(HNM) - LTS: Hơn một tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 17-3-1930, Đảng bộ Hà Nội được thành lập. 85 năm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ Thủ đô không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân Hà Nội giành nhiều thắng lợi, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng ta, dân tộc ta.
Hướng tới Đại hội XVI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, Báo Hànộimới mở chuyên mục "Từ đại hội tới đại hội", ôn lại chặng đường vẻ vang của Đảng bộ Thủ đô từ khi được thành lập và qua 15 kỳ đại hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ thành phố, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Ảnh: Nam Khánh |
Đảng bộ Hà Nội đã trải qua quá trình vận động, xây dựng và phát triển đầy khó khăn, thử thách suốt gần ba thập kỷ trước khi tổ chức Đại hội lần thứ nhất năm 1959. Sau ngày thành lập (tháng 3-1930), trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc và khủng bố ác liệt của kẻ thù, tổ chức Đảng bộ Thủ đô phải lập đi, lập lại nhiều lần. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Đảng bộ Hà Nội với những đảng viên trung kiên, anh dũng luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, kiên trì xây dựng lực lượng, phát triển phong trào, kịp thời chớp thời cơ, lãnh đạo nhân dân Hà Nội cùng cả nước vùng dậy làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến năm 1959, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng phù hợp với từng giai đoạn, Đảng bộ Hà Nội nhiều lần thay đổi về tên gọi, quy mô tổ chức. Thời kỳ này cũng cho thấy sự gắn bó mật thiết giữa Hà Nội với Hà Đông, Sơn Tây - hai đảng bộ hợp nhất thành Đảng bộ tỉnh Hà Tây (cũ)…
Tháng 11-1946, Trung ương Đảng chia cả nước thành 12 chiến khu. Hà Nội là chiến khu XI. Khu XI được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Bí thư Khu ủy, đồng chí Lê Quang Đạo làm Phó Bí thư. Tháng 9-1947, Khu ủy XI quyết định lập lại Thành ủy Hà Nội để thúc đẩy việc xây dựng cơ sở trong lòng Hà Nội. Thành ủy Hà Nội do đồng chí Đào Văn An (Nguyễn Văn Đào) làm Bí thư. Ngày 20-11-1947, theo Nghị quyết Hội nghị Thành ủy, đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Bí thư Khu ủy XI được cử làm Bí thư Thành ủy, thay đồng chí Đào Văn An nhận công tác khác. Lúc đó, toàn Đảng bộ có 1.278 đảng viên ở 151 chi bộ. Ngày 10-5-1948, Liên Tỉnh ủy Lưỡng Hà (Hà Nội và Hà Đông) được thành lập do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư. Tháng 7-1948, Đại hội đại biểu Lưỡng Hà bầu Liên Tỉnh ủy chính thức do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư.
Ngày 1-10-1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị tách Hà Nội ra khỏi Lưỡng Hà để có điều kiện tập trung lãnh đạo kháng chiến của Hà Nội. Ngày 20-11-1948, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội chính thức lập lại; đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục làm Bí thư. Đến tháng 2-1949, đồng chí Lê Quang Đạo nhận công tác khác, đồng chí Ngô Ngọc Du được cử làm Bí thư. Từ tháng 1-1949, trong thời kỳ "chuẩn bị chiến trường, tiến tới tổng phản công", Đảng bộ Hà Nội được gọi là Đặc khu ủy Hà Nội. Tháng 6-1949, đồng chí Trần Quốc Hoàn được chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội. Đến tháng 3-1950, toàn thành phố có 3.138 đảng viên. Đầu năm 1951, Đặc khu ủy Hà Nội trở lại với tên gọi Thành ủy Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn tiếp tục làm Bí thư. Khi đó, tổ chức Đảng ở nội thành còn 18 chi bộ với 208 đảng viên, ngoại thành còn trên dưới 20 ủy viên giữ được liên lạc. Tháng 8-1952, đồng chí Lê Thanh Nghị, Bí thư Liên khu III kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Trần Quốc Hoàn.
Cuối tháng 8-1954, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội được Trung ương bổ sung thêm cán bộ và chuyển thành Đảng ủy tiếp quản, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Đảng ủy tiếp quản gồm các đồng chí: Trần Danh Tuyên, Vương Thừa Vũ, Lê Quốc Thân, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng, Lê Trung Toản, Trần Vỹ, Trần Sâm, Nguyễn Tài, Quang Nghĩa, do đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư. Ngày 10-10-1954, công cuộc tiếp quản Thủ đô thắng lợi trọn vẹn. Đầu tháng 11-1954, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương chuyển công tác khác. Đồng chí Trần Danh Tuyên được cử làm Bí thư Thành ủy.
l Đảng bộ tỉnh Hà Đông được thành lập tháng 11-1938 tại làng Vạn Phúc, huyện Hoài Đức nay là quận Hà Đông. Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 5 ủy viên; đồng chí Dương Nhật Đại (còn gọi là Trần Thạch Can) là Bí thư Tỉnh ủy. Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông từ cuối năm 1938 đến giữa 1947 lần lượt là các đồng chí: Dương Nhật Đại; Nguyễn Hữu Hiệt; Dương Nhật Đại; Phan Trọng Tuệ; Nguyễn Thị Câu; Lê Thị Ban; Nguyễn Chương; Bạch Thành Phong; Nguyễn Thọ Chân; Trần Thị Minh Châu; Văn Tiến Dũng; Trần Tử Bình; Nguyễn Văn Lộc; Nguyễn Văn Ái (tức Kính); Bùi Quang Tạo; Đỗ Mười; Vũ Oanh; Nguyễn Vịnh.
l Đảng bộ tỉnh Sơn Tây được thành lập tháng 10-1940, tại Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khi đó gồm 5 ủy viên; đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư Tỉnh ủy. Sau vụ khủng bố tháng 2-1941 ở Trạch - Mỹ - Lộc, Đảng bộ tỉnh Sơn Tây chỉ còn lại chi bộ Đa Phúc không đủ điều kiện duy trì ban tỉnh ủy nên đã chuyển thành ban cán sự. Tháng 4-1942, chi bộ Đa Phúc lại bị khủng bố; phong trào tỉnh Sơn Tây tạm lắng.
Sau ngày 9-3-1945, với sự tăng cường cán bộ của Xứ ủy, Ban Cán sự Đảng tỉnh Sơn Tây được tái lập. Từ khi thành lập đến trước Đại hội lần thứ nhất năm 1948, Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây lần lượt là các đồng chí: Phan Trọng Tuệ; Đào Như Hương (Trần Văn Hiển); Phan Trọng Quang; Lê Quang Hòa; Bùi Quang Tạo; Hoàng Bá Sơn; Lê Thành Công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.