(HNM) - Nhằm cung cấp thông tin cho bạn bè quốc tế đang sống và làm việc tại Hà Nội về hành động ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) trong vùng biển của Việt Nam,
Nhiều thành viên của NGOs đã bày tỏ ủng hộ Chính phủ Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, rút ngay giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 khỏi vùng biển của Việt Nam. Phóng viên Hànộimới đã lược ghi một số ý kiến.
Tàu Trung Quốc ngăn cản tàu cá Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. |
Bà Kim Young Shin, Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt - Hàn: Sự ủng hộ của cộng đồng
quốc tế rất quan trọng
Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, thay mặt người dân Hàn Quốc tôi chia sẻ những tình cảm với người dân Việt Nam. Tôi biết Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức, các đoàn thể đang tích cực thực hiện các hoạt động để chia sẻ thông tin về những diễn biến trên Biển Đông nhằm kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Hoạt động này giúp những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam có thêm nhiều thông tin và hiểu hơn về tình hình thực tế đang xảy ra. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, Việt Nam nên lập một website bằng nhiều thứ tiếng như: Anh, Trung, Hàn… nhằm kêu gọi, tập hợp những ý kiến ủng hộ của bạn bè quốc tế. Hiện ở Việt Nam có khoảng 100.000 người Hàn Quốc đang sinh sống, nếu có thể phổ biến những thông tin thực tế này tới cộng đồng người nước ngoài (không chỉ người Hàn Quốc) nhằm kêu gọi sự ủng hộ của họ, sẽ giúp công luận quốc tế hiểu, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam.
Tiến sĩ Ramesh Khadka, nguyên Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid tại Việt Nam: Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế
Bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 vừa qua tại Nay Pyi Taw (Myanmar) - trong đó nhấn mạnh đến hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc - đã tạo được sự ủng hộ và đoàn kết giữa các nước ASEAN. Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất rõ ràng và đúng đắn, cho cả thế giới thấy rõ hành động sai trái của Trung Quốc. Tôi cho rằng những hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ tạo ra những phản ứng tiêu cực cho việc tiến tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng nên cần phải giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á tại Việt Nam: Hành động của Trung Quốc rất nghiêm trọng
Là người nước ngoài sống ở Việt Nam lâu năm, tôi rất quan ngại về hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Tôi cũng không hiểu vì sao Trung Quốc lại có những hành động như vậy. Tôi cho rằng để giải quyết căng thẳng hiện nay cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. NGOs tại Việt Nam cũng đã đưa ra một Tuyên bố chung phản đối Trung Quốc. Chúng tôi sẽ chuyển tải đến Chính phủ chúng tôi những thông tin cần thiết. Tôi cho rằng phản ứng của Việt Nam những ngày qua rất bình tĩnh. Việc đưa giàn khoan lớn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã cho thấy Trung Quốc tính toán rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, không thể có chuyện một nước có chủ quyền lại đi lấn lướt một nước có chủ quyền khác. Không thể chấp nhận chuyện một nước lớn lại có hành động gây hấn với các nước xung quanh. Đó là cách hành xử không tốt. Ảnh hưởng của hành động này phụ thuộc rất nhiều vào các động thái tiếp theo. Tôi cho rằng các nước ASEAN cần quan tâm đến vấn đề này. Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982. Vì thế, việc Việt Nam đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ là một bước đi hiệu quả, để nhiều nước trên thế giới biết đến tình hình thực tế tại Biển Đông hiện nay.
Ông Park Sun Jong, Trưởng đại diện Tổ chức Civillian Fellowship Internatinal (CFIE) tại Việt Nam: Trung Quốc phải có trách nhiệm gìn giữ hòa bình
Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam khi ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Tôi cho rằng, Trung Quốc là một nước lớn phải có trách nhiệm trước thế giới. Thời gian qua Trung Quốc liên tục gây ra những tranh chấp về chủ quyền biển đảo với một số quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông. Trung Quốc phải có trách nhiệm gìn giữ hòa bình, ổn định tình hình an ninh với những nước xung quanh. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: "Nếu tham lam những cây nhỏ, thì sẽ mất nhiều cây khác quan trọng hơn".
Ông Chuck Searcy, cựu chiến binh Mỹ, Cố vấn quốc tế của Dự án Project Renew giúp rà phá bom mìn còn sót lại ở Việt Nam: Các bên cần ngồi vào bàn đàm phán
Theo tôi, giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay là đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của quốc tế không chỉ bây giờ mà đã từ lâu. Mặc dù hiện nay Trung Quốc vẫn chưa có ý định ngồi vào bàn đàm phán nhưng tôi hy vọng sắp tới họ sẽ thay đổi quan điểm vì lợi ích của riêng họ để tránh các cuộc xâm chiếm và xung đột. Trung Quốc đang đi quá xa và đẩy tình hình vào thế nguy hiểm không cần thiết. Tôi mong rằng các bên hãy vì lợi ích chung mà giải quyết vấn đề một cách hòa bình và đáp ứng yêu cầu của từng bên. Cho đến nay, Việt Nam đã đi đúng hướng, vừa cương quyết vừa bày tỏ lo ngại nhưng cũng rất thận trọng. Là một tổ chức phi chính phủ NGO hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi muốn hòa vào tiếng nói chung để tránh bất cứ một cuộc chiến tranh hay đổ máu nào để người dân không bị hy sinh, tổn thương, mất nhà cửa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.