Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong trẻo một tình yêu Hà Nội

Nguyễn Linh| 01/10/2011 07:26

(HNM) - Suốt cuộc đời say mê với vẻ đẹp thiên nhiên, cốt cách con người Hà Nội, biến tình yêu ấy thành nét nhạc, lời ca, nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930) đã cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật.


Từ cuối những năm 1950 đến nay, nhiều tác phẩm của ông đã chinh phục đời sống âm nhạc của người dân Việt Nam và vươn xa tới nhiều nước trên thế giới. Ông đã trở thành người nhạc sĩ của nhân dân Thủ đô và cả nước.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên là người con thứ 9 của ông chủ bút Báo Nam Phong, Phạm Quỳnh. 12 tuổi bắt đầu sáng tác nhạc, đến nay ông đã có gần 700 ca khúc, tác phẩm âm nhạc, 10 cuốn sách về thường thức âm nhạc, dịch hàng trăm bài hát, bài viết của các nước sang tiếng Việt... Đối với Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Tuyên có nhiều đóng góp lớn, với nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng. Tình yêu Hà Nội của ông đã chuyển tải thành những giai điệu bay bổng, trong sáng, lãng mạn: Hát dưới trời Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Có một mùa thu Hà Nội, Hà Nội những đêm không ngủ, Khúc hát ru người mẹ trẻ, Hát lên họa mi, Hát về Hà Nội, Từ một ngã tư đường phố… Từ những ca khúc xinh xắn cho các bé mẫu giáo tới những bản hợp xướng đồ sộ, tác phẩm của ông đều mang hơi thở đời sống người dân Thủ đô. Ông là một trong những nhạc sĩ viết nhiều nhất cho trẻ em, chiếm tới 1/3 số lượng các ca khúc. Những bài hát của ông đã được thiếu nhi Hà Nội và cả nước yêu thích. Một loạt ca khúc: Chiếc đèn ông sao, Trường chúng cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Đêm pháo hoa, Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Tiến lên đoàn viên, Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội… mang những ca từ hồn nhiên, âm điệu trong trẻo đã đi suốt cuộc đời của nhiều thế hệ người Hà Nội. Nhạc của ông đã thấm đẫm trong tâm hồn, nâng cao giá trị cuộc sống cho những người nông dân, công nhân, chiến sĩ. Ông là người nhạc sĩ của nhân dân.

Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam, tác phẩm của ông đã tiếp sức cho tất cả mọi người, từ Bắc vào Nam, cổ vũ họ nỗ lực sản xuất, chiến đấu, giảng dạy, học tập, nghiên cứu... vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Năm 1972, trong 12 ngày đêm không quân Mỹ đánh bom hủy diệt Thủ đô Hà Nội bằng B52, đồng bào miền Nam rất lo lắng. Khi ấy, ông bám trụ cơ quan (Đài Tiếng nói Việt Nam) làm việc, mỗi khi có còi báo động lại nhảy xuống hầm tránh bom. Trong một lần, với nỗi niềm uất nghẹn, dưới ánh lửa bom, ông đã dồn tình cảm làm nên giai điệu bài ca "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Sau này ông được các nhạc sĩ miền Nam ra Bắc kể lại: "Khi bài hát "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của Phạm Tuyên được phát trên sóng của đài, đồng bào, chiến sĩ miền Nam rất mừng. Lời bài hát mạnh mẽ, hào hùng đã khiến chúng tôi tin chắc rằng: dù đế quốc Mỹ ra tay tàn ác đến đâu, miền Bắc cũng chiến thắng".

Ông tâm sự: "Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi trực ở đài, theo dõi sát những bước chân thần tốc của các cánh quân. Với ước mong và linh cảm đại thắng, tôi đã sáng tác bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng vào đêm 28-4-1975, trong trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội). Ngày hôm sau, dàn nhạc của đài dàn dựng ngay. Sau bản tin chiến thắng 30-4-1975 lịch sử, bài hát đã được phát liên tục. Sáng sớm hôm sau tôi ra Bờ Hồ đã thấy không ít người hát vang bài ca một cách hào sảng. Tôi hết sức ngạc nhiên vì bài hát còn chưa đưa đi in". Đến nay, hàng chục năm đã qua, giai điệu của bài hát đã vươn tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành bài ca hữu nghị, bài hát "giã bạn" bằng tiếng Việt và nhiều thứ tiếng. Năm 1985, với tác phẩm Như có Bác trong ngày vui đại thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1 và sắp được đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011. Với tài năng và nhân cách mẫu mực của mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trong trẻo một tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.