(HNM) - Vàng không phải là tiền. Quan điểm của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke vừa đưa ra như để hạ nhiệt cơn sốt mới của giá vàng những ngày qua không sai. Tuy nhiên, điều đó không đủ trấn an giới đầu tư để thứ kim loại đầy ma lực này giảm sức nóng ở khắp nơi trên thế giới.
Nền kinh tế chưa phục hồi, nạn thất nghiệp chưa được cải thiện, cùng nguy cơ vỡ nợ của Mỹ là nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng thế giới tăng. |
Từ các quỹ tín thác, ngân hàng trung ương đến các nhà đầu tư, thậm chí cả những cá nhân bỗng có nhu cầu sở hữu vàng tăng đột biến đã khẳng định truyền thống "kim bản vị" của thứ kim loại này như một công cụ tin cậy nhất trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị ám ảnh không chỉ bởi nợ nần của châu Âu mà còn là nguy cơ vỡ nợ từ Mỹ. Nếu như sự lây lan của "đại dịch" nợ tại Lục địa già với con nợ nguy hiểm vừa lộ diện mang tên Italia là một lực đẩy tiềm tàng cho giá vàng thì cuộc tranh cãi tại nước Mỹ trước nguy cơ xứ Cờ hoa vỡ nợ đã trở thành lực hấp dẫn thực sự với thị trường vàng toàn cầu. Kể từ mức đóng cửa 1.482,60 USD/ounce vào ngày 1-7, sau hơn nửa tháng thăng trầm, giá vàng đã cộng thêm tới 110,78 USD/ounce khi chốt tuần qua ở mức 1.593,38 USD/ounce.
Đà tăng 10 phiên không nghỉ của giá vàng được kích hoạt khi giới đầu tư nhận được tin tức mà họ ngờ là một chỉ dấu FED sẽ lại áp dụng Chương trình nới lỏng định lượng (QE) - công cụ cơ bản để các ngân hàng trung ương kiểm soát nguồn cung tiền và lãi suất - lần thứ 3 để bơm tiền kích thích sức khỏe nền kinh tế vẫn đang quá yếu ớt từ nền kinh tế số 1 thế giới. Doanh số bán lẻ tăng nhưng giá trị sản xuất giảm mạnh nhất từ tháng 2-2010, niềm tin tiêu dùng Mỹ vừa trôi ngược lại ngưỡng đáy của hai năm trước do thất nghiệp tiếp tục tăng và giá nhà giảm. Điều này khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa thoát khỏi ranh giới mong manh giữa hồi phục và suy thoái. Dù chưa có một đánh giá đầy đủ nào được công bố, nhưng chừng đó cũng đủ thấy, 600 tỷ USD của gói hỗ trợ kinh tế thứ hai (QE2) của Mỹ đã không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Như một logic, luồng tiền đã đổ vào vàng khiến giá kim loại màu này tăng vọt khi thị trường đặt khả năng Washington sẽ lại sử dụng một gói kích thích kinh tế kiểu Mỹ lần ba khiến đồng USD mất giá và lạm phát lại tăng.
Trong khi những người lạc quan chỉ trích sự nhạy cảm của nhiều nhà đầu tư là chưa thấy bóng dáng của QE3 đã hoảng sợ thì không ai dám phủ nhận nước Mỹ sẽ không cứu nền tài chính của chính họ như một thước đo tài chính toàn cầu. Hết hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo việc hạ bậc của Mỹ, Standard & Poor (S&P) cũng vừa lên tiếng sẽ đưa tín dụng Mỹ vào "tầm ngắm" khi các thành viên hai đảng sau cả tuần tranh cãi vẫn chưa đạt được đồng thuận về nâng mức trần nợ của nước này. Đây là nhân tố được xem là "thủ phạm" kích hoạt nhu cầu giữ tài sản bằng vàng trên phạm vi toàn cầu giữa lúc Nhà Trắng và Quốc hội tranh cãi về cuộc giải cứu ngân sách khi hạn chót khiến nước Mỹ vỡ nợ (2-8) không còn xa. Chuỗi tăng giá dài nhất của vàng kể từ tháng 11-2009 đến nay nhờ đó được tạo lập với nỗi sợ hãi có thật của nhà đầu tư.
Do đó, cuộc bứt phá của giá vàng được cho là vẫn còn rất cao, chừng nào những nhiễu động kinh tế ở hai bờ Đại Tây Dương chưa được giải tỏa. Thế nhưng, cũng vì thế mà bước điều chỉnh của vàng sẽ mạnh tương ứng một khi mọi thứ trở về trật tự cần thiết. Tức là nước Mỹ ra tay kịp thời và không để cơn bão nợ nổ ra. Trước mắt, nếu thông tin Mỹ sẽ chưa tung QE3 như tuyên bố của Chủ tịch B.Bernanke được khẳng định, diễn biến cực kỳ bất ổn của thị trường kim loại quý thời gian qua sẽ chịu sức ép rất lớn. Mặc dù vậy, về lâu dài, một không gian kinh tế quá rộng với nhiều rủi ro vẫn ủng hộ cho sự thống trị của vàng trong hệ thống tài chính toàn cầu. Tin tức quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã mua vào đến gần 31 tấn vàng trong khi chỉ bán ra chưa đầy 3 tấn trong tuần trước đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư lắm tiền vào sự an toàn của vàng trong thời điểm cơn bão dữ vỡ nợ từ Mỹ đã ở ngay phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.