Thế giới

Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường năng lượng gió toàn cầu

Thương Nguyệt 20/08/2023 - 06:48

Trung Quốc đang chiếm ưu thế ở lĩnh vực sản xuất điện gió toàn cầu, trong bối cảnh các nhà sản xuất của quốc gia này cung cấp gần 60% công suất lắp đặt trên toàn thế giới vào năm 2022.

Các số liệu do Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổng hợp báo hiệu Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị phần trên thị trường năng lượng gió và pin năng lượng mặt trời.

Nhà sản xuất tua bin gió đa quốc gia Goldwind có trụ sở tại Bắc Kinh hiện dẫn đầu thị trường nội địa Trung Quốc và đứng thứ hai trên thị trường thế giới với 13% thị phần, chỉ sau công ty Vestas của Đan Mạch với 14% thị phần.

10 trong số 15 công ty hàng đầu trên toàn thế giới đến từ Trung Quốc, bao gồm Envision ở vị trí thứ năm với 9% thị phần và Mingyang Smart Energy ở vị trí thứ sáu với 7%.

https2f2fimages2f92f32fcropped-169238042420230818n20wind-power.jpg
Trung Quốc vượt châu Âu ở lĩnh vực năng lượng gió. Ảnh: Reuters

Tổng cộng, Trung Quốc dẫn đầu thế giới khi chiếm 56% công suất lắp đặt, tăng mạnh so với mức 37% được ghi nhận năm 2018. Trong khi đó, thị phần chung của các công ty châu Âu đã giảm từ 55% năm 2018 xuống 42% vào năm 2022. Khu vực này vốn dẫn đầu về năng lượng gió từ những năm 2010, nhưng tốc độ phát triển đã chậm lại do chi phí cao bắt nguồn từ việc tăng lãi suất và lạm phát.

Theo Nikkei Asia, chính phủ Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong phát triển ngành sản xuất điện gió ngoài khơi của quốc gia này, không chỉ để giải quyết tình trạng thiếu điện và ô nhiễm không khí, mà còn đưa năng lượng tái tạo thành nền tảng tăng trưởng kinh tế.

Sự mở rộng của lĩnh vực kể trên được thúc đẩy bởi những nỗ lực của Trung Quốc hồi năm 2019, trong đó kêu gọi các nhà cung cấp năng lượng kết nối các cơ sở với mạng lưới điện vào cuối năm 2021 để được hưởng lợi từ giá mua rẻ theo chương trình hỗ trợ từ chính phủ.

Nhờ đó, công suất điện gió ngoài khơi tích lũy của Trung Quốc đã tăng lên khoảng 31 gigawatt vào năm 2022, đánh dấu lần đầu tiên vượt qua châu Âu để giành vị trí số một toàn cầu. Công suất lắp đặt mới ở Trung Quốc trong cùng năm là khoảng 5 gigawatt, cao gấp đôi so với châu Âu.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã cải thiện khả năng cạnh tranh về chi phí bằng cách tăng quy mô, mở rộng kênh bán hàng ở châu Âu và Nhật Bản. Các tua bin gió do Mingyang Smart Energy sản xuất được lắp đặt tại các trang trại gió ngoài khơi ở Italia vào năm 2022 và tại tỉnh Toyama của Nhật Bản vào tháng 6 năm nay.

Một báo cáo của công ty nghiên cứu Wood Mackenzie (Anh) cho thấy, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tiếp tục tăng thị phần bằng cách tận dụng năng lực cạnh tranh về chi phí. Nhưng sự phụ thuộc ngày càng sâu vào các nhà sản xuất từ quốc gia này có thể làm tăng rủi ro nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cũng ở lĩnh vực này, Mỹ tham vọng tăng công suất phát điện gió ngoài khơi lên 110.000 megawatt vào năm 2050, tương đương với công suất của 110 lò phản ứng hạt nhân. Tương tự xứ Cờ hoa, Nhật Bản cũng đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy các công ty nội địa, với mục tiêu lắp đặt từ 30.000 đến 45.000 megawatt điện gió ngoài khơi vào năm 2040.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường năng lượng gió toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.