(HNM) - Trung tuần tháng 8 vừa qua, hai ứng cử viên tổng thống Brazil là bà Dilma Rousseff của đảng Lao động cánh tả cầm quyền và ông José Serra của đảng Xã hội Dân chủ bắt đầu chiến dịch tranh cử trên truyền hình và đài phát thanh bằng các chương trình quảng cáo miễn phí.
Tại một đất nước mà báo in và internet đóng vai trò thứ yếu, các đảng phái tin tưởng rằng chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tuần trên truyền hình và radio (từ ngày 17-8) có thể giúp ứng cử viên giành được sự ủng hộ của cử tri. Đây cũng là cơ hội cuối cùng cho ứng cử viên đảng đối lập José Serra thoát khỏi tình thế bị suy giảm sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò ý kiến gần đây.
Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri mới nhất tại Brazil cho thấy ứng cử viên của đảng Lao động cánh tả cầm quyền, bà Dilma Rousseff, đang nhận được sự ủng hộ của 45% cử tri, chỉ còn thiếu 5% để giành chiến thắng ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối thủ chính của bà Rousseff là ứng cử viên của đảng Xã hội Dân chủ José Serra đã tụt xuống chỉ còn 29%. Đây là một kết quả khá bất ngờ khi chỉ một năm trước, ông Serra còn dẫn trước bà Rousseff tới 30 điểm và từng được coi là ứng cử viên tất thắng trong cuộc đua tìm người kế nhiệm đương kim Tổng thống Silva da Lula.
Từng là một kỹ thuật viên, tham gia phong trào cách mạng cánh tả dưới thời độc tài Brazil và bị 3 năm tù khổ sai, bà Rousseff gần như không được biết đến trên trường quốc tế; đồng thời cũng ít tiếng tăm trên chính trường trong nước. Dẫu vậy, bà Rousseff vẫn được Tổng thống Lula tin cậy, chọn làm người kế nhiệm.
Cuối tháng 3-2010, Tổng thống Lula da Silva đã công bố một kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng trị giá 660 tỷ euro trong 6 năm tới. Kế hoạch mang tên "Chương trình thúc đẩy tăng trưởng" (PAC) lần thứ hai này tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên. Đáng chú ý là lĩnh vực năng lượng sẽ nhận được 400 tỷ euro, nhà ở và các dịch vụ cấp - thoát nước 114 tỷ euro, giao thông 46,9 tỷ euro... Ngay sau khi được công bố, bà Rousseff đã ủng hộ kế hoạch này như một chiến lược duy trì đà phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội tương lai thịnh vượng hơn.
Thực tế, bà Rousseff được coi là kiến trúc sư của PAC lần thứ nhất trị giá gần 100 tỷ euro bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ hai (đầu năm 2007) của ông Lula. Chương trình đã tạo ra 5,5 triệu việc làm, nhưng chỉ có 40% dự án công bố được triển khai và 11% trong số đó được hoàn thành. Phe đối lập đã không bỏ qua sự chậm trễ này và cho rằng giai đoạn đầu của chương trình còn lâu mới kết thúc và chưa biết hiệu quả ra sao, nên không thể đưa ra giai đoạn hai với số vốn đầu tư khổng lồ vào thời điểm hiện tại. Nhưng một bộ phận không nhỏ dân chúng Brazil lại ủng hộ kế hoạch của ông Lula và bà Rousseff, xem đó là chiến lược đưa Brazil cất cánh, nhất là trong bối cảnh đất nước của vũ điệu Samba quyến rũ đang tất bật chuẩn bị tổ chức World Cup 2014 và Olympic mùa hè 2016. Một lợi thế khác có thể giúp bà Rousseff trở thành Tổng thống Brazil là chính sách xã hội của chính phủ cầm quyền hiện nay đem lại lợi ích thiết thực cho khoảng 30% dân chúng Brazil. Trong đó, chương trình quan trọng nhất là hỗ trợ con em các gia đình nghèo được đến trường và tiêm vắcxin miễn phí.
Từ nay tới ngày 3-10, cuộc tranh cử có thể còn có biến động quan trọng; song với sự hậu thuẫn của Tổng thống Lula, người có ảnh hưởng rất lớn với cử tri Brazil, bà Rousseff có nhiều triển vọng đi tiếp. Nếu đắc cử, bà sẽ trở thành nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử Brazil.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.