Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc thông qua ''Đạo luật chống lại lệnh trừng phạt của nước ngoài'': ''Bức tường lửa'' pháp lý

Hoàng Linh| 13/06/2021 06:31

(HNM) - Giới quan sát nhận định, việc Trung Quốc thông qua "Đạo luật chống lại lệnh trừng phạt của nước ngoài" sẽ tạo “bức tường lửa” pháp lý, giúp bảo vệ các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, động thái trên cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, khiến những tranh chấp thương mại có thể gia tăng trong thời gian tới.

Hàng chục doanh nghiệp của Trung Quốc nằm trong danh sách bị Mỹ cấm công dân nước mình đầu tư vào.

Ngày 10-6, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) đã thông qua "Đạo luật chống lại lệnh trừng phạt của nước ngoài". Luật quy định, các cá nhân và tổ chức tham gia quá trình xây dựng cũng như thực thi các biện pháp phân biệt đối xử đối với công dân và các tổ chức của Trung Quốc sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt. Những đối tượng bị trừng phạt có thể bị từ chối cấp thị thực, từ chối nhập cảnh, trục xuất... hoặc bị hạn chế hoạt động, cấm làm ăn cùng công dân và các tổ chức của Trung Quốc. Tài sản của họ tại Trung Quốc có thể bị niêm phong, thu giữ... 

Đạo luật trên là một trong những công cụ pháp lý mạnh và có độ bao phủ rộng nhất, giúp Bắc Kinh đáp trả các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Đây cũng được xem như “bức tường lửa” pháp lý, bảo vệ các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc trước các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn luôn hoan nghênh và ủng hộ các công ty nước ngoài kinh doanh và hợp tác tại Trung Quốc, cam kết bảo vệ quyền, lợi ích của họ theo quy định pháp luật.

Việc Trung Quốc thông qua đạo luật này thực chất là hệ thống hóa các hành động đáp trả mà Bắc Kinh có thể thực hiện để ứng phó với các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Từ tháng 11-2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của Trung Quốc trước các thế lực nước ngoài. Tới đầu năm 2021, Bộ Thương mại Trung Quốc đã hoàn tất cơ chế đánh giá những biện pháp hạn chế của nước ngoài đối với các hoạt động thương mại và kinh doanh của Trung Quốc cũng như cơ chế giúp các cá nhân, công ty Trung Quốc kiện đòi bồi thường tại tòa án Trung Quốc. 

Theo Thời báo South China Morning Post (Hồng Kông, Trung Quốc), việc soạn thảo đạo luật này đã được triển khai từ năm ngoái, khi Washington liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc. Một trong những yếu tố thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng thông qua đạo luật bởi Thượng viện Mỹ mới đây thông qua dự luật đối phó với sự cạnh tranh công nghệ từ Trung Quốc, đồng thời bổ sung 28 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" áp đặt trừng phạt với lý do liên quan đến lĩnh vực công nghệ do thám hoặc quốc phòng. Cũng trong thời gian này, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đứng về phía Mỹ và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh cho biết luật mới không ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ đối ngoại, nhưng giới quan sát cho rằng, khối doanh nghiệp nước ngoài sẽ lo lắng hơn khi đầu tư tại Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ sử dụng luật mới với tần suất và phạm vi thế nào, nhưng điều này cũng gia tăng gánh nặng pháp lý đối với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Nếu đạo luật trên được thực thi, doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải phát triển các tiêu chuẩn tách biệt với các quy chuẩn toàn cầu. Mặt khác, luật mới quy định "quyết định xử phạt các thực thể là quyết định cuối cùng và không có khả năng kháng cáo" khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ bị "mắc kẹt" trong các căng thẳng chính trị.

Giới phân tích nhận định, chưa biết những tác động của "Đạo luật chống lại lệnh trừng phạt của nước ngoài" sẽ thực thi ra sao nhưng đây là "hồi chuông cảnh báo" đối với nhiều quốc gia khi đưa ra những biện pháp chống lại Bắc Kinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc thông qua ''Đạo luật chống lại lệnh trừng phạt của nước ngoài'': ''Bức tường lửa'' pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.