Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc và “nỗi ám ảnh” với thể thao trước thềm Olympic 2016

Mai Chi| 19/05/2016 14:21

(HNMO) - Thể thao Trung Quốc đã đạt được những thành công rực rỡ, đánh dấu sự trở lại của quốc gia này với đấu trường Olympic vào năm 1980. Tuy nhiên, những bước tiến vượt bậc ấy đang có nguy cơ chững lại tại Rio de Janeiro trong ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra chưa đầy 3 tháng tới, mà nguyên nhân lại từ chính sự thịnh vượng của quốc gia này.


Thể thao Trung Quốc đã đạt được những thành công rực rỡ, đánh dấu sự trở lại của quốc gia này với đấu trường Olympic vào năm 1980. Đỉnh cao của chuỗi thành tích đáng nể là vị trí đứng đầu bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Bắc Kinh 2008 và vị trí thứ hai (sau Mỹ) tại London 4 năm sau đó.

Tuy nhiên, những bước tiến vượt bậc ấy đang có nguy cơ chững lại tại Rio de Janeiro trong ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh diễn ra chưa đầy 3 tháng tới, mà nguyên nhân lại từ chính sự thịnh vượng của quốc gia này.

Ngày càng ít các bậc phụ huynh sẵn sàng để con mình chịu đựng thời kỳ tập luyện gian khổ ngay từ khi chỉ mới năm, sáu tuổi. Số lượng học viên cũng theo đó giảm sút. Nhiều trường đã phải đóng cửa hoặc cải tổ phương thức hoạt động để thích ứng với tình hình mới.

Trong hai thập niên cuối thế kỷ 20, các trường dạy thể thao với mô hình tương tự như trung tâm Phương Đông có sức hấp dẫn rất lớn. Thời kỳ đó, khoản trợ cấp hào phóng cho học viên giúp ích rất nhiều đối với các gia đình nghèo khó.

Ngôi trường này cũng là cái nôi của nhiều vận động viên xuất sắc như nhà vô địch chạy vượt rào Chen Yanhao hay nữ cầu thủ bóng đá Xie Huilin.

Ngày nay, khi đời sống phần nào được cải thiện và xã hội chú trọng nhiều hơn tới giáo dục văn hóa, cha mẹ sẽ không sẵn lòng để con em mình theo đuổi thể thao nếu thành tích học tập tại trường của chúng tương đối tốt.

Chuẩn mực giáo dục


Những tranh cãi về tính thiết thực của hệ thống trường đào tạo thể thao bắt đầu nổ ra từ Olympic Bắc Kinh 2008, khi các lứa vận động viên kỳ cựu đã nghỉ hưu và kỳ vọng về trình độ giáo dục tại các tầng lớp trung lưu tăng lên đáng kể.

Thêm vào đó, những hệ quả từ chính sách một con và hệ thống giáo dục đề cao tính cạnh tranh gay gắt buộc học sinh Trung Quốc phải dành thời gian học gấp đôi mức trung bình cũng khiến các trường thể thao không còn được ưa chuộng như trước.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Trung Quốc đã ban hành một chính sách mới vào năm 2010, theo đó các trường thể thao phải nâng cao chất lượng giảng dạy và tăng cường hỗ trợ cho các vận động viên đã giải nghệ.

Tại Trung tâm Thể thao Phương Đông số 1, chất lượng giáo viên đang từng bước được cải thiện. Ban quản lý trung tâm cũng đã nới lỏng chính sách của mình bằng việc cho phép các học viên sống ngoài ký túc và học tập song song tại các trường khác, thay vì yêu cầu họ dành toàn bộ thời gian sống, rèn luyện và học tập trong khuôn viên trường như đã từng áp dụng suốt 40 năm qua.


Các trung tâm khác, như trường đào tạo vận động viên trẻ không chuyên Thượng Hải – Dương Phố, đã có nhiều biện pháp tiếp cận với học viên ngay từ lứa tuổi mẫu giáo bằng các hình thức thể thao phục vụ vui chơi giải trí sau giờ học. Một số trung tâm lại hướng tới mô hình đào tạo toàn diện cho các vận động viên để họ có đầy đủ kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau khi giải nghệ.

Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2012, trường thể thao Thượng Hải đã từ chối đào tạo các vận động viên không vượt qua kỳ thi kiến thức đầu vào với tuyên bố muốn sử dụng thể thao như một hình thức giáo dục chứ không nhằm mục đích thi đấu lấy thành tích.


Tư tưởng phổ biến hiện nay tại Trung Quốc là giáo dục và luyện tập thể thao là hai con đường hoàn toàn khác nhau. Trở thành nhà vô địch thế giới đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ việc học tập. Đây là một suy nghĩ sai lầm gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền thể thao nước này.

Theo một báo cáo đăng tải vào tháng 4 vừa qua trên tờ Nhật báo Thể thao Trung Quốc, số lượng học viên được đào tạo để trở thành vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp đã giảm gần 25% so với năm 1987. Điều này buộc các nhà đào tạo phải xem xét và thay đổi mô hình truyền thống.


Một cuộc điều tra của chính phủ vào tháng 3/2016 cho thấy rất nhiều trung tâm đào tạo tại 9 tỉnh và thành phố được khảo sát đã không dành đủ vốn đầu tư cho giáo dục văn hóa, đồng thời hầu như không có nỗ lực nào để cải thiện chất lượng giảng dạy.

Wan Linwen – một vận động viên wushu kỳ cựu tại tỉnh Sơn Tây – cho biết cải cách dù là nhỏ nhất cũng có ý nghĩa rất lớn đối với những người đang theo đuổi niềm đam mê thể thao. Trước khi giải nghệ vào năm 2009, Linwen từng dành hầu như toàn bộ thời gian của mình cho việc luyện tập. Cô chia sẻ: “Đây là một điều vô cùng thiệt thòi đối với chúng tôi. Cải cách là cần thiết để tránh tình trạng các vận động viên sau khi giải nghệ không hề có nhận thức căn bản nào về thế giới bên ngoài”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc và “nỗi ám ảnh” với thể thao trước thềm Olympic 2016

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.