Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trụ cột mới trong thế giới biến động

Vân Khanh| 20/01/2013 07:33

(HNM) - Thế giới đang ở trong một giai đoạn phát triển đặc biệt khi sự vận động của nó đã tạo ra vô vàn thách thức cũng như mang đến những cơ hội mà nhiều khi vượt ra ngoài trí tưởng tượng của con người.

Thay vì sự độc tôn của những cơ chế như G7, G8, thế giới đã phải thừa nhận vai trò của G20, BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), MIST (Mexico, Indonesia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ) hay khái niệm mới mẻ hơn là N-11 (Bangladesh, Ai Cập, Mexico, Indonesia, Iran, Nigeria, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam). Vị thế ngày càng rõ ràng của nhóm quốc gia đang phát triển mạnh này khẳng định một thực tế rằng chúng ta đang sống trong một thế giới của sự hình thành những cột trụ kinh tế mới.

Philippines đang vươn lên thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng ổn định nhất Đông Nam Á.


Có lẽ cũng đã qua rồi cái thời mà khoảng cách giàu nghèo cực lớn - như một chuyện lạ - tạo nên sự khác biệt ghê gớm giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Giờ đây, dù không thể hạ thấp vai trò dẫn dắt của những nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng sự xuất hiện của những nhân tố mới đã và đang định hình một trật tự kinh tế toàn cầu với rất nhiều đổi khác. Kể từ khi cái tên BRIC được chuyên gia kinh tế ngân hàng Goldman Sachs, Jim O'Neill cho ra đời, nhóm 4 quốc gia này đã làm nên những phép màu chưa từng thấy. Chỉ trong một thời gian ngắn, BRIC đã nắm giữ phần lớn dự trữ ngoại hối toàn cầu và 1/2 tăng trưởng toàn thế giới. Sự kết hợp giữa BRIC và MIST trong năm đầy khó khăn 2011 cũng sản sinh ra khối tài sản lên đến 3.000 tỷ USD. Mặc dù vậy, "cơn sốt" BRIC dường như đang lắng xuống.

Chuyện Trung Quốc vừa công bố tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua và sự suy giảm của kinh tế Ấn Độ đã phát lộ những vấn đề của cơ chế kinh tế này. Hướng ra bên ngoài bằng xuất khẩu và tập trung thu hút đầu tư, những khó khăn từ các thị trường chính cung cấp nguồn lực là Châu Âu và Mỹ đang khiến "ngôi sao" BRIC lu mờ. Nhưng, dường như bế tắc lại tạo ra sự chuyển động mới. Cũng theo Jim O'Neill, N-11 đang vươn lên như một động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh suy thoái đang là cơn ác mộng của nhiều cường quốc và BRIC chật vật với tốc độ tăng trưởng 1,5%, N-11 đã đạt vận tốc tăng trưởng đáng thèm muốn 12% trong năm 2012. Các chuyên gia kinh tế đều tin rằng với dân số trẻ, tương lai của N-11 đang đầy triển vọng. Niềm tin đó càng được củng cố khi nhóm quốc gia này có sự góp mặt của những tên tuổi đang được xếp hạng là các "con hổ mới" ở Châu Á gồm: Indonesia, Philippines, Việt Nam và Myanmar.

Được hỗ trợ bởi những chỉ số kinh tế vĩ mô bền vững, hệ thống tài chính ngân hàng ổn định, mạnh mẽ, Indonesia và Philippines đang trở thành những ngôi sao mới trên bầu trời kinh tế Châu Á năng động. Thị trường lao động trẻ, thu nhập tăng nhanh, tầng lớp trung lưu và giàu có đang không ngừng mở rộng cùng với nhiều chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư, tốc độ phát triển kinh tế của Indonesia và Philippines đều đạt trên 6% trong năm qua mang lại những liên tưởng rằng dường như khủng hoảng không chạm đến hai đảo quốc này. Trong khi đó, bất chấp khó khăn từ lạm phát và giảm đầu tư công, Việt Nam vẫn được đánh giá là một đối tác quan trọng trong khu vực với tăng trưởng trung bình 5,3% - cao hơn rất nhiều nền kinh tế khác tại Châu Á. Dự báo GDP 6% trong năm 2013 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy các thể chế kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang đặt nhiều niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam. Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến Myanmar. Từ một cái tên từng bị xa lánh, cuộc chuyển đổi dân chủ lịch sử đã khiến quốc gia 55 triệu dân này trỗi dậy thành một điểm đến đầy tiềm năng tại Đông Nam Á. Dòng tiền từ khắp nơi trên thế giới đang liên tiếp đổ về vương quốc Ngọc bích khi các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội vàng tại đất nước này. Tài nguyên phong phú, lĩnh vực dịch vụ đã chuyển mình… Myanmar đang hội tụ tiềm lực để trở thành một trung tâm kinh tế mới của khu vực.

Sự xuất hiện của những nhân tố mới cho thấy quá trình chuyển dịch tất yếu của nền kinh tế thế giới. Trong tấm bản đồ kinh tế thế giới đang thay đổi chưa từng thấy, N-11 được đặt nhiều hy vọng như một cực không thể thiếu với Đông Nam Á là vị trí trọng tâm của cuộc chuyển giao. Với những lợi thế về tài nguyên, nhân lực và tính địa - chiến lược… có cơ sở để tin tưởng khu vực hiện ổn định, năng động nhất thế giới này sẽ tiếp tục vươn mình, đóng góp cho đà hồi phục kinh tế toàn cầu và sự thịnh vượng của cả nhân loại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trụ cột mới trong thế giới biến động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.