Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước lễ trao giải Cánh diều vàng 2009: Phim nào đoạt giải?

Vũ Long| 14/03/2010 07:44

(HNM) - Vào hồi 20 giờ tối nay (14-3), lễ trao Giải Cánh Diều Vàng 2009, giải thưởng hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa LĐ - Hữu nghị Việt - Xô và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 cùng với chương trình ca nhạc gồm các ca khúc trong phim mang tên "Nửa thế kỷ âm nhạc đồng hành cùng màn ảnh".

Năm nay là năm đầu tiên, Ngày Điện ảnh Việt Nam (15-3) được cơ quan có thẩm quyền chính thức công nhận nên lễ trao giải là trọng tâm của sự kiện này. Tuy có nhiều hoạt động phong phú nhưng ngày vui chỉ thực sự vui khi có nhiều phim để xem và kết quả giải thưởng khiến người trong nghề và khán giả "tâm phục, khẩu phục".

Cảnh trong phim Chơi vơi.

91 tác phẩm và công trình nghiên cứu tranh Giải Cánh Diều Vàng 2009, trong đó có 8 phim truyện nhựa (Đừng đốt, Chơi vơi, Không cân sức, Bẫy rồng, Được sống, Những nụ hôn rực rỡ, Công chúa “teen” và ngũ hổ tướng, 14 ngày phép), 5 phim tài liệu nhựa, 36 phim tài liệu video, 11 phim khoa học video, 12 phim truyền hình dài tập, 6 phim truyền hình ngắn tập, 10 phim hoạt hình 2D, 3D và 3 công trình nghiên cứu. Hạng mục được quan tâm nhất - phim truyện nhựa, năm nay có 8 phim dự thi, nhiều hơn 2 phim so với năm 2008. Số phim truyện nhựa của hãng phim tư nhân và nhà nước bằng nhau chứ tư nhân không… lấn lướt như năm 2008. Tăng hai phim hoạt hình so với năm 2008 cũng là tín hiệu đáng mừng cho thể loại vốn hiếm hoi này. Năm nay không có Giải báo chí bình chọn, theo giải thích của ông Nguyễn Văn Tân, Chánh Văn phòng Hội Điện ảnh: LHP 16 vừa có giải thưởng này nên giải thưởng của Hội phải khác. Bù lại, thêm Giải Diễn viên triển vọng và mở rộng một số giải thưởng cá nhân dành cho thể loại phim truyền hình dài, ngắn tập. Vì vậy, năm nay sẽ lại có “cơn mưa” giải thưởng…

Thể thức chấm không khác trước: Hội đồng Giám khảo gồm 9 thành viên bỏ phiếu kín rồi lấy điểm trung bình. Tác phẩm nào đạt số điểm từ 9,1 trở lên mới đoạt Cánh Diều Vàng. Với quy định như vậy và mặt bằng chất lượng phim truyện nhựa tranh giải thì phim có được Giải Bông Sen Vàng trong LHP 16 vừa rồi cũng chưa chắc đã ăn giải. Khi mà thành phần ban giám khảo được giấu kín đến phút chót lại càng khó dự đoán phần thưởng sẽ thuộc về phim nào. Về giải cá nhân có thể “khoanh vùng” các ứng viên, như: Ngô Thanh Vân (Bẫy rồng), Đỗ Hải Yến, Phạm Linh Đan (Chơi vơi)… ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất; Johnny Trí Nguyễn (Bẫy rồng), Thạch Kim Long (Đừng đốt)… ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất; Nguyễn Mạnh Tuấn (Không cân sức), Đặng Nhật Minh (Đừng đốt)… ở hạng mục Biên kịch xuất sắc nhất…; Bùi Thạc Chuyên (Chơi vơi), Đặng Nhật Minh (Đừng đốt)… ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các vị trưởng ban giám khảo đã công bố thì có thể yên tâm phần nào. Họ là nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ (phim truyện nhựa); đạo diễn, NSƯT, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải (phim tài liệu và khoa học); đạo diễn, NSND, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Khải Hưng (phim truyền hình dài tập); PGS-TS, nhà biên kịch Trần Thanh Hiệp (phim truyền hình ngắn tập); đạo diễn, NSƯT Minh Trí (phim hoạt hình); TS, nhà lý luận phê bình Ngô Phương Lan (công trình nghiên cứu). Ông Nguyễn Hồ, nguyên Giám đốc Hãng Phim truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) từng nhiều năm giữ cương vị Trưởng ban Giám khảo thể loại phim truyện tại các liên hoan truyền hình toàn quốc là người có uy tín. Tin rằng, ông cùng với các vị giám khảo khác sẽ khách quan và công tâm khi “cầm cân nảy mực” để ít hơn những tiếng ì xèo sau giải thưởng. Hy vọng, giải thưởng không lặp lại “kịch bản” LHP vừa rồi. Cũng cần nói thêm, bên cạnh nỗ lực của các hội đồng giám khảo thì Ban tổ chức phải độc lập với kết quả giải thưởng, tránh để xảy ra tình trạng kết quả do giám khảo chấm một đằng nhưng Ban tổ chức công bố một nẻo, gây phản ứng của chính những người chấm giải, như có lần Giải Cánh diều mắc phải.

Không chỉ chuyện Cánh diều nhiều năm liền bỏ trống giải Vàng mà nỗi buồn cũ hơn cả mỗi khi có dịp nhìn lại bộ mặt điện ảnh trong một năm là số lượng phim truyện nhựa sản xuất mỗi năm còn quá ít. Dù không phải tất cả các phim “ra lò” trong thời gian quy định đều tranh giải nhưng cả chục năm nay, dường như chưa năm nào số đầu phim truyện nhựa vượt qua con số 10. Một đất nước 86 triệu dân nhưng 365 ngày chỉ quanh đi quẩn lại với chưa đầy 10 bộ phim sản xuất trong nước thì dĩ nhiên khán giả đi xem phim ngoại là chính. Chưa nói đến chất lượng phim thế nào, mà hầu hết phim làm ra chỉ nhằm đến mùa phim Tết và cái gọi là thị trường điện ảnh Việt Nam cũng chỉ tập trung vào mùa này. Phim thì mới mà nỗi buồn vẫn cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước lễ trao giải Cánh diều vàng 2009: Phim nào đoạt giải?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.