Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc xóa bỏ nỗi ám ảnh đeo đẳng với thể thao

Mai Chi| 20/07/2016 16:31

(HNMO) - Ấn tượng về VĐV nhí của họ thường là hình ảnh các cô bé, cậu bé vừa khóc vừa tập những động tác uốn dẻo, sống xa nhà dưới sự huấn luyện khắc nghiệt, tất cả chỉ với mục đích giành được tấm HCV Olympic.


Đối với Lucy Huang, 8 tuổi, một cô bé có gương mặt bầu bĩnh, vui vẻ và thích trò chuyện, những hoạt động này thực sự là một thú vui. Cha mẹ cô bé lại có mục tiêu hết sức giản dị cho con mình: Họ hi vọng những bài học này sẽ giúp Lucy giữ sức khỏe, tăng khả năng giữ thăng bằng và phát triển trí não.

Đây có thể là cảnh tượng thường thấy tại các nước phương Tây, nhưng lại là một điều hiếm có ở Trung Quốc – nơi cha mẹ hầu như né tránh việc cho con cái tập thể dục. Ấn tượng về vận động viên (VĐV) nhí của họ thường là hình ảnh các cô bé, cậu bé vừa khóc vừa tập những động tác uốn dẻo, sống xa nhà dưới sự huấn luyện khắc nghiệt, tất cả chỉ với mục đích giành được tấm huy chương vàng (HCV) Olympic.

Mùa hè này, các VĐV Trung Quốc – chủ yếu trưởng thành và luyện tập trong hệ thống giáo dục thể thao kiểu cũ – đang dồn toàn lực để chinh phục thế giới với những màn trình diễn tại Rio de Janeiro. Tuy nhiên, ngay tại quê nhà họ, nỗ lực mạnh mẽ nhất hiện nay lại là việc khôi phục lại hệ thống giáo dục thể thao kiểu cũ với khó khăn lớn nhất là tuyển chọn thế hệ học viên tiếp theo. Nếu không kịp thay đổi, Trung Quốc sẽ dần mất đi vị thế cường quốc thể thao của mình.


Được thành lập vào những năm 1950, hệ thống đào tạo thể thao tại Trung Quốc đã hoạt động một cách cực kỳ hiệu quả và tiết kiệm bằng việc tập trung tất cả các VĐV tiềm năng.

Quản lý đội thể dục dụng cụ Trung Quốc tại Rio cho biết: “Khi đất nước không có đủ nguồn lực để phổ biến các môn thể thao, và khi các gia đình vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống, cách duy nhất để đào tạo các VĐV hàng đầu là tập trung những nguồn tài nguyên sẵn có”.

Trong một thời gian dài, biện pháp này tỏ ra khá hiệu quả. Hệ thống đào tạo thể thao đã đưa Trung Quốc lên vị trí đứng đầu bảng tổng sắp huy chương tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 với 51 HCV. Bốn năm sau, Trung Quốc lại giành được 38 HCV tại London, chỉ xếp sau cường quốc thể thao Mỹ.

Chính quyền địa phương sẽ tìm kiếm những tài năng có triển vọng khi còn rất nhỏ, thường là ở độ tuổi mầm non. Những đứa trẻ bị tách khỏi gia đình, tập trung trong các trường thể thao và trải qua một chương trình đào tạo nghiêm ngặt nhằm mục đích duy nhất là giành chiến thắng tại các giải đấu thế giới hoặc HCV Olympic.

Các VĐV trẻ phải trải qua vòng loại trừ khi bước lên đội tuyển thành phố, đội tuyển tỉnh và cuối cùng là đội tuyển quốc gia. Ngoài bục cao nhất tại Olympic, tất cả các thành tích khác đều bị coi là sự thất bại.

Cheng Liang, cựu VĐV thể dục nghệ thuật quốc gia, nhớ lại: “Con đường phía trước vô cùng chật hẹp”. Do chấn thương, Chen đã phải bỏ cuộc ngay trước thềm Atlanta Games 1996.

Chưa đến 1% các VĐV đạt tới đỉnh cao và có được danh vọng cũng như tiền tài. Nhóm thiểu số này trở thành niềm tự hào của gia đình, vị anh hùng dân tộc và xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, phần lớn những người còn lại bị gạt ra khỏi cuộc chơi và bị ném vào một xã hội phức tạp mà chưa được chuẩn bị đầy đủ kỹ năng và học vấn.

“Luyện tập thể thao luôn là ưu tiên hàng đầu thay vì học kiến thức”, Cheng cho biết.

Các gia đình Trung Quốc, đặc biệt là những gia đình nghèo tại nông thôn, sẵn sàng để con em mình tới các trường thể thao bởi toàn bộ kinh phí đã được tài trợ và các VĐV trẻ bị loại vẫn có cơ hội làm việc trong nền kinh tế nhà nước.

Nhưng sau nhiều thập kỷ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới. Cuộc sống trở nên khá giả hơn và những trường thể thao như vậy không còn đủ sức hấp dẫn. Cheng cho rằng phụ huynh ngày nay mong muốn con cái họ được tận hưởng một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác, chứ không phải là dành cả tuổi thơ luyện tập khổ cực.

Chỉ những người lạc quan nhất mới suy nghĩ rằng một ngày nào đó, Lucy và những người bạn trong phòng thể thao tại Thượng Hải có thể đại diện cho Trung Quốc tham gia thi đấu cạnh tranh với các nước khác trên thế giới. Lý do khiến cô bé luyện tập là bởi đây là một môn thể thao đơn thuần chứ không phải một sự nghiệp.


Trong thập kỷ qua, ngày càng có nhiều lời chỉ trích nhằm vào hệ thống đào tạo nổi tiếng cứng nhắc và khắc nghiệt của chính phủ Trung Quốc. Khi nhìn vào hình mẫu của Mỹ và Nhật Bản, nhiều người tin rằng câu trả lời nằm ở việc quảng bá các môn thể thao.

Hiện tại, Bắc Kinh đã yêu cầu các hiệp hội bóng đá thoái vốn từ chính phủ và ban hành chính sách thúc đẩy các môn thể thao trong trường học. Quốc gia này cũng đã thương mại hóa bóng đá và bóng rổ thông qua các giải đấu và đạt được nhiều kết quả khả quan. Điền kinh và bơi lội cũng bắt đầu trở nên phổ biến hơn, đặc biệt với tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng tại Trung Quốc.

Thể dục dụng cụ lại đối mặt với một thách thức lớn hơn. Trong con mắt của cộng đồng, đây là một môn thể thao tinh hoa, khó khăn, mệt mỏi và có phần nguy hiểm. Việc phổ biến rộng rãi một môn thể thao như vậy không hề đơn giản. 

Chỉ có khoảng 7.000 VĐV thể dục dụng cụ tại Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ - với dân số chỉ bằng 25% Trung Quốc – có tới gần 150.000 VĐV ở nhiều cấp độ. Có một khoảng cách rất lớn về trình độ giữa đội tuyển quốc gia Trung Quốc và các đội tuyển cấp tỉnh. Đội tuyển quốc gia luôn phải chật vật để duy trì ở mức 10 VĐV xuất sắc nhất – con số tối thiểu để hi vọng có được thành công tại Olympic.

Khi sự nghiệp Olympic qua đi, Cheng chuyển tới Alberta, Canada vào năm 1998 và làm việc cho một câu lạc bộ thể dục. Tại đó, Cheng đã vô cùng sửng sốt với những gì mắt thấy tai nghe: Trẻ em ở mọi lứa tuổi, chiều cao, cân nặng, một số thậm chí còn béo phì và có phần chậm chạp, đều đang học các kỹ năng thể dục dụng cụ. Rõ ràng đây không phải là một môn thể thao đòi hỏi “tinh hoa” như họ vẫn tưởng. “Tôi thấy tất cả mọi người đều luyện tập nó như một môn thể thao cơ bản” - Cheng cho biết.


Cảm nhận được những thay đổi tại Trung Quốc, Cheng bắt đầu tìm kiếm cơ hội sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Đến năm 2012, Cheng thành lập câu lạc bộ thể dục tư nhân đầu tiên của Trung Quốc tại phía đông thành phố Thường Châu. Một chi nhánh mới cũng đã được mở vào cuối năm 2015 tại Thượng Hải với 300 thành viên đăng ký chỉ trong vòng 6 tháng. Chi phí cho mỗi học viên lên tới 2.000 USD/năm, nhưng các bậc phụ huynh có thu nhập khá đều nhận thấy đây là một sự đầu tư thích hợp cho con em mình.

Một phụ huynh chia sẻ: “Trong hệ thống giáo dục tại Trung Quốc, thể thao không hề quan trọng và trẻ em thường ít có cơ hội được tiếp cận, trừ khi chúng được định hướng để trở thành VĐV chuyên nghiệp. Tôi muốn con gái mình có những khoảng thời gian thực sự thoải mái. Nếu con bé có tài năng và sẵn sàng theo đuổi sự nghiệp của một VĐV chuyên nghiệp, tôi cũng sẽ sẵn lòng ủng hộ”.


Bốn năm sau khi câu lạc bộ thể dục của Cheng được thành lập, đã có thêm 35 phòng tập tư nhân trên khắp cả nước với sự hỗ trợ của chính quyền. Việc cải cách tại các trường thể thao của nhà nước cũng đang được đưa ra thảo luận với mục tiêu dần chuyển thành các trường giáo dục để các VĐV được đào tạo toàn diện hơn.

Nếu quá trình cải cách diễn ra thành công, con đường đi đến tấm HCV Olympic sẽ có một sự khác biệt lớn. Trung Quốc sẽ có những VĐV luyện tập vì đam mê và có niềm vui thực sự trong thi đấu, chứ không chỉ bởi đó là sứ mệnh mà quốc gia trao cho.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc xóa bỏ nỗi ám ảnh đeo đẳng với thể thao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.