(HNM) - Trong hơn 10 năm xây dựng và đổi mới, từ ngôi trường có năng lực đào tạo khiêm tốn, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã từng bước trở thành thương hiệu đào tạo nghề uy tín trong cả nước, là “Ngọn cờ đầu” trong hợp tác đào tạo nghề giữa hai Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, được biết đến không những thị trường lao động trong nước, mà còn vươn tầm ra thị trường lao động quốc tế, đặc biệt thị trường lao động Đức và Nhật Bản.
Hội nhập quốc tế trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp
Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 thành lập năm 1986, trực thuộc Bộ Xây dựng, được lựa chọn để thí điểm cơ chế tự chủ năm 2016. Để đào tạo nhân lực tay nghề cao cung cấp cho ngành Xây dựng, từ năm 2004, nhà trường đã chủ động gia nhập trở thành thành viên Hội đồng nghề Vương quốc Anh - City & Guilds; năm 2008 trở thành thành viên Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ và được công nhận trở thành Trung tâm Sát hạch thợ hàn - ATF; năm 2015 trở thành thành viên của Hiệp hội Đào tạo nghề châu Âu - EVBB.
Đặc biệt, từ năm 2010, nhà trường được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đức lựa chọn để xây dựng trường thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, trong các lĩnh vực cơ khí, tự động hóa và cơ điện tử để đào tạo theo mô hình đào tạo “kép” và xây dựng mô hình đào tạo phối hợp với doanh nghiệp được triển khai đào tạo tại trường từ năm 2015.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn năm 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhà trường định hướng phát triển đi đầu trong lĩnh vực đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn Đức; triển khai đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0 và dẫn đầu trong chuyển đổi số để xây dựng thành trường học số.
Cung ứng cho thị trường lao động trong nước và quốc tế
Nói về vấn đề này, thầy Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong quá trình phát triển của mình, nhà trường đã áp dụng nhiều mô hình đào tạo nghề trên thế giới của Anh, Australia, nhưng thành công nhất là mô hình đào tạo nghề của Đức.
Song song đó, nhà trường được tổ chức hợp tác Đức - GIZ hỗ trợ để xây dựng mô hình đào tạo phối hợp, một mô hình điều chỉnh từ mô hình đào tạo “kép” của Đức. Bằng nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật, GIZ đã đào tạo cho trường được đội ngũ giảng viên, đội ngũ giảng viên tại doanh nghiệp, chuyển giao các chương trình đào tạo tương đương tiêu chuẩn Đức, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng, tất cả theo tiêu chuẩn Đức, đủ năng lực để triển khai đào tạo nghề chất lượng cao theo mô hình đào tạo phối hợp với doanh nghiệp.
Từ năm 2016, nhà trường đã tuyển sinh kết hợp với các doanh nghiệp trong nước như Thuận Hải, Martec Boiler... doanh nghiệp FDI như QHPlus, Schaeffler, Ishei Việt Nam... để triển khai đào tạo gần 1.000 sinh viên theo mô hình này. Các sinh viên không những được học theo tiêu chuẩn Đức, mà còn được doanh nghiệp trả lương và các chi phí khác trong quá trình học tập tại doanh nghiệp. Đây là mô hình được triển khai thành công tại trường.
Hiện nay, nhà trường cùng với GIZ đang triển khai nhân rộng cho 11 trường được GIZ hỗ trợ, ngoài ra cũng đang kết nối với nhiều trường khác trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp như Trường Cao đẳng Việt Hàn Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh) để phối hợp chuẩn bị đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp do Tập đoàn DEEP C của Mỹ đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Còn đào tạo và cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường nước ngoài, năm 2020 nhà trường được Chính phủ Đức lựa chọn để thí điểm đào tạo theo chương trình di cư an toàn toàn cầu, được Chính phủ Đức thí điểm tại Việt Nam, Braxin, Ecuado và Kosovo, để đào tạo trong lĩnh vực cắt gọt kim loại CNC, 50 sinh viên được đào tạo kỹ năng nghề, tiếng Đức B1 và sẽ tuyển chọn để đưa sang Đức làm việc.
Theo thầy Nguyễn Khánh Cường, đây là bài học kinh nghiệm, là thành công của trường trong việc triển khai mô hình đào tạo của Đức, góp phần không nhỏ trong việc cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.