Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay: Nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế

Thùy Dương| 25/08/2022 06:56

(HNM) - Trung Quốc vừa tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay từ ngày 22-8, chỉ một tuần sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thực hiện động thái tương tự. Đây là một trong những biện pháp mới nhất của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy nhu cầu vay vốn, nỗ lực hỗ trợ, kích thích nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng vì khủng hoảng bất động sản và các biện pháp hạn chế để phòng, chống đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay từ ngày 22-8. Ảnh: Getty Images

Trong đợt giảm này, lãi suất cơ bản (LPR) của các khoản vay kỳ hạn một năm giảm còn 3,65%. Lãi suất cơ bản của các khoản vay kỳ hạn 5 năm giảm còn 4,3%. Ngày 15-8, PBoC gây bất ngờ khi cắt giảm lãi suất của cơ chế cho vay trung hạn (MLF) và một cơ chế cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, đợt hạ lãi suất từ ngày 22-8 của PBoC không nằm ngoài dự báo của các nhà phân tích khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế đứng thứ hai thế giới đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 7. Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 7 giảm do các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 cực kỳ nghiêm ngặt. Thị trường bất động sản giảm 0,9% trong tháng 7, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 -2015.

“Tất cả các dữ liệu kinh tế đều gây thất vọng trong tháng 7, ngoại trừ xuất khẩu. Nhu cầu vốn vay từ nền kinh tế thực vẫn còn yếu cho thấy sự thận trọng trong những tháng tới”, nhà kinh tế học Nie Wen của Công ty Hwabao Trust có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. Việc hạ lãi suất kỳ hạn 5 năm nhiều hơn mức giảm của lãi suất kỳ hạn một năm cũng cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ ngành kinh doanh bất động sản.

Bất chấp phần còn lại của thế giới đang học cách sống chung với Covid-19, Bắc Kinh vẫn kiên định với chiến lược không khoan nhượng nhằm tiêu diệt vi rút bằng mọi giá. Thái độ kiên quyết của Bắc Kinh trong chính sách "Không Covid" (Zero Covid) đã dẫn đến việc nhiều thành phố bị đóng cửa hàng tháng trời trên khắp đất nước vào đầu năm nay. Việc kinh doanh bị đình trệ, các nhà máy đóng cửa… dẫn đến hoạt động kinh tế bị gián đoạn nghiêm trọng.

Nomura - Ngân hàng đầu tư lớn nhất Nhật Bản ước tính 22 thành phố hiện đang trong tình trạng đóng cửa toàn bộ hoặc một phần, chiếm 8,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhà kinh tế Yu Yongding nhận định trên Reuters: "Hiện tại, vấn đề chính mà Trung Quốc phải đối mặt là tăng trưởng kinh tế chậm lại, do đó bảo vệ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu". Một loạt ngân hàng lớn như: Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2022 về 3% từ mức 3,3% trước đó; trong khi Nomura cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc xuống 2,8% từ 3,3%.

Các nhà phân tích còn quan ngại về nắng nóng và lượng mưa cực lớn đang ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và gây ra lạm phát ở nước này. Một đợt nắng nóng đã quét qua Trung Quốc kể từ tháng 6, đẩy nhiệt độ lên hơn 40 độ C cho hàng chục thành phố và ảnh hưởng đến hơn 900 triệu người. Trong khi đó, mưa lớn cũng đã gây lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng cho một số tỉnh.

Theo đánh giá của giới phân tích, mặc dù việc PBoC cắt giảm lãi suất sẽ không phải là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” nhưng hiện tại sự kiện này là một dấu hiệu đáng khích lệ, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities (Tập đoàn Dịch vụ tài chính toàn cầu của Australia) Larry Hu cho biết: “Chắc chắn việc cắt giảm lãi suất không đủ để giải quyết vấn đề nhu cầu tín dụng yếu. Nhưng đó là một bước quan trọng để hướng tới mục tiêu thúc đẩy nhu cầu tín dụng".

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng cân bằng nhằm thúc đẩy sự phục hồi mong manh của nền kinh tế và kiểm soát làn sóng Covid-19 mới. Tuy nhiên, với những diễn biến vừa qua, Báo The Guardian (Anh) nhận định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay: Nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.