Hà Nội kết nối

Trường cao đẳng đầu tiên tại Việt Nam đào tạo tín chỉ carbon

Thanh Tàu 22/01/2024 - 13:10

Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 là cơ sở giáo dục đầu tiên ở Việt Nam đào tạo tín chỉ carbon.

Ngày 22-1, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (tỉnh Đồng Nai) cho biết, nhà trường vừa ký kết với Tổ chức BTEC Pearson (Vương quốc Anh) về chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn và tín chỉ carbon. Đây là cơ sở giáo dục đầu tiên ở Việt Nam đào tạo tín chỉ carbon.

453777.jpg
Hai bên ký kết hợp tác trong đào tạo tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Theo đó, việc đào tạo công nghệ bán dẫn và tín chỉ carbon sẽ được nhà trường triển khai từ năm 2024. Khóa đầu tiên, mỗi ngành một lớp với số lượng tuyển sinh từ 25-50 học viên. Đối tượng tuyển sinh ưu tiên đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn hệ cao đẳng có thời gian học 3 năm; về tín chỉ carbon sẽ đào tạo ngắn hạn, thời gian từ 3-6 tháng.

Để đào tạo hai ngành này, Tổ chức BTEC Pearson đã chuyển giao cho trường chương trình học, hỗ trợ đào tạo giáo viên. Những năm qua, nhà trường được Chính phủ Đức hỗ trợ nhiều trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy và học tập, bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đào tạo hai ngành này.

“Giá trị thị trường bán dẫn Việt Nam tăng khoảng 1,65 tỷ USD cho đến năm 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Hiện lao động cho ngành công nghiệp bán dẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng, mới chỉ đảm bảo khoảng 20% so với nhu cầu. Ngoài ra, để thực hiện cam kết net zero đến năm 2050, Việt Nam sẽ cần khoảng 150.000 người tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng”, ông Nguyễn Khánh Cường thông tin.

Cũng theo ông Cường, nhà trường đào tạo lao động bán dẫn, kiểm tra chất lượng, đóng gói và bảo trì trang thiết bị sản xuất chip; đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức để đánh giá lượng khí thải carbon trong doanh nghiệp, thị trường mua bán chứng chỉ carbon, chiến lược quản lý và kinh doanh thị trường tín chỉ.

453666.jpg
Các mô hình tín chỉ carbon.

Còn ông Lê Tuấn Dũng, Giám đốc Tổ chức BTEC Pearson tại Việt Nam cho biết, để thực hiện chương trình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết chống biến đổi khí hậu, cần có lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp và giải pháp trọng tâm là xây dựng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Lực lượng lao động cần có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế cũng là “mắt xích”quan trọng giúp Việt Nam vận hành được thị trường tín chỉ carbon. Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia sâu hơn nữa vào hệ sinh thái bán dẫn thế giới từ quá trình chuyển đổi sản xuất, chuyển dịch địa chính trị và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, đây là ngành đặc biệt đòi hỏi lực lượng lao động lớn và công nhân có trình độ chuyên môn cao. Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi phát triển công nghệ bán dẫn là nguồn nhân lực.

"Sự hợp tác giữa Tổ chức BTEC Pearson và trường sẽ cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và tín chỉ carbon, góp phần khai thác các tiềm năng, lợi thế trong hai lĩnh vực này của Việt Nam”, ông Lê Tuấn Dũng chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trường cao đẳng đầu tiên tại Việt Nam đào tạo tín chỉ carbon

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.