Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trưng cầu dân ý: Quy định cao tỷ lệ cử tri tham gia và tán thành sẽ khó khả thi!

Bảo Hân| 12/11/2015 17:28

(HNMO)- Ngày 12/11, các ĐB Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trưng cầu ý dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý


Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết có ý kiến đề nghị ngoài hình thức biểu quyết bằng phiếu trưng cầu ý dân, cần bổ sung hình thức khác như xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử.

Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, trong điều kiện nước ta thì việc dự thảo Luật quy định cử tri biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Thực tiễn cho thấy, việc cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu có ý nghĩa rất lớn, tạo không khí sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi trong xã hội. Đối với các hình thức biểu quyết khác, trong đó có hình thức bỏ phiếu điện tử, về lâu dài, sẽ được tiếp tục nghiên cứu và áp dụng khi đủ điều kiện.

Về kết quả trưng cầu ý dân, theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các ĐBQH, để bảo đảm hiệu lực của vấn đề trưng cầu ý dân được đông đảo cử tri cả nước tham gia, Ủy ban TVQH đề nghị cho tiếp thu theo hướng cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành.

Quy định này đã khiến nhiều ĐB băn khoăn về tính khả trong thực hiện.

Cho rằng quy định như dự thảo là quá cao, ĐB Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ để quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri phù hợp để đảm bảo tính khả thi của luật.

"Bởi vì trưng cầu ý dân tuy đã được ghi nhận trong Hiến pháp từ năm 1946 nhưng ở nước ta hình thức này chưa được thực hiện trên thực tế. Đây là vấn đề đòi hỏi sự nhận thức và ý thức cao từ phía người dân và xã hội, tính tích cực chính trị của cử tri trong việc tham gia biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

ĐB này phân tích và đề xuất thêm: "Nếu quy định tỷ lệ tham gia của cử tri quá cao đối với một vấn đề để đưa ra trưng cầu ý dân không khả thi và nếu không tổ chức tốt có thể dẫn đến tình trạng ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu thay. Như vậy sẽ làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân, với tư cách là một hình thức để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình.

Do vậy, tôi đề nghị dự thảo luật quy định kết quả trưng cầu ý dân như sau: "Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 2/3 tương đương 65% tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu". Khoản 2 "nội dung trưng cầu ý dân được quả nửa tương đương khoảng 33% số phiếu hợp lệ tán thành thì có giá trị thi hành".

ĐB Nguyễn Anh Sơn, Nam Định


ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phân tích một số tình huống để thấy rằng, quy định như dự thảo sẽ chưa thỏa mãn được yêu cầu của một cuộc trưng cầu dân ý là phải đạt được và tìm ra được sự đồng thuận cao của đa số cử tri về một vấn đề hệ trọng của đất nước.

"Câu chuyện này là quyền của công dân, người ta đi hay không cũng khó bắt buộc, khó động viên, động viên theo kiểu ông tổ trưởng đến từng nhà động viên là rất khó. Vì thế tôi thấy không nên dùng số là 75% mà chỉ quy định cuộc trưng cầu ý dân là hợp lệ và nội dung trưng cầu ý dân có giá trị thi hành khi được quá nửa số cử tri trong danh sách tán thành. Như thế chúng ta sẽ đạt được cả 2 yêu cầu: Thứ nhất, có quá nửa số cử tri đi tham gia bỏ phiếu và sự lựa chọn này thực sự là sự lựa chọn của đa số cử tri. Nếu 100% đi bỏ mà chỉ cần 50% cộng 1 người đồng ý là số 50% trừ 1 kia phải thực hiện. Tôi thấy sự đồng thuận của xã hội cao và hiệu quả tốt hơn" - ĐB nêu đề xuất.

Cùng góp ý về kết quả trưng cầu ý dân, ĐB Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị thêm một khoản quy định nếu nội dung có liên quan đến toàn văn Hiến pháp và những nội dung chung, quan trọng của Hiến pháp thì phải có số phiếu cao hơn, có thể 2/3 số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành thay vì quá nửa số phiếu hợp lệ như dự luật, vì Hiến pháp là đạo luật gốc của đất nước, thể hiện ý chí tập trung thống nhất cao của nhân dân cả nước.

Kết thúc thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu  cho biết  sẽ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các ĐB để làm rõ hơn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi QH xem xét, thông qua dự luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trưng cầu dân ý: Quy định cao tỷ lệ cử tri tham gia và tán thành sẽ khó khả thi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.