Tuyến đường sắt được mong đợi từ lâu nối liền Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã chính thức khởi công xây dựng. Dự án đầy tham vọng này là một phần trong nỗ lực mở rộng kinh tế của Trung Quốc, nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng thương mại ở Trung Á và châu Âu, góp phần hồi sinh Con đường tơ lụa cổ đại.
Tuyến đường sắt được thảo luận trong hơn hai thập kỷ đã chính thức được động thổ tại làng Tosh-Kuchu, vùng Jalal-Abad, Kyrgyzstan ngày 27-12 với sự hiện diện của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc Zheng Shanjie và Phó Thủ tướng Uzbekistan Jamshid Khodjaev.
Ca ngợi việc khởi công xây dựng là một cột mốc lịch sử, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov mô tả tuyến đường "không chỉ là một hành lang vận tải", mà còn là "một cây cầu chiến lược quan trọng kết nối các quốc gia phương Đông và phương Tây". Mạng lưới giao thông mới sẽ đa dạng hóa đáng kể các tuyến đường vận tải giữa Trung Quốc, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh về hậu cần của toàn bộ khu vực. Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, trong một thông điệp chúc mừng, nhấn mạnh rằng dự án sẽ góp phần hồi sinh Con đường tơ lụa cổ đại.
Tuyến đường sắt mới dài 454km sẽ kết nối Kashgar (Trung Quốc), Torugart, Makmal, Jalal-Abad (Kyrgyzstan) và Andijan (Uzbekistan); tích hợp với Hành lang xuyên Afghanistan, cung cấp quyền tiếp cận Trung Đông và thông qua Thổ Nhĩ Kỳ đến các thị trường châu Âu. Dự án bao gồm việc xây dựng 20 nhà ga, 42 cây cầu và 25 đường hầm, tạo ra các cơ sở hậu cần và kho bãi với lượng hàng hóa dự kiến đạt 15 triệu tấn/năm. Trong tương lai, các chuyến tàu chở khách sẽ hoạt động dọc theo tuyến đường này.
Tổng chi phí dự án khoảng 5 tỷ USD, trong đó 1,34 tỷ USD được phân bổ riêng cho đoạn đường sắt Kyrgyzstan. Trung Quốc cam kết tài trợ toàn bộ phần đường sắt ở Kyrgyzstan. Quyền sở hữu được phân bổ 24,5% cho cả Uzbekistan và Kyrgyzstan, Trung Quốc sẽ giữ 51% còn lại. Cơ cấu sở hữu này nhấn mạnh vai trò kinh tế và chính trị của Bắc Kinh trong khu vực.
Tuyến đường sắt này được gọi là "dự án thế kỷ" ở Kyrgyzstan, mở ra những cơ hội chưa từng có cho đất nước từ lâu nằm ở ngoại vi cơ sở hạ tầng giao thông của Trung Á. Bằng cách liên kết các mạng lưới đường sắt của 3 quốc gia, dự án sẽ tạo ra một hệ thống giao thông tích hợp kết nối Trung Á với Trung Đông, châu Âu và xa hơn nữa. Dự án này còn cho thấy tầm quan trọng của Trung Á trong vai trò một trung tâm hậu cần quan trọng và cung cấp quyền tiếp cận các tuyến đường biển qua Trung Quốc.
Ngoài ra, dự án sẽ tạo việc làm mới, kích thích phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Zhang Hong, một nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, tuyến đường sắt này là cơ hội quan trọng để tăng cường hợp tác giữa châu Á và châu Âu, vì nó sẽ là tuyến đường ngắn nhất vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Lục địa già và Trung Đông.
Tuy nhiên, để hoàn thành tuyến đường là cả vấn đề bởi phải xây dựng nhiều đường hầm và cầu trên cao, làm tăng thêm tính phức tạp và thời gian triển khai dự án. Sự khác biệt về khổ đường ray giữa các quốc gia cũng là một khó khăn. Bất chấp những rào cản này, Trung Quốc quyết tâm hoàn thành tuyến đường sắt càng nhanh càng tốt. Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov bày tỏ hy vọng về thời gian xây dựng là 4-5 năm, song các chuyên gia cảnh báo rằng thời gian thực tế có thể kéo dài hơn.
Lễ khởi công dự án đánh dấu việc hiện thực hóa giấc mơ kéo dài hàng thập kỷ của Trung Á, nơi phần lớn các quốc gia không giáp biển muốn được kết nối bằng đường bộ và trở thành cầu nối chiến lược giữa Đông và Tây. Quan trọng hơn, việc khởi công dự án sẽ đánh dấu cột mốc mới trong hợp tác Trung Quốc - Trung Á và là minh chứng sống động cho quá trình hợp tác chất lượng cao theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) dựa trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.
Sau khi hoàn thành, dự án có thể mở ra một hành lang Á - Âu mới kết nối Trung Quốc, Trung Á và thậm chí cả châu Âu. Các nhà phân tích cho biết, liên kết mới này không chỉ mang ý nghĩa chiến lược trong việc thúc đẩy thương mại địa phương, phát triển kinh tế và công nghiệp..., mà còn tạo điều kiện cho sự hội nhập sâu rộng hơn của Trung Á và nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của khu vực này đối với nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.