(HNM) - Làm thế nào để vận hành các trung tâm văn hóa - thể thao đạt hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân lại là câu chuyện liên quan đến nghịch lý thừa - thiếu...
Tập luyện bóng chuyền hơi tại Trung tâm văn hóa - thể thao xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). |
Thừa, thiếu ở các trung tâm
Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) xã Đa Tốn rộng 18.000m2. Xã này là một trong hai địa phương được đầu tư xây dựng trung tâm VH-TT của huyện Gia Lâm. Đến nay, giai đoạn một đầu tư xây dựng trung tâm đã hoàn tất, gồm khu nhà tập luyện kết hợp hội trường, cùng hệ thống phòng chức năng. Hiện tại, câu lạc bộ cầu lông dù chỉ có một sân, nhưng mỗi ngày cũng thu hút 40-50 người trong xã tập luyện và sân bóng chuyền hơi có khoảng 30 người thường xuyên tập luyện. Trong tháng 11 này, với việc tiếp tục khai trương phòng tập gym, trung tâm có thêm nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng, phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân.
Tuy nhiên, nếu thiết kế phù hợp với thực tế hơn, thì trung tâm còn phát huy công năng hơn nữa. Do các phòng chức năng nhỏ hẹp, việc tổ chức tập luyện nhiều môn thể thao hay việc thu hút các nhà đầu tư đều gặp khó khăn. Hiện, hội trường của trung tâm chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu bàn ghế cũng như diện tích không đáp ứng yêu cầu. Vị trí của của khu nhà tập luyện, hội trường lại ở gần như giữa khuôn viên, các khu đất trồng cây cảnh không được bố trí hợp lý, làm cho không gian sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục, thể thao bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, Đại hội TDTT xã Đa Tốn năm 2017 không thể diễn ra tại đây, mà vẫn phải tổ chức ở trường THCS của xã. Ông Nguyễn Văn Điền, bảo vệ Trung tâm VH-TT Đa Tốn cho biết, do khu tập luyện chật hẹp nên hằng ngày người chơi cầu lông phải xếp hàng chờ nhau. Chỉ lên sân khấu ở hội trường, ông Điền cho biết thêm: “Từ ngày trung tâm đưa vào sử dụng, chưa có hoạt động nào diễn ra trên sân khấu này…”.
Còn Trung tâm VH-TT phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) chỉ rộng 3.500m2, quá nhỏ hẹp so với nhu cầu. Ông Đào Đăng Quyết, cán bộ văn hóa phường cho hay, sự ra đời của Trung tâm VH-TT phường đã giải quyết đáng kể nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại địa phương. Nhiều hoạt động văn hóa, xã hội lớn của phường được tổ chức ở trung tâm VH-TT này. Hằng ngày, khu tập luyện trong nhà kết hợp với làm hội trường đều có các câu lạc bộ gym, yoga, aerobic, bóng bàn… sinh hoạt. Ngoài sân, thường xuyên có khoảng 30 người của các đội bóng chuyền hơi tập luyện. Theo ông Đào Đăng Quyết, tới đây, một số dự án nhà ở được đưa vào sử dụng, dân số ở Trung Văn tăng lên, nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại Trung tâm sẽ tăng hơn. Chính quyền phường và Ban Chủ nhiệm trung tâm đang đề nghị với cấp trên đầu tư thêm các thiết bị tập luyện thể thao ngoài trời để thu hút thêm người dân tham gia.
Câu chuyện ở phường Trung Văn và xã Đa Tốn phần nào phác họa bức tranh về hoạt động của các trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn hiện nay trên địa bàn Hà Nội: Nơi có đất thì thiếu dụng cụ; nơi có dụng cụ thì lại thiếu đất…
Chú trọng yếu tố vận hành
Khuôn viên nhà tập luyện cầu lông Trung tâm văn hóa - thể thao xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. |
Theo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô có gần 120 trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, một số địa phương đang tiến hành xây dựng trung tâm VH-TT để đáp ứng tiêu chí của nông thôn mới. Các quận còn quỹ đất cũng đang đầu tư xây dựng trung tâm VH-TT cấp phường. Quận Nam Từ Liêm đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng trung tâm VH-TT các phường trên địa bàn vào năm 2020. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Nam Từ Liêm, các trung tâm VH-TT ra đời sẽ đáp ứng đáng kể nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa của nhân dân…
Song, trên thực tế, việc duy trì hoạt động của các trung tâm VH-TT xã gặp khó khăn hơn so với các phường, nên cần cân nhắc khi đầu tư, trong đó phải tính đến yếu tố địa lý, dân cư trên địa bàn, khả năng xã hội hóa để vận hành. Các xã thường có diện tích lớn, nhiều thôn xa trung tâm, khó có thể thu hút người dân đến sinh hoạt thường xuyên... Hơn nữa, hiện tại các thôn đều có nhà văn hóa, người dân càng ít đến nhà văn hóa hay các trung tâm VH-TT của xã. Đặc biệt, kinh phí để vận hành đang là vấn đề nan giải. Ngay như ở Trung tâm VH-TT xã Đa Tốn, có đến hàng chục tay đấm cửa các phòng chức năng đã bị hỏng nhưng không thể thay thế do không có kinh phí.
Chính vì vậy, trong “Đề án hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở” do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đang trình UBND thành phố phê duyệt có đề cập đến việc đầu tư các trung tâm VH-TT cấp xã. Chẳng hạn, trường hợp những xã ít dân cư, kinh tế chưa phát triển thì chưa cần thiết phải đầu tư trung tâm VH-TT; còn với các xã đông dân, kinh tế phát triển, nhà văn hóa thôn không thể đáp ứng yêu cầu tập luyện, thi đấu các môn thể thao, tổ chức các kỳ cuộc văn hóa, thể thao lớn, mà chỉ trung tâm VH-TT mới đáp ứng yêu cầu thì xem xét. Bởi lẽ, kinh phí đầu tư cho trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn thực sự đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất rất lớn, ước tính 20 tỷ đồng một trung tâm.
Ông Phạm Thành Tuyên, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) cho rằng, hoạt động của nhiều trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn, nhất là ở các xã vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Nguyên nhân của tình trạng này, chủ yếu do thiếu trang thiết bị, dụng cụ cần thiết và cơ chế để duy trì hoạt động… Chỉ khi nào giải được bài toán về cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn kinh phí để tái đầu tư thì mới mong các trung tâm VH-TT xã, phường, thị trấn phát huy tác dụng, đáp ứng kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.