện tượng vì thành tích, vì nể nang, thậm chí cả vì lợi ích kinh tế khiến cho việc công nhận trường CLC không phản ánh thực chất, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học và khó khăn hơn cho công tác quản lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trường chất lượng cao - Cao cỡ nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.