Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung thu cho những mảnh đời bất hạnh

Văn Ngọc Thủy| 29/09/2012 06:58

(HNM) - Từ đầu tháng 9 dương lịch, vào mỗi ngày nghỉ cuối tuần, Cô nhi viện Thánh An thuộc tòa thánh Bùi Chu, xã Xuân Ngọc, Xuân Trường, Nam Định lại rộn ràng bước chân, tiếng cười nói của những đoàn khách thiện nguyện thập phương tìm về.

Một mùa Trung thu đầy ý nghĩa

Từ đầu mùa Trung thu năm nay, trên trang web của Câu lạc bộ Ước mơ xanh - Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội đã xuất hiện những dòng chia sẻ cảm động: "Thu sang làm xốn xang bao lòng con trẻ. Thoảng trong làn gió nhẹ phảng phất mùi hương ổi, hương cốm; quán xá đâu đó đã bày lên kệ những chiếc bánh tròn như mặt trăng thuần khiết, chẳng bao lâu nữa Tết Trung thu, ngày Tết của con trẻ đã tới. Nhưng, đâu đó xung quanh ta vẫn còn đang hiện hữu nỗi vất vả, khốn khó của những đứa trẻ nghèo, nỗi buồn đau của những trẻ khuyết tật và nỗi cô đơn của những trẻ mồ côi, không gia đình…".

Tình nguyện viên CLB Ước mơ xanh Hà Nội dạy các em nhỏ làm đèn ông sao.


Sáng chủ nhật ngày 23-9-2012, chuyến xe chở hơn 50 thành viên bao gồm những hội viên Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội, các bạn sinh viên, tình nguyện viên cùng những túi quà Trung thu và rất nhiều tình yêu thương, sự chia sẻ đã đến với 80 em nhỏ mồ côi, khuyết tật ở Cô nhi viện Thánh An. Đặc biệt trên xe còn có ba em nhỏ đang học ở các trường tiểu học trong thành phố cũng háo hức theo bố mẹ đến thăm các bạn nhỏ kém may mắn hơn mình…

Trọn vẹn một ngày trong Cô nhi viện Thánh An, các bạn trẻ không chỉ tự mang bánh mì, cơm nắm cho mình mà còn đem theo rất nhiều nguyên liệu để làm đồ chơi cho các em nhỏ. Thanh tre, giấy màu xanh đỏ, hồ dán, dây kim tuyến lóng lánh… cùng bàn tay khéo léo của các tình nguyện viên chỉ trong chốc lát, những chiếc đèn kéo quân, đèn lồng sặc sỡ hay những chiếc trống cầm tay xinh xắn đã hoàn thiện khiến các em nhỏ vô cùng thích thú. Nhiều em sà vào nhờ các anh chị dạy mình làm. Những bàn tay tàn tật lóng ngóng, ngượng nghịu không ngăn nổi ánh mắt say mê, vui sướng của các em khi ngắm nhìn thành quả của mình. Thậm chí đã đến giờ ăn trưa, khi các sơ nhắc nhở mấy lần các em mới miễn cưỡng đứng dậy.

Buổi chiều, các tiết mục kịch nói, hát múa sôi nổi càng khiến các em nhỏ thích thú. Có em không hề ngượng nghịu, chạy hẳn lên sân khấu hát cùng các anh chị. Những em khác ngồi dưới thì liên tục vỗ tay, có em ngồi xe lăn còn cố điều khiển xe áp sát sân khấu, ngay cạnh chiếc loa, sơ chăm sóc nói thế nào cũng không chịu quay về chỗ…

Những bà mẹ chưa một lần sinh nở

Cô nhi viện Thánh An nằm trong khuôn viên nhà thờ chính tòa Bùi Chu, được thành lập từ năm 1852 với mục đích đón nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật bị bỏ rơi từ 12 tuổi trở xuống, không phân biệt tôn giáo. Từ khi thành lập đến nay, tròn 160 năm qua, cô nhi viện đã đón nhận và nuôi dưỡng hàng ngàn em nhỏ bất hạnh. Hiện nay có 40 bà mẹ thiện nguyện (các em thường gọi là sơ) đang chăm sóc 80 trẻ, trong đó hầu hết là trẻ khuyết tật bẩm sinh, nhiều em bị liệt toàn thân, bại não, thiểu năng trí tuệ…

Ngăn nắp, sạch sẽ và rất yên bình, đó là cảm nhận chung của bất cứ ai lần đầu bước chân vào Cô nhi viện Thánh An. Cô nhi viện không xây tường rào, cũng không hề có cổng, chỉ có một tấm biển xinh xắn trên lối đi như nhắn nhủ một thông điệp: Ở nơi này lòng nhân ái luôn được chào đón, sự sẻ chia là không có giới hạn! Và mọi toan tính, nhỏ nhen xin hãy gác lại sau mỗi ô cửa màu xanh lục, nơi mỗi tối tiếng trẻ nhỏ ê a học bài, đọc giáo lý và cả những tiếng khóc non nớt thèm một vòng tay ôm, một lời ru nâng những giấc mơ…

40 bà mẹ thiện nguyện đều là những người chưa một lần sinh nở, không lập gia đình, họ tự nguyện vào đây khi tuổi đời còn rất trẻ, chăm sóc các em không kể ngày đêm mà chưa bao giờ nhận về cho mình bất kỳ điều gì. Như mẹ Cúc đã sống ở đây từ năm 13 tuổi, năm nay cũng đã bước sang tuổi 60. Hay mẹ H (không muốn phóng viên nêu tên) tìm đến đây khi mới 22 tuổi - lứa tuổi đẹp nhất của đời người phụ nữ. Mẹ bảo, không hiểu sao lần đầu tiên đến cô nhi viện thăm các em, về nhà mẹ không muốn lập gia đình riêng, cho dù anh chị em, bố mẹ ra sức khuyên nhủ. Đến đây khi tóc còn xanh, giờ mái đầu đã lốm đốm sợi bạc, mẹ H chỉ tâm niệm, các con thiệt thòi quá, mình chỉ mong đủ yêu thương để bù đắp phần nào cho những số phận kém may mắn, làm ấm lại những mảnh đời quá bất hạnh.

Một ngày làm việc của các mẹ là từ sáng sớm đến tối mịt, không phân biệt ngày lễ hay thường nhật, nắng hay mưa. Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã vất vả, với những em bị thần kinh, bại não, liệt toàn thân quả là khó khăn bội phần. Nhiều em mắc bệnh down dù đã lớn nhưng không tự mình làm được việc nhỏ nhất, có khi còn la hét, chạy nhảy lung tung hoặc phá phách đồ đạc, xé quần áo, nhưng các mẹ không nỡ mắng mà chỉ cặm cụi lau dọn, thay quần áo cho… Hàng trăm thứ việc không tên khiến các mẹ bận rộn luôn tay. Ban ngày lo nấu cơm, giặt giũ quần áo, soạn sách vở cho các em đến trường; nấu cháo, quấy bột, dỗ dành những em nhỏ, có em mới vài ngày tuổi; chiều đưa các em đến thánh đường cầu nguyện, tối dạy các em học bài. Đêm xuống, khi các em đã yên giấc, các mẹ vẫn phải trở dậy nhiều lần để kéo chăn giữ ấm, vén màn, cho các em nhỏ uống sữa, vỗ về những bé vừa giật mình khóc.

Ngoài công việc chính là chăm sóc các em, các mẹ vẫn còn cấy hai mẫu rưỡi ruộng, trồng một vườn rau lớn, nuôi ngỗng, nuôi lợn, làm chiếu, may quần áo, bán hàng lưu niệm… việc gì cũng làm, miễn là mỗi bữa lo cho các con được lưng cơm trắng có miếng cá kho, bát canh rau. Được sự bảo trợ của tòa thánh Bùi Chu nhưng nguồn sống chủ yếu của Cô nhi viện Thánh An vẫn dựa vào lòng hảo tâm của cộng đồng và thành quả lao động cùng sự chi tiêu tằn tiện của các mẹ. Chị Phạm Thị Tươi, văn phòng cô nhi viện cho biết, mấy năm gần đây, nhờ lòng hảo tâm của cộng đồng và chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, cuộc sống của các em đã được cải thiện rất nhiều. Các em có quần áo mới theo mùa, ngày lễ tết được nhận quà, được miễn toàn bộ học phí, nhiều đoàn từ thiện đã về chữa bệnh miễn phí cho các em…

Chiều về trên giáo đường, tiếng chuông ngân vang nghe ấm áp lạ thường… Nụ cười hồn nhiên, tươi sáng trên những thân thể tật nguyền khiến không ai nỡ rời bước và mong rằng sẽ có thêm nhiều những tấm lòng hảo tâm góp phần vơi bớt thiệt thòi cho những em nhỏ kém may mắn và làm ấm lòng những người mẹ thiện nguyện đang hằng ngày, hằng giờ quên bản thân mình để chăm sóc, yêu thương các em.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung thu cho những mảnh đời bất hạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.