Trung Quốc đang kháng cự những nỗ lực do Mỹ đi đầu nhằm áp đặt biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên vì vụ phóng vệ tinh, trong khi Liên hợp quốc có thể mất nhiều tuần mới có quyết định chính thức.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Trung tâm Không gian Sohae hôm 15/12 để chúc mừng thành tích phóng vệ tinh thành công của các nhà khoa học và nhân viên kỹ thuật ở đây. Ảnh: AFP
Gary Locke, đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, hôm qua cho hay Trung Quốc và Mỹ bị chia rẽ sâu sắc quanh việc lựa chọn cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an (UNSC) gồm 15 thành viên, trong đó có Trung Quốc, đã lên án Bình Nhưỡng chỉ vài giờ sau vụ phóng tên lửa hôm 12/12. Tuy nhiên, riêng Bắc Kinh đã ngụ ý rằng nước này sẽ không bổ sung các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.
"Chưa có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về cách thức giải quyết vấn đề Triều Tiên", một nhà ngoại giao của UNSC cho biết. "Với lập trường hiện nay của Trung Quốc, UNSC sẽ mất nhiều tuần để đi đến một quyết định và không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ chấp thuận các biện pháp trừng phạt mới".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice tuần trước yêu cầu Hội đồng Bảo an phải quyết đoán về những "hậu quả" mà Triều Tiên phải hứng chịu do những hành động của mình.
Bà Rice và người đồng cấp của Trung Quốc Li Baodong đã tranh cãi quyết liệt suốt các cuộc thảo luận của UNSC về một thông cáo được đưa ra hôm 14/12. Ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng rằng bất kỳ phản ứng nào của UNSC cũng cần phải "thận trọng, phù hợp và có lợi cho hòa bình cũng như ổn định trên bán đảo Triều Tiên, tránh làm leo thang tình hình".
Là một trong 5 thành viên thường trực của UNSC, Trung Quốc có thể ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào cần có nhằm ban hành biện pháp cấm vận mới. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho hay nhiều công ty và tổ chức mới có thể được liệt vào danh sách trừng phạt hiện tại mà không cần có nghị quyết. UNSC cũng chưa đưa bất kỳ cá nhân Triều Tiên nào vào danh sách này.
Cuộc đàm phán chính thức về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra lần cuối cùng năm 2007. Triều Tiên rút khỏi bàn đàm phán hồi năm 2009 sau khi UNSC lên án một vụ phóng tên lửa của nước này trong năm đó.
"Trung Quốc tin rằng chúng ta cần cho Triều Tiên một cơ hội, cần giúp đỡ họ phát triển kinh tế. Trung Quốc thực sự tin rằng chúng ta nên nối lại quan hệ với Triều Tiên. ", ông Locke cho biết. "Tuy nhiên, Mỹ nhận thấy mỗi lần nỗ lực để đạt được điều đó, Triều Tiên lại loanh quoanh và không thực hiện đúng cam kết. Vì thế chúng tôi không cho rằng cần phải tặng thưởng cho thái độ cư xử tồi tệ của họ bằng cách ngồi vào bàn và nói chuyện với họ".
Locke cũng nói rằng Trung Quốc đang hỗ trợ Triều Tiên trong phát triển kinh tế, thành lập các khu vực thương mại tự do và khuyến khích các nước khác đầu tư vào quốc gia này với hy vọng "giảm bớt sự cô lập của Triều Tiên, từ đó tác động đến chính sách đối ngoại và quân sự của họ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.