Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Hòa, vùng đất văn hiến xưa

ANHTHU| 08/11/2006 14:19

Ảnh: Thế Thọ(HNM) - Địa danh Trung Hòa, Hà Nội, được chính thức gọi từ năm 1949, do chính quyền kháng chiến cho gộp 2 xã Trung Kính và Hòa Mục thành một xã. Tới năm 1956 xã này được đổi gọi là Trung Kính, nhưng đến năm 1961 lại đổi tên gọi là xã Trung Hòa thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, nay là phường Trung Hòa.

Xã Trung Kính xưa là một làng quê rất cổ, tên nôm là hương Kính Chủ. Theo truyền thuyết, đời Hùng Duệ Vương, hương Kính Chủ có người con gái là Cẩn Nương, tài kiêm văn võ. Khi đó đứng đầu Ô châu là Hùng Nộn, một tướng trẻ tài ba. Trong nước có giặc xâm lấn, Hùng Nộn đem quân đóng ở Kính Chủ, và đã cưới Cẩn Nương làm vợ. Sau, Hùng Nộn và Cẩn Nương đen quân theo Tản Viên Sơn thánh đi đánh giặc phương Bắc. Có nhiều hương binh ở Kính Chủ đi đánh và thắng giặc, nên Duệ Vương phong Hùng Nộn là Bảo Quốc hầu, và ban cho Kính Chủ là hộ Nhi hương. Rồi vợ chồng Nộn Công và Cẩn Nương về Kính Chủ, dựng ngôi đình ở ngoài đồng để ở. Nhưng ít lâu sau, vào ngày 12 tháng Mười, Hùng Công đột ngột qua đời. Cẩn Nương mai táng cho chồng xong thì cắt tóc đi tu ở chùa làng là Diêm Phúc tự. Vua Duệ Vương ban sắc phong Nộn Công làm Thành Hoàng, sai lập đền ở nền nhà cũ của ngài làm đền thờ, gọi là Tối Linh từ. Về sau, dân chúng dựng đình lớn thờ ngài làm Thành hoàng.

Từ khi Nộn Công đến ở thân đất cao ngoài đồng, gọi là Gò Đường, dân chúng ở Kính Chủ cũng dần dần đến đó lập trại. Sau này, dân làng khác, như Yên Hạ, kẻ Cót... cũng đến trại đó sinh sống, ngày càng đông đúc, trại thành làng, gọi là làng Giàn. Theo thời gian, Kính Chủ có tên chữ là Trung Kính . Xã Trung Kính có hai thôn Thượng và Hạ, làng Giàn là một làng nhỏ thuộc Trung Kính Hạ.

Cũng nằm bên sông Tô Lịch, sát phía Nam xã Trung Kính có làng Nhân Mục, cũng là một xã riêng. Làng có tên nôm là Kẻ Đáy, sau mới có tên chữ là Nhân Mục, cũng là một làng quê cổ kính. Bên cạnh Nhân Mục lại có làng Nhân Mục Môn. Cách đây 5 thế kỷ, ở Nhân Mục Môn có bà Trần Thị Tùng xinh đẹp nổi tiếng, được tuyển vào cung trở thành Hoàng hậu của vua Lê Uy Mục. Theo truyền tụng thì, một hôm lính triều đình bỗng kéo về triệt hạ làng. Do được tin từ trong cung báo trước, dân Nhân Mục Môn ra bờ sông dâng rượu cho quan binh, đến mức họ say sưa, đến khi quan binh hỏi thăm đường thì họ chỉ về phía làng Nhân Mục. Và kẻ Đáy đã bị tàn sát, tan hoang... Đến chiều tối, một số người kẻ Đáy đi bổ củi trở về, thấy làng tan hoang, thê thảm, đã đồng lòng dâng sớ kêu oan. Vua xét lại, biết đó là oan sai, nên bắt dân làng Nhân Mục phải cắt 300 mẫu ruộng công đền trả dân kẻ Đáy được hưởng hoa lợi. Mãi đến trước Cách mạng Tháng Tám 1945, dân làng Hòa Mục vẫn sang bên Nhân Mục Môn thu hoa lợi, bằng thóc thì mỗi sào 2 lượm lúa, bằng tiền thì mỗi sào thu 2 xu. Cũng từ sự kiện làng bị tàn phá, nên kẻ Đáy có tên là Tàn Xứ hay nhân Mục Tàn, nhiều đời sau mới gọi là Hòa Mục.

Về sự kiện tàn khốc trên, không thấy ghi trong chính sử. Sách Việt sử thông giám cương mụccó ghi việc Trần Thị Tùng người Nhân Mục năm 1505 được phong làm Hoàng hậu của vua Lê Uy Mục (1505-1509). Sử có ghi lại việc Giản Tu công Lê Oách, một người trong Hoàng thất, vì có thù riêng với vua Uy Mục, nên năm 1509 đem quân từ Thanh Hóa ra chiếm Thăng Long, giết Uy Mục một cách tàn bạo. Hoàng hậu Trần Thị Tùng phải chạy về làng Hoàng Mai, rồi tự vẫn. Có thể quân của Lê Oách truy sát họ hàng vợ Uy Mục mà tàn hại nhầm dân làng Hòa Mục chăng?

Suốt hàng ngàn năm, Hòa Mục là một làng, cũng là một xã. Mới dăm chục năm qua, Hòa Mục đã sáp nhập cùng Trung Kính đều là vùng quê rất cổ của Thăng Long xưa. Chứng cứ là năm 1978, người ta phát hiện bên sông Tô Lịch cách Trung Kính 1 cây số, có một quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng, có niên đại hơn 2000 năm trước!

ở Hòa Mục có nhiều di tích rất cổ. Miếu Hai Cô ở cánh đồng trước đình làng, tương truyền là thờ hai nữ tướng của Hai Bà Trưng. Ngôi miếu khá to, nay còn hai tấm bia ghi việc trùng tu thời Chính Hòa (1680-1705). Đình làng Hòa Mục thờ ả Đại Nương, tên húy là Phạm Thị Uyển, cùng 2 em trai Phạm Miện, Phạm Huy. Theo thần tích ả Đại Nương là cháu gọi Phùng Hưng bằng cậu. ả Đại Nương cầm quân giúp Bố Cái Đại Vương chống quân xâm lược nhà Đường. Vì thế giặc quá mạnh, bà gieo mình xuống sông không chịu để giặc bắt. Xác bà trôi vào địa phận Hòa Mục, dân chúng lập mộ bên bờ sông Tô Lịch, rồi xây miếu thờ. Ngôi miếu bên ngôi mộ ả Đại Nương sau này được tuần phủ Bắc Giang là Nguyễn Văn Nhã, người làng Hòa Mục, xây dựng to đẹp thành điện Dục Anh, có thờ thêm cả Mẫu Liễu Hạnh, gần bên điện Dục Anh có ngôi đền cây Quế. Ngôi đền nổi tiếng linh thiêng này từ xưa vốn là làng Tả Vọng, do bị chính quyền bảo hộ lấy đất làm nhà máy điện Bờ Hồ, nên năm 1898 dân làng ấy mới chuyển đền về Hòa Mục, cử người trông nom rất chu đáo, thường xuyên có người đến lễ và vãn cảnh. Hòa Mục còn có Linh Thông tự, còn gọi là chùa Thông, rất to đẹp. Cuối năm 1964, có một số cán bộ Chính phủ, như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu đã về đây làm việc một thời gian.

ở bên Trung Kính cũng có những di tích cổ, tiêu biểu là chùa Báo Ân ở thôn Hạ và miếu Ông Nghè Tráng ở thôn Thượng. Báo Ân tự là ngôi chùa rất cổ, đến nay còn lưu được nhiều đồ thờ tự quý hiếm, đặc biệt là quả chuông có hoa văn cổ rất đẹp, tạo tác năm Chính Hòa thứ 13 đời Lê, 1693. Bài minh trên chuông có ghi tên nhiều người cúng tiền đúc chuông, trong đó có cả Hoàng hậu và nhiều Hoàng thân, Quận chúa đương thời. Điều đó cho biết Báo Ântự là ngôi chùa lớn một thời có nhiều quý tộc ở kinh đô thường đến chiêm bái. Còn miếu Ông Nghè ở thôn Thượng là do vua Lê lệnh cho dân làng Trung Kính lập để thờ ông Tiến sỹ Nguyễn Viết Tráng. Năm 1595, nhà Lê Trung Hưng đuổi xong nhà Mạc và mở khoa thi ở bến Thảo Tân ngay sau khi lấy lại Thăng Long. Nguyễn Viết Tráng đã đỗ khoa thi đó, rồi làm quan đến Đô đốc sự trung, Tá lý công thần. Một hôm ông dâng sớ xin về quê tảo mộ. Đúng lúc ở triều đình có việc cấp, thấy ông vắng mặt, lại có bọn gian thần tâu bậy vua đã khép tội ông cho Trung sứ mạng cờ Tiền trảm hậu tấu đi truy tìm. Ông Tráng đang đi bên sông Tô Lịch, nơi thuộc làng Trung Kính, thấy cờ Tiền trảm hậu tấutrong tay Trung sứ biết ngay có sự dữ, liền rút gươm tự sát. Sau, vua thấy sớ ông Tráng xin về quê tảo mộ, biết là oan nhưng quá muộn rồi, đã xuống chiếu minh oan cho ông, truy phong ông làm Đại Vương Liêm Quận công và cho lập miếu thờ nơi ông chết. Về sau, cháu nội ông Nguyễn Viết Tráng là Nguyễn Vinh Thịnh đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Hợi 1659 khi mới 34 tuổi. Hậu duệ của ông Tráng chuyển cư đến An Phú, Nghĩa Đô, hàng năm đến ngày giỗ ông nghè Tráng vẫn về Trung Kính rước ông lên thăm Nghĩa Đô rồi lại rước về Trung Kính. Rất tiếc, miếu Ông Nghè xưa bên cầu qua sông Tô, có hai cây đa cổ thụ, thời kỳ đào vét Tô Lịch năm 1978 đã bị phá hỏng mất. Chúng tôi cũng xin nói thêm rằng, ông Nguyễn Viết Tráng người kẻ Cót, tổ phụ ông là những khoa bảng lớn: ông Nguyễn Như Uyên, Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu 1469 đời Lê Thánh Tông; ông Nguyễn Xuân Nham, Tiến sỹ khoa Kỷ Mùi 1499; ông Nguyễn Khiêm Quang, Tiến sỹ khoa Quý Mùi 1523, đời Lê Cung Hoàng...

Người dân Trung Kính, Hòa Mục từ ngàn xưa sống chủ yếu bằng nghề sông. Đặc biệt dân làng Giàn làm ruộng rất giỏi, nên từ xưa đã có câu: Lắm thóc kẻ Giàn, lắm quan kẻ Mọc. Trung Kính từ lâu đời có thêm nghề phụ là làm hương, thôn Thượng giỏi làm hương đen, thôn Hạ giỏi làm huơng xạ, đều nổi tiếng Thăng Long Hà Nội. Miếu tổ nghề chẻ tăm hương đặt ở thôn Hạ, xưa kia người thợ thủ công xuân, thu nhị kỳ đến lễ tổ đều đặn. Người Hòa Mục có nghề phụ là dệt áo sợi, cũng rất nổi tiếng... Ngày nay, Trung Hòa đã thành phường, đô thị hóa rất nhanh. Cầu Trung Hòa to, đẹp, bắc qua sông Tô Lịch, là điểm mở ra tuyến đường cao tốc lớn, từ Láng đi Hòa Lạc, mới hoàn thành vài năm trở lại đây mà đã rất nổi tiếng về vẻ đẹp hiện đại. Đi trên tuyến cao tốc lớn, giữa những khu nhà cao tầng, người Hà Nội hôm nay đôi lúc vẫn nhớ lại ngày xưa. Trung Kính, Hòa Mục của ngàn năm trước với bao dấu tích lịch sử, văn hiến sâu xa.

Anh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Hòa, vùng đất văn hiến xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.