LTS: Dư luận chưa hạ nhiệt cho dù trong cuộc họp báo gần đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng đã thừa nhận sự nóng vội, thiếu tính toán khi thực hiện một chủ trương đúng của thành phố.
LTS: Dư luận chưa hạ nhiệt cho dù trong cuộc họp báo gần đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng đã thừa nhận sự nóng vội, thiếu tính toán khi thực hiện một chủ trương đúng của thành phố. Để bạn đọc có thể hình dung về hệ thống cây xanh của thành phố, Báo Hànộimới giới thiệu bài viết có tính chất khái quát về cây xanh Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX đến nay.
Bài 1: Cây xanh xưa
Chiếm gần hết tỉnh Hà Nội cuối năm 1883, thực dân Pháp đã tính chuyện cải tạo và kiến thiết khu vực huyện Thọ Xương (tương ứng với quận Hoàn Kiếm, một phần quận Ba Đình ngày nay). Đầu tiên công sứ Bonnal đã di dân làm con đường vòng quanh Hồ Gươm, cho xây dựng khu hành chính ở phía đông hồ. Cùng với đó là việc làm con đường từ khu nhượng địa Đồn Thủy (tương ứng khu vực Bệnh viện 108 - Nhà khách 33 Phạm Ngũ Lão hiện nay) qua phố Hàng Khảm (gồm phố Tràng Tiền và Tràng Thi hiện nay) vào trong Thành.
Con đường hoàn thành năm 1885, dù mới rải đá dăm, chưa có kinh phí lát vỉa hè nhưng Bonnal đã cho trồng cây ở phố Tràng Tiền. Phố này khi đó là nhà một tầng và có lẽ hầu hết người Pháp chắc không chịu nổi cái nóng mùa hè nên mới tính chuyện trồng cây. Hai hàng phượng lớn nhanh hoa đỏ rực lúc vào hè tạo cảm giác thích thú cho người Việt Nam thì người Pháp sống ở phố này bắt đầu khó chịu và sinh sự. Họ kêu lên tòa đốc lý (tương tự UBND thành phố hiện nay) là cành và thân cây che lấp mặt cửa hàng nên không buôn bán được, họ cũng la lối những con ve sầu bám thân cây kêu rầm rĩ làm nhức đầu, mất ngủ. Rồi họ vu hai hàng phượng là nơi trú ngụ của muỗi, nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét cho người Châu Âu. Trước sức ép đó, đốc lý buộc phải cho chặt hai hàng phượng.
Một góc phố Hà Nội thời Pháp thuộc với những hàng cây xanh. |
Năm 1888, Vua Đồng Khánh đã cắt một phần đất thuộc tỉnh Hà Nội cho chính quyền Pháp lập thành phố Hà Nội nhượng địa (tương ứng từ Bệnh viện 108 chạy ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám lên đầu đường Thanh Niên rồi theo đê sông Hồng quay lại Bệnh viện 108). Vì là thành phố nhượng địa nên luật pháp của triều Nguyễn không có giá trị, mọi hoạt động xã hội, kinh tế, hình sự được điều chỉnh theo luật Pháp quốc. Và họ bắt đầu lập quy hoạch xây dựng Hà Nội mới bên cạnh khu vực “36 phố phường”. Ngày 1-1-1890 Tổng trú sứ Brière đã ký nghị định lập đội ngũ nhân sự của Sở Lục lộ Hà Nội, trong biên chế sở này có nhân viên trồng cây xanh là người Pháp và mức lương của nhân viên này 950,30 đồng/tháng. Như vậy có thể khẳng định đội trồng cây xanh ở Hà Nội ra đời cách đây 125 năm. Tiếp đó ngày 21-4-1890, ông ta ký tiếp qui chế lục lộ, kèm theo đó là phụ lục danh sách các phố với chiều dài, chiều ngang và chiều rộng vỉa hè. Trong qui chế quy định chỉ được phép trồng cây tại các phố có vỉa hè từ 4 mét trở lên. Ngày 21-9-1891, Đốc lý Hà Nội là Beauchamp đã ký “Qui chế lục lộ thành phố”, tại Khoản 7 Điều 12 đã nhắc lại quy định này. Và như vậy, phần lớn các phố thuộc khu vực “36 phố phường” có nóng bức cũng không được trồng cây vì vỉa hè chỉ rộng 3 mét.
Năm 1890, chính quyền Pháp lấy đất làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp và hồ ao làng Khán Xuân để lập Vườn thí nghiệm thực vật. Vườn trồng thí điểm các loài cây, giống hoa và rau nhập từ nước ngoài cùng các cây bản địa (Sau này trại ươm giống cây chuyển lên dốc Hoàng Hoa Thám dân gọi là trại La Pho). Cũng trong khoảng thời gian này, khu phố kiểu Pháp bắt đầu được xây dựng ở phía nam Hồ Gươm với đường phố rộng rãi, vỉa hè thiết kế từ 7 đến 7,5 mét. Đó là các phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Bà Triệu (đầu phố) ngày nay. Tuy nhiên, dù có vườn thí nghiệm thực vật nhưng phải mấy năm sau mới gây được giống nên cây xanh quanh Hồ Gươm, khu hành chính phía đông và khu phố Pháp phía nam Hồ Gươm chỉ được trồng vào khoảng năm 1895. Cây được trồng bao gồm các cây nhập từ nước ngoài về như: xà cừ nhập từ châu Phi, chẹo từ Nam Mỹ, cùng các cây bản địa như bàng, phượng, quyếch, muồng…
Năm 1902, Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương thì tòa đốc lý càng chú ý đến bộ mặt đô thị. Đốc lý Baille Frédéric (nắm quyền từ 1901-1903) ra quy định cây xanh trồng ở Hà Nội phải tuân theo tiêu chí: Có bóng mát, bảo đảm mỹ quan, không có nhựa, không đổ trước các trận bão vừa phải. Bên cạnh đó là tùy theo chiều cao quy định cho các phố để chọn giống cây phù hợp. Quy định cũng có điều khoản phạt tiền với những hành vi phá hoại cây xanh. Và thử thách đầu tiên đối với cây xanh Hà Nội là trận bão mạnh quét qua Hà Nội ngày 7-6-1903 làm gãy và đổ nhiều cây quanh Hồ Gươm và phố Ngô Quyền.
Chính quyền cũng thí điểm qua cây xanh tạo ra kiến trúc đô thị nên phố Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, đầu phố Hàng Bài đã trồng sấu, phố Quán Thánh trồng toàn hoa sữa, phố Lý Thường Kiệt chỉ trồng cây cơm nguội, nửa đầu phố Lò Đúc trồng sao đen… cây xà cừ không ưa ẩm, trồng ở các khu đất cao. Khi cây đã lớn cho bóng mát thì nhiều giống cây đã lộ ra “khuyết điểm”. Cây xà cừ lớn nhanh, tán rộng ở Châu Phi có bộ rễ cọc nhưng khi trồng tại Hà Nội, do đất có độ ẩm cao nên rễ lại ăn ngang, có cây rễ ăn cả vào móng các nhà mặt phố nên khả năng chịu bão kém. Sấu khó trồng, lâu lớn nhưng có ưu điểm thân khá thẳng, tán cũng rộng, rễ ăn sâu mới lan ngang, lá hình mắt nai lại xanh thẫm rất đẹp. Cuối mùa xuân, hoa nhỏ li ti mầu trắng nở rụng trắng vỉa hè tỏa mùi thơm dịu, làm ngây ngất người đi qua. Đặc biệt, quả sấu xanh có vị chua được dùng để luộc rau, nấu canh hay ngâm đường làm nước giải khát. Cây sao đen có rễ cọc, chậm lớn nhưng bù lại thân thẳng, hàng sao thẳng tắp nom khỏe khoắn và uy nghi. Cây cơm nguội lại toát lên vẻ chân chất, mùa thu lá vàng rất đẹp nhưng nhược điểm là lâu năm thì thân cây tự mục rỗng, vì thế những năm 70 thế kỷ XX, thành phố đã cưa hàng cơm nguội ở phố Lý Thường Kiệt trồng thay vào đó là phượng. Hàng cây sữa ở phố Quán Thánh đến nay cũng đã quá già cỗi, trên ngọn chỉ còn vài ba cành lơ thơ. Muồng sẫm nở hoa vàng rất đẹp nhưng lại giòn, gió lớn dễ bị gãy ngang thân. Cọ nhập từ châu Phi cho cảm giác khát khao bầu trời, khát khao tự do nhưng khi lá rụng rất nguy hiểm. Bàng lâu lớn, có sâu róm nhưng bù lại tán rộng. Còn bằng lăng khi đâm chồi, lá non mầu ánh tím rất lạ và đẹp… Họ cũng rút ra bài học cây lá nhỏ như me, muồng lá rụng không gây tắc cống như các giống lá to.
Có thể nói từ khi cây xanh được trồng trên các tuyến phố, nơi công cộng, vườn hoa, khuôn viên công sở cho đến năm 1945 không chỉ giảm bớt cái nóng mùa hè, không khí thêm trong sạch mà còn làm cho Hà Nội đẹp và lãng mạn hơn. Tuy nhiên, trong 9 năm thành phố bị thực dân Pháp tạm chiếm, các quy định về cây xanh bị chính quyền sao nhãng do chiến tranh, ngân sách bị cắt giảm nên chính quyền đã “xã hội hóa” trồng cây. Nhà nào thích trồng cây gì thì mua về báo cho nhân viên lục lộ đến trồng. Và cây xanh Hà Nội đã không còn như trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.