Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh điều này khi thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân.
Dự án luật Trưng cầu ý dân vừa được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhìn chung vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề lớn, trong đó việc quy định những vấn đề trưng cầu ý dân được coi là “nội dung khó”.
Quy định nguyên tắc hay cụ thể trong luật?
Dự thảo Luật trình 2 phương án quy định về những vấn đề đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân. Theo phương án 1, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng.
Phương án 2 quy định những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp;Những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;Quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng;Xây dựng các công trình, dự án kinh tế - kỹ thuật đặc biệt quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Phiên họp thứ 35 (Ảnh: TTXVN) |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, Thường trực Ủy ban pháp luật thấy rằng, việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước.
Tuy nhiên, để xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân ngay trong luật là rất khó, còn tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước tại mỗi thời điểm nhất định và quyền quyết định của Quốc hội.
Mặt khác, Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội cũng chỉ quy định thẩm quyền Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân mà không quy định cụ thể những việc nào phải trưng cầu ý dân. Do vậy, các ý kiến này tán thành với Phương án 1 như dự thảo Luật chỉ quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân. Căn cứ vào đó, tùy theo yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Quốc hội quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề cụ thể.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về nội dung này, cho đây là vấn đề khó cần nghiên cứu kỹ trước khi trình ra Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng nếu ghi chung quá sẽ dẫn đến khó thực hiện, nhưng quy định cụ thể lại không đảm bảo tính linh hoạt. Song về mặt nguyên tắc nên có tiêu chí rõ ràng để các chủ thể có cơ sở đề nghị trưng cầu.
Nhấn mạnh “trưng cầu ý dân thì kết quả thực sự phải là ý của dân. Người dân độc lập thả lá phiếu thể hiện chính kiến của mình”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan trình dự án luật tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý để thể hiện chặt chẽ hơn trước khi trình Quốc hội.
“Luật này quy định vấn đề trưng cầu ý dân theo quy định của Hiến pháp, do đó phải làm rõ. Xây dựng và bảo vệ tổ quốc cụ thể là cái gì, nghe rất mơ màng”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến, đồng thời đề nghịcó thể nghiên cứu theo phương án 2 nhưng phải quy định rõ hơn để sau này khỏi lẫn lộn và có thể ghi thêm “việc khác do Quốc hội quyết định” nhằm đảm bảo tính linh hoạt.
Có trưng cầu ý dân ở phạm vi địa phương hay không?
Dự thảo Luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với nội dung quy định của dự thảo Luật vì điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân và tổ chức việc trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.
Mặt khác, đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định thì hiện nay pháp luật đã và sẽ tiếp tục bổ sung các quy định để bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động (ví dụ như việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính…).
Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định (như xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở một vùng lãnh thổ, việc trao những thẩm quyền đặc biệt cho chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, ở biên giới, hải đảo…). Vì vậy, nếu chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc là chưa đầy đủ, phù hợp, đề nghị dự thảo Luật cần quy định trưng cầu ý dân có phạm vi trên toàn quốc nhưng trong một số trường hợp cũng có thể tiến hành ở phạm vi một hoặc một số đơn vị hành chính nhất định.
Đồng tình phương án chỉ trưng cầu ý dân ở phạm vi tòan quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằngQuốc hội không thể quyết định trưng cầu ở một địa phương nào đó.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thiên về quy định trưng cầu ở phạm vi toàn quốc, nhưng cũng đề nghị cân nhắc những vấn đề hệ trọng không liên quan đến chính trị ở cấp vùng, địa phương.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, các phương án này cần tiếp tục được trình ra Quốc hội thảo luận.
“Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bởi từ Hiến pháp năm 1946 đến nay vấn đề trưng cầu ý dân mới được cụ thể hóa thành luật của Quốc hội”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.